12/07/2022 - 08:23

Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng năm 2022

Tạo thêm điểm nhấn cho du lịch Cần Thơ 

Bài, ảnh: ÁI LAM

Sau 2 năm tạm dừng hoạt động vì COVID-19, Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng (Ngày hội) đã trở lại vào tháng 7 năm 2022. Ngày hội vốn là sự kiện điểm nhấn cho du lịch Cái Răng nói riêng và Cần Thơ nói chung. Sau 3 ngày diễn ra, Ngày hội năm nay thu hút nhiều du khách tham quan, hưởng ứng nhiệt tình.

Ðông đảo du khách tham quan chợ nổi Cái Răng.

Sau thời gian dài tạm lắng vì dịch bệnh, chợ nổi nhộn nhịp trở lại vào những Ngày hội. Rất nhiều ghe tàu tấp nập trên chợ nổi, tiếng trao đổi của tiểu thương và du khách rộn rã. Chị Trần Thị Hoàng Oanh (đến từ Hà Nội), cho biết: “Lần đầu tôi đi chợ nổi lại ngay dịp Ngày hội, không khí trên sông rất náo nhiệt. Nhất là các ghe tàu đều treo cờ rất đẹp mắt và ấn tượng”. Trong khi đó, chị Nguyễn Hồng Lê, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, nói: “Ðây là lần thứ hai tôi đi chợ nổi. Lần này thấy tàu ghe xôm tụ và mua bán nhiều hơn trước, tôi có nhiều trải nghiệm ấn tượng hơn. Ðiển hình như có nhiều ghe được trang trí màu sắc rực rỡ, tạo thêm sức sống cho chợ nổi; có thêm ghe biểu diễn đờn ca tài tử, nên hoạt động ở chợ nổi có thêm sinh khí, vui và thú vị hơn”.

Trong 3 ngày diễn ra Ngày hội với khoảng 16 hoạt động, cung cấp cho du khách đủ các trải nghiệm từ ẩm thực đến mua bán, giới thiệu nông sản, quảng bá du lịch, làng nghề… Một trong những hoạt động nổi bật được nhiều du khách yêu thích là thưởng thức bánh dân gian miễn phí. Chị Lâm Thị Kim Thoa, du khách đến từ Ðà Nẵng, nói: “Tôi được thưởng thức một số loại bánh dân gian Nam Bộ, như bánh khoai mì, bánh bò… Các loại bánh này khá ngon và chắc chắn tôi sẽ mua thêm vài món bánh khác để thưởng thức nhằm biết thêm về ẩm thực miền Tây”. Cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy, ở Cái Răng, cho biết: “Ðây là năm thứ hai tôi tham gia Ngày hội, với mong muốn giới thiệu những món bánh truyền thống của gia đình với du khách gần xa”. Cô Ngọc Thúy đã có hơn 40 năm làm bánh, trong đó nổi tiếng là bánh lá hoa hồng. Ðặc biệt, lần này cô Ngọc Thúy mang đến Ngày hội một loại bánh hoàn toàn mới là bánh mít. Bánh mít này cô vừa mới thử nghiệm thành công và vui mừng đem bánh đến Ngày hội để du khách gần xa được thưởng thức. Có chung niềm hân hoan với cô Ngọc Thúy, chủ tiệm bánh tét Mai Anh (gốc là lò Minh Tân), cũng chia sẻ sự phấn khởi giới thiệu lò bánh gia truyền ba đời của gia đình đến với du khách, trong đó đặc trưng là bánh tét ngũ sắc của gia đình.

Bên cạnh các gian hàng ẩm thực, các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống cũng thu hút đông đảo du khách tham quan, tìm hiểu. Du khách Ngô Nguyễn Ngọc Diệp, đến từ TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Ðây là lần đầu tôi biết về quy trình dệt chiếu, đan thúng. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng khi thử làm thì đúng là thử thách. Nhất là đan thúng, tôi tốn rất nhiều sức khi đan thử, nếu không cẩn thận có thể bị tre cứa. Ðiều này làm tôi thêm trân trọng những người giữ nghề truyền thống”. Tại đây có 5-6 nghệ nhân, trình diễn các nghề nổi bật của địa phương như dệt chiếu, đan giỏ, đan thúng… Bàn tay khéo léo của họ thu hút không ít người xem và tìm hiểu về nghề thủ công này.

Du khách tham quan và mua sắm tại các gian hàng của Ngày hội.

Du khách đến từ Hà Nội Hoàng Trọng Kiên cho biết: “Lần đầu tôi đến chợ nổi, tham quan không gian Ngày hội, tôi có ấn tượng với một số gian hàng trưng bày tạo hình trái cây, nông sản độc đáo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều gian hàng chưa trưng bày. Các gian hàng bỏ trống còn quá nhiều ảnh hưởng mỹ quan chung. Tôi cũng nghĩ là nên có nhiều gian hàng bán đặc sản trái cây hơn như thế mới có kết nối với chợ nổi”. Tương tự, chị Trần Lê Hạnh Linh, ở Hải Phòng, nói: “Tôi cũng thấy tiếc vì ở đây các gian hàng bán trái cây ít quá. Tôi rất thích trái cây miền Tây”.

Ngày hội năm nay đã tạo được không khí sôi nổi cho chợ nổi, tuy nhiên các hoạt động vẫn chưa thực sự thu hút nhiều du khách, do thiếu sự trải nghiệm tương tác. Thêm vào đó, việc tổ chức và bố trí các gian hàng còn lộn xộn, còn quá nhiều gian để trống, gây ảnh hưởng đến hình ảnh chung của Ngày hội. Tuy nhiên, Ngày hội cũng thu hút lượng khách nhất định và tạo được dấu ấn để du khách biết đến sự kiện của địa phương. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, cho biết: “Ngày hội đã tạo được sức lan tỏa cộng đồng, thu hút nhiều du khách gần xa đến với Cái Răng. Tôi cho rằng cần có những hoạt động như thế thường xuyên để từ đó tạo sự hiểu biết về chợ nổi sâu rộng hơn đến du khách trong và ngoài nước”.

Qua 6 lần tổ chức, Ngày hội từng bước tạo cho Cái Răng dấu ấn trong quá trình nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng. Thông qua sự kiện Ngày hội, du khách có cơ hội hiểu sâu hơn về đời sống, nếp sinh hoạt của người dân chợ nổi ở Cái Răng và Cần Thơ nói riêng, cũng như ÐBSCL nói chung.

Chia sẻ bài viết