04/02/2022 - 20:23

Tây Đô vươn tầm vóc mới 

Ðầu tháng 8 năm 2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ59). NQ59 cùng với các quyết sách lần lượt ra đời trong năm qua sẽ tạo động lực mạnh mẽ để Cần Thơ tranh thủ nguồn lực, phát huy lợi thế, khẳng định vị trí đầu tàu tăng trưởng kinh tế cho vùng ÐBSCL trong thời kỳ CNH, HÐH. Các nhà điều hành, quản lý và chuyên gia đã có ý kiến về các biện pháp thành phố có thể vận dụng hiệu quả NQ59 để đạt cao nhất mục tiêu mà nghị quyết quan trọng này đề ra.

Bốc xếp thiết bị điện gió tại Cảng Cái Cui, TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ:

Sẵn sàng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số

Cần Thơ đang quyết liệt triển khai thực hiện NQ59 và một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được xác định là tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ khoa học và công nghệ (KH&CN), chăm sóc sức khỏe… phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và vùng ÐBSCL; từng bước khẳng định vị thế là trung tâm vùng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo, KH&CN, y tế...

Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, thành phố đã xác định sẽ tập trung các nguồn lực (nhân lực, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật…) để thực hiện chuyển đổi số. Bởi đây là chìa khóa quan trọng để thành phố vượt qua khó khăn, thách thức. Ðặc biệt, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp chính quyền thành phố chủ động hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh; đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp sớm khôi phục kinh tế, sản xuất, góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” và xây dựng chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, minh bạch hơn. Vì vậy, thành phố sẽ tiếp tục tận dụng thời cơ, khai thác những tác động tích cực chuyển đổi số để từng bước làm thay đổi các mặt của đời sống xã hội, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận thông tin, dịch vụ, phát triển tri thức và kinh tế, chăm sóc sức khỏe…

Ông Nguyễn Quang Nghị, Giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ:

Phân bổ nguồn lực hợp lý, phát triển bứt phá, toàn diện

Sở Tài chính đã và đang phối hợp với các sở, ngành hữu quan tìm kiếm các nguồn tài chính xanh, cân đối nguồn kinh phí đầu tư phát triển các ngành kinh tế theo đúng cơ cấu NQ59 đề ra, tạo điều kiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nội bộ từng ngành theo hướng kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, hiện đại, phù hợp với xu thế chung trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Sở sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất khai thác đa dạng các nguồn vốn phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu. Ðồng thời, phối hợp xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý đặc thù, có tính vượt trội, tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế thành phố. Tham mưu bố trí kinh phí đảm bảo công tác an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ðồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; ưu tiên tham mưu phân bổ ngân sách đầu tư KH&CN, môi trường, hạ tầng số để tận dụng kịp thời thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ:

Khẳng định vai trò trung tâm KH&CN của vùng ÐBSCL

Giai đoạn 2014-2020, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của TP Cần Thơ đạt 12,14%. Trong đó, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đến năm 2020 đạt 32%, xấp xỉ với mặt bằng chung của cả nước. Ngoài ra, thành phố còn kết nối các Chương trình, nhiệm vụ KH&CN để tăng cường năng lực tiếp cận các công nghệ 4.0 thông qua thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trên nền tảng mã nguồn mở phục vụ xây dựng mô hình triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của TP Cần Thơ”, “Xây dựng hệ thống điều khiển truy xuất dữ liệu lớn cho trường đại học, cao đẳng”, “Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông minh hỗ trợ, hỏi đáp thủ tục hành chính tại TP Cần Thơ”…

Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm KH&CN của vùng ÐBSCL, Sở KH&CN tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ thành tựu công nghệ 4.0 trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài. Ðồng thời, mở rộng hoạt động hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng; đẩy mạnh các giải pháp kết nối cung cầu thị trường KH&CN thông qua chương trình phát triển các sàn giao dịch nhằm kết nối sản phẩm cung của các viện nghiên cứu với cầu của doanh nghiệp, người nông dân vùng ÐBSCL…

Ông Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ:

Nhập cuộc nghiêm túc, tạo đòn bẩy để Cần Thơ phát triển xứng tầm

Năm qua, TP Cần Thơ triển khai 3 nội dung đặc biệt quan trọng trong thực hiện NQ59. Thứ nhất, chủ động phối hợp với Trung ương triển khai các dự án phát triển kết cấu hạ tầng mang tính chiến lược. Ðặc biệt là Dự án đường vành đai phía Tây thành phố kết nối TP Cần Thơ với hệ thống giao thông liên vùng và diễn ra đồng thời với các dự án hạ tầng giao thông liên vùng đang được Bộ Giao thông vận tải triển khai (tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Bạc Liêu, Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…) cùng với việc đề xuất triển khai tuyến đường sắt kết nối TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ. Thứ hai, xây dựng đề án báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ trên cơ sở rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 103/2018/NÐ-CP ngày 7-8-2018 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ. Thứ ba, xây dựng Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ðây là sự nhập cuộc rất nghiêm túc, tạo đòn bẩy cho sự phát triển của thành phố trong cả ngắn, trung và dài hạn. Ba nội dung này khi hoàn thành sẽ tạo động lực mới và điều kiện thuận lợi để Cần Thơ đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khẳng định vai trò trung tâm kết nối tại ÐBSCL.

MỸ THANH - MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết