04/04/2009 - 09:36

Thăm làng tranh kiếng xứ cù lao

Thuở trước, đi dọc tuyến lộ xã ven dòng kênh ông Chưởng, nhà nhà - xóm xóm, già trẻ - gái trai cùng tẩn mẩn, tỉ mỉ bên khung kiếng vẽ nên những bức tranh thờ, tranh treo tuyệt đẹp. Ngày ấy là thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề tranh kiếng xứ cù lao.

1. Xuôi theo dòng kênh ông Chưởng, chúng tôi về làng nghề tranh kiếng của huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang), một trong 10 làng nghề được chính thức công nhận ở xứ cù lao này. Thuở trước, từ chợ Bà Vệ đến chợ Mương Chùa, rồi từ ngã ba Bà Vệ về hướng Mỹ Luông, nhà nhà, người người cùng vẽ tranh, làng tranh nhộn nhịp. Nay, qua chợ Bà Vệ, hỏi thăm mấy cụ cao niên về làng nghề tranh kiếng, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm: “Tranh kiếng giờ đâu còn mấy người làm chú ơi! Mất ăn nên xóm này bỏ nghề gần hết, tìm đến chỉ buồn thêm”.

Anh Hòa giới thiệu những bộ tranh thành phẩm. 

Không nản chí, chúng tôi vẫn cố nài hỏi xem còn ai cố bám lấy cái nghề truyền thống cả trăm năm ròng ở miệt này không. Một trong số họ bảo chúng tôi rằng: “Có đấy, đó là hộ cậu Hòa diễn viên (anh Nguyễn Thanh Hòa, ngụ ấp Long Tân, xã Long Điền B, diễn viên phim truyền hình, P.V) vẫn còn làm tranh lai rai”.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến ấp Long Tân (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới), Phó Ban ấp Nguyễn Văn Á bảo rằng “Làng tranh kiếng giờ còn ít người theo, trước tui cũng theo nghề, vừa sản xuất, vừa đem bán tận miệt Minh Hải, Bạc Liêu, nhiều lúc ra tận Phú Phong (Bình Định). Bán riết mà vốn liếng mất tăm... Chú muốn tìm anh Hòa, để tui dẫn đi”. Anh Á tận tình dẫn tôi đến thăm cơ sở làm tranh kiếng của anh Hòa, một cơ xưởng nhỏ nằm ven tuyến lộ xã, ngay ngã ba về thị trấn Mỹ Luông.

Niềm nở mời khách, anh Hòa bảo rằng, cơ xưởng hổm rày làm ít lại. Đúng ra, thời điểm gần thu hoạch vụ đông xuân những năm trước, nhân công làm không ngơi tay, giờ bán cầm chừng một năm trên dưới 3 đến 4 ngàn bộ là mừng húm.

Nghề tranh kiếng nơi đây cũng chẳng ai biết có tự khi nào, chỉ biết rằng người đầu tiên theo nghề là cha của ông Hai Luông ở Xẻo Môn. Nghe đâu ông học nghề miệt Lái Thiêu, rồi về đây sinh sống. Làng nghề này tính chừng ngót hơn trăm năm. Cũng từ dạo ấy, bà con xóm ấp làm theo và nghề tranh kiếng Chợ Mới bắt đầu từ dạo ấy.

2. Từ miệt sông nước miền Tây này, rồi lan ra đến tận xứ Phan Rang, Bình Định, nhà nhà dù lớn, dù nhỏ đều có bộ tranh thờ, tranh treo mới phải đạo. Con cái ra riêng, cất nhà, cho đất thì cũng phải kèm bộ tranh kiếng để thờ trang trọng.

Tranh thờ có nhiều loại tùy theo tôn giáo, vùng miền, dân tộc. Còn kích thước thì có tranh Thủ (loại đặc biệt) đến tranh I, tranh II, tranh III xứng với tầm cho mỗi gian nhà. Thuở ấy, xem bộ tủ thờ, bộ lư hương, bộ tranh kiếng là biết gia đình ấy được xếp vào loại khá giả hay tầm trung. Tranh thờ đủ bộ gồm 12 bức. Trong đó, bức to nhất là bức tranh đặt ở giữa, thường vẽ bốn chữ Nho: “Cửu Huyền Thất Tổ”; đôi liễn được vẽ những câu đối chữ nho dạy đạo lý, luân thường. Mỗi bức tranh đều mang ý nghĩa riêng biệt.

Làng nghề tranh kiếng xứ cù lao giờ hiếm hoi những người thợ vẽ tranh bằng cọ như vầy. 

Trong ngôi nhà sàn truyền thống miền Nam, bên cạnh tranh thờ ngay tiền sảnh, hai bên cửa buồng thường treo bộ tranh cảnh truyền thuyết Thoại Khanh - Châu Tuấn, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Phạm Công - Cúc Hoa, tranh phong cảnh sông nước hữu tình, làng quê thanh bình...

Tranh kiếng ngày trước được vẽ thủ công qua hơn chục công đoạn. Nghề vẽ không khó nhưng cần cái khéo tay: Trẻ nhỏ nét vẽ chưa sắc cho chấm tàng cây, bờ cỏ, mép kênh; người lớn thì tách nét, phối màu, táng màu loang, lấp trắng, gắn sao nháy, tráng thủy... Mỗi người một công đoạn, thế nhưng ai nấy trong nhà đều có thể chung tay góp sức tạo nên những bức tranh đậm nét văn hóa Việt Nam. Nay, tranh kiếng đã kéo lụa, dán đề can, cái hiện đại ấy đã làm mất đi nét đẹp của hoa tay người thợ, làm mất đi cái hồn Việt trong tranh. Nhìn những bức tranh được những người thợ rập khung kéo lụa, lòng tôi man mác về hình ảnh những cô gái bên khung cửa nắn nót vẽ từng nét cọ màu bay bổng, thướt tha. Âu cũng thuận lẽ tự nhiên, cái hiện đại đâu đó đã và đang lấn sân cái truyền thống khi nhu cầu sản xuất hàng loạt, nhanh nhạy, rẻ tiền đang là xu thế.

3. Dù làng nghề tranh kiếng Chợ Mới đã có tuổi đời trên trăm năm, thế nhưng làng nghề chỉ mới chính thức được công nhận làng nghề truyền thống ba năm qua. Với sự kiện này, đáng lẽ làng nghề hừng hực khí thế vươn lên, thế nhưng buồn thay, càng ngày, làng nghề càng hiu hắt. Bên tách trà, anh Hòa chia sẻ: “Mình theo nghề tính đến nay hơn 20 năm. Tính luôn đời cha mẹ cũng ngót nghét bảy tám chục năm, thế nhưng càng làm càng buồn anh ạ”. Anh buồn vì nhiều lẽ, buồn vì ngày càng nhiều người bỏ cái nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa dân gian, buồn vì nghề không phát triển, buồn vì tranh kiếng đã và đang đi vào giai đoạn thoái trào.

Được chính thức công nhận làng nghề với hơn 20 hộ, thế nhưng những hộ làm tranh quy mô, giờ ngoài anh Hòa chỉ thêm hộ thầy Quang - cô Yến ở chợ Hành Dinh (ấp Long Thạnh 2, xã Long Giang) và hộ anh Quốc Việt (ấp Long Tân, xã Long Điền B) là còn làm kha khá. Cùng chung tâm sự anh Hòa, chúng tôi gặp thầy Quang (Huỳnh Minh Quang) bên bản thiết kế mẫu mới cho đợt tranh kiếng vụ đông xuân năm nay (tranh kiếng thường bán theo vụ mùa nông nghiệp, vụ mùa đánh bắt cá biển hàng năm). Thầy Quang nói vui: “Bà nhà bắt tui vẽ thêm mẫu mới chào hàng người ta nữa nè. Vẽ mẫu mới hoài mà tranh bán không được bao nhiêu. Một bộ tranh bán giá cao lắm cũng chưa được hai trăm ngàn đồng, hẻo muốn chết luôn”. Tranh kiếng đi vào thoái trào vì đâu? Ngồi tâm sự, thầy Quang bảo: “Giờ tranh kiếng đã lỗi thời, tranh hiện đại, tranh vẽ trên máy vi tính... đẹp mê hồn, rẻ chán thì mua một bộ tranh “cổ lỗ sỉ” này về làm chi. Một lý do khác, thầy đưa ra thấy cũng có lý: tranh kiếng thì hợp với nhà cất bằng gỗ kiểu xưa, có gian, có mái, nay nhà tường, cất trơn trùi, bộ sa-lông án trước, ai để tủ thờ, bộ ngựa phòng khách nữa mà treo tranh kiếng này làm chi”. Theo nghề trên 30 năm, là một trong những người đầu tiên phát kiến nhiều ý tưởng duy trì làng nghề, thế nhưng bấy nhiêu tâm huyết của thầy Quang vẫn không cản nổi quy luật của tự nhiên!

Hỏi về dự định cho nghề làm tranh kiếng trong tương lai, anh Hòa chậm rãi: “Thị trường trong nước giờ đã bão hòa, mấy năm rồi xuất sang Campuchia được kha khá, tiếp thị sang thị trường Lào cũng đỡ. Nhưng chắc cũng chỉ được vài năm là cùng, rồi chắc mình cũng kiếm nghề khác cho bà nhà làm, tranh kiếng vẫn cứ làm lai rai, mình đi đóng phim đem cát-sê về nuôi vợ con cho chắc!” - Anh Hòa hóm hỉnh nói với chúng tôi mà đôi mắt nhìn xa xăm.

Bài, ảnh: NGUYỄN HUỲNH

Chia sẻ bài viết