26/06/2024 - 20:23

Ông Trần Hồ Bình Tuy, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ:

Tập trung cao độ triển khai hiệu quả cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 

 

Cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 (gọi tắt là cuộc Điều tra) sẽ bắt đầu từ ngày 1-7-2024 trên phạm vi toàn quốc. Cùng với các địa phương, TP Cần Thơ tích cực triển khai công tác chuẩn bị để bắt tay vào nhiệm vụ quan trọng này theo đúng thời gian quy định. Báo Cần Thơ trao đổi với ông Trần Hồ Bình Tuy, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ, xoay quanh công tác chuẩn bị cho sự kiện này.

* Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa về việc thu thập thông tin của cuộc Điều tra lần này?

- Cuộc Điều tra được thực hiện theo Quyết định số 628/QĐ-TCTK ngày 14-7-2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, với mục đích thu thập thông tin về dân số, điều kiện nhà ở của các hộ dân tộc thiểu số và các điều kiện kinh tế - xã hội. Qua đó, nhằm phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026-2030. Đồng thời, kết quả của cuộc Điều tra dùng làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

* Thưa ông, cuộc Điều tra được thực hiện trong phạm vi và gồm những đối tượng điều tra nào?

- Cuộc Điều tra được thực hiện trên phạm vi 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng tại TP Cần Thơ sẽ thực hiện điều tra, thu thập thông tin tại 65 địa bàn của 7/9 quận, huyện. Bao gồm: quận Ninh Kiều, quận Ô Môn, quận Cái Răng, quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ và huyện Thới Lai. Ước có khoảng trên 2.000 hộ sẽ được chọn điều tra. Thời gian thu thập thông tin được bắt đầu từ ngày 1-7 đến hết ngày 15-8-2024.

Đối tượng của cuộc Điều tra là hộ dân cư người dân tộc thiểu số, nhân khẩu thực tế thường trú tại các hộ dân cư người dân tộc thiểu số tính đến thời điểm điều tra là 0 giờ ngày 1-7-2024; bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang hiện đang ăn, ngủ tại hộ, nhưng không bao gồm những người đang số trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an... Đối tượng của cuộc Điều tra này còn được xác định là tình hình kinh tế, an ninh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của xã thuộc khu vực III, khu vực II và khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các xã không thuộc khu vực trên nhưng có địa bàn vùng dân tộc thiểu số sinh sống.

Cục Thống kê TP Cần Thơ tổ chức tập huấn nghiệp vụ cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024. Ảnh: T. TRINH

* Cuộc Điều tra sẽ tập trung thu thập những thông tin gì và sử dụng phương pháp thu thập thông tin như thế nào, thưa ông?

- Có 2 nội dung riêng biệt sẽ được tập trung thu thập thông tin là: hộ được chọn mẫu điều tra và UBND xã. Đối với hộ được chọn mẫu điều tra sẽ thu thập thông tin gồm: thông tin về nhân khẩu học của dân số; thông tin về giáo dục; thông tin về di cư; thông tin về hôn nhân; thông tin về sử dụng bảo hiểm y tế; thông tin về việc làm; thông tin về lịch sử sinh và tình hình sử dụng các biện pháp tránh thai của nữ từ 10-49 tuổi; thông tin về người chết của hộ trong 12 tháng qua; thông tin về nhà ở và điều kiện sinh hoạt của hộ; thông tin về đất ở, đất sản xuất của hộ; thông tin về một số loại gia súc chủ yếu của hộ; thông tin về tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ. Đối với UBND xã, nội dung thu thập thông tin gồm: thông tin chung về đặc điểm của xã; thông tin về sử dụng điện, đường, giao thông; trường học và trình độ giáo viên; nhà văn hóa; y tế và vệ sinh môi trường; chợ và cụm/khu công nghiệp; trình độ của cán bộ, công chức cấp xã; tôn giáo, tín ngưỡng; mức độ phủ sóng điện thoại và Internet.

Cuộc Điều tra sử dụng phương pháp thu thập thông tin trực tiếp. Đối với hộ được chọn mẫu điều tra, điều tra viên sẽ đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên thiết bị di động thông minh, gọi là CAPI. Đối với UBND xã, điều tra viên đến gặp những người có trách nhiệm cung cấp thông tin của UBND xã để thu thập thông tin và điền vào phiếu điện tử trên Trang thông tin điện tử của cuộc Điều tra, gọi là phiếu Webform.

* Để thực hiện thắng lợi cuộc Điều tra của thành phố, công tác chuẩn bị, triển khai đã được thực hiện như thế nào ?

- Trước tiên cần nhấn mạnh rằng: Sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Thống kê và lãnh đạo địa phương cùng với sự phối hợp nhịp nhàng của các ngành, các cấp hữu quan, đặc biệt là Ban Dân tộc thành phố, đóng vai trò rất quan trọng và quyết định rất lớn đối với sự thành công khi tổ chức thực hiện cuộc Điều tra trên địa bàn thành phố.

Thời gian qua, công tác dân tộc tại địa phương luôn được chú trọng và quan tâm đúng mức nên trong công tác triển khai cuộc Điều tra, lãnh đạo địa phương luôn quan tâm, theo sát và có những hướng dẫn kịp thời. Công tác tuyên truyền được thực hiện liên tục, thường xuyên và có tính trọng điểm để đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Qua đó, để mọi người dân biết, hiểu về mục đích, ý nghĩa của cuộc Điều tra và ủng hộ, tích cực cung cấp thông tin. Cục Thống kê đã tổ chức tập huấn về cuộc Điều tra cho các giám sát viên, điều tra viên, các ban ngành có liên quan…

Với nỗ lực của Cục Thống kê cùng sự phối hợp với Ban Dân tộc thành phố và các ban ngành hữu quan tại địa phương, chúng tôi tin tưởng sẽ thực hiện thành công cuộc Điều tra lần này…

* Xin cảm ơn ông!

T. TRINH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết