11/04/2008 - 09:16

Phiên họp toàn thể Ủy ban Các vấn đề xã hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Thẩm tra Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dầu khí và Nghị quyết về chính sách cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam

* Thúc đẩy xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

(TTXVN)- Cho ý kiến về báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm y tế tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khai mạc sáng 10-4, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) phải đảm bảo tính công bằng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho đại đa số người dân, nhất là người nghèo, đối tượng yếu thế.

Thẩm tra báo cáo về Luật BHYT, các đại biểu tán thành với Chính phủ về các quan điểm xây dựng dự án Luật và định hướng tiến tới BHYT toàn dân, đồng thời cho ý kiến về các vấn đề: lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, về mức đóng BHYT, về chính sách BHYT... Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định lộ trình để thực hiện BHYT bắt buộc đối với xã viên hợp tác xã; hộ kinh doanh cá thể, người thuộc hộ gia đình làm nghề nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các đối tượng khác tham gia BHYT bắt buộc từ năm 2014 theo hình thức hộ gia đình sẽ không phù hợp với loại hình BHYT tự nguyện, bởi loại hình bảo hiểm là chỉ là hình thức bổ sung, có tính chất thương mại, cơ chế chính sách và quyền lợi không thể giống như BHYT bắt buộc. Nhà nước không thể hỗ trợ cho loại hình BHYT thương mại, nếu tiếp tục làm BHYT tự nguyện như hiện nay sẽ tiếp tục gây thâm hụt Quỹ BHYT. Theo lộ trình này, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, xác định rõ tác động như thế nào khi thực hiện lộ trình BHYT bắt buộc vào năm 2014. Về việc cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh tham gia BHYT, đa số ý kiến của các ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội tán thành nên quy định việc cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh, góp phần kiểm soát, chống lạm dụng BHYT. Vấn đề BHYT cho nông dân, các thành viên của Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị, dự thảo Luật cần quy định việc ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần để người nông dân tham gia BHYT, trong đó có phân cấp trách nhiệm chính quyền các cấp.

* Chiều 10-4, tại phiên họp toàn thể thứ tư, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã góp ý kiến vào Dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND).

Xã hội hóa công tác CSSKND, trong đó cốt yếu nhất là việc và khám, chữa bệnh cho dân là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào Chương trình giám sát 6 tháng đầu năm năm 2008 của Quốc hội khóa XII. Việc hoàn thiện báo cáo này là nhằm chuẩn bị cho phiên họp thứ 8 của UBTVQH và kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XII sắp tới. Các thành viên Ủy ban cơ bản nhất trí với nội dung Dự thảo Báo cáo của UBTVQH, đánh giá cao việc UBTVQH cử đoàn giám sát chuyên đề, thu thập thông tin và đánh giá thực trạng thực hiện chính sách xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2002- 2007. Trên cơ sở đó, các kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách và pháp luật liên quan đến xã hội hóa CSSKND phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Các thành viên Ủy ban đều nhất trí kiến nghị Quốc hội sớm ban hành các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết làm căn cứ pháp lý thúc đẩy thực hiện xã hội hóa công tác CSSKND. Ngay trong kỳ họp sắp tới, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết thúc đẩy xã hội hóa công tác CSSKND, với những quy định cụ thể về tỷ lệ ngân sách đầu tư cho hoạt động CSSKND nói chung (có thể có lộ trình), trong đó quy định ít nhất dành 30% cho y tế dự phòng; chuyển hướng dần từ đầu tư trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang trực tiếp cho người thụ hưởng (qua bảo hiểm y tế); đề ra những nguyên tắc trong thực hiện liên doanh liên kết tại các cơ sở y tế công cho phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và giao Chính phủ thực hiện.

* Tiếp tục phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII, sáng 10-4, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về “Chính sách cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà có thời hạn tại Việt Nam”.

Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trình bày tại phiên họp nêu rõ sự cần thiết ban hành Nghị quyết của QH về việc người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Theo đó, từ năm 2004 đến hết 2007 đã có khoảng hơn 80 ngàn người nước ngoài vào Việt Nam sinh sống làm ăn và học tập thuộc 10 loại đối tượng: Những người đang làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức quốc tế, phi chính phủ và Liên Hiệp Quốc; những người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam; những người kết hôn với công dân Việt Nam và hiện đang sinh sống ở Việt Nam; các nhà khoa học, chuyên gia; các vận động viên; công nhân người nước ngoài; những người được Chủ tịch nước công nhận là công dân danh dự của Nhà nước Việt Nam và các học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo tại Việt Nam. Hầu hết những đối tượng này đều đang sinh sống, học tập, làm việc tại các thành phố lớn và các địa phương có nhiều dự án đầu tư.

Theo dự thảo của Chính phủ, dự kiến sẽ có 7 đối tượng được mua nhà và sở hữu nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, những đối tượng này phải thỏa mãn các điều kiện như: Đối với doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Đối với cá nhân phải đang sinh sống tại Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép cư trú từ 1 năm trở lên. Những đối tượng này sẽ được mua căn hộ chung cư trong các dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại. Việc mua bán nhà ở phải được lập thành hợp đồng với hai ngôn ngữ Anh - Việt và chỉ có UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua. Dự thảo cũng quy định chủ sở hữu nhà (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thể nhân người nước ngoài) chỉ được sở hữu căn hộ chung cư trong thời hạn tối đa 70 năm; trừ trường hợp được Nhà nước Việt Nam gia hạn thêm. Tuy nhiên tất cả những đề xuất này chỉ có giá trị pháp lý sau khi được QH thông qua.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH - Hà Văn Hiền tán thành với những đề xuất về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết về việc người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam từ phía cơ quan soạn thảo, xuất phát từ nhu cầu thực tế ngày càng đông người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Việc ban hành Nghị quyết của QH về vấn đề này thể hiện thiện chí hội nhập quốc tế của Việt Nam; mong muốn mở rộng hợp tác, quan hệ với các nước trên thế giới. Kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế QH đề nghị phía Chính phủ cần tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự thảo để sớm trình QH xem xét, quyết định.

* Ủy ban kinh tế của QH khóa XII đã cho ý kiến thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí vào chiều 10-4.

Sau 15 năm thực hiện, Luật Dầu khí năm 1993 và sửa đổi bổ sung năm 2000 đã kịp thời đáp ứng hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ta, tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã nảy sinh một số nội dung bất cập, cần thiết phải sửa đổi. Cụ thể: Quy định cơ quan nào chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với ngành dầu khí; thời hạn tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; quy định về đấu thầu dịch vụ dầu khí; các quy định về thuế và lệ phí. Việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí dựa trên quan điểm thể chế hóa đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp dầu khí, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; khắc phục những hạn chế của Luật Dầu khí nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về dầu khí; đảm bảo phù hợp với các luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế của nền kinh tế nước ta.

Kết luận những vấn đề cần thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH, Hà Văn Hiền lưu ý cơ quan soạn thảo cần xem xét mối tương quan giữa những quy định của dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí với các văn bản pháp luật khác, tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí đề nghị QH thông qua dự án Luật này trong kỳ họp thứ 3 tới.

Phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Kinh tế của QH cũng kết thúc sau phiên họp buổi chiều này.

Chia sẻ bài viết