24/08/2012 - 21:53

Tạo lực thu hút đầu tư

 Hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần May Tây Đô. Ảnh: MINH HUYỀN

Là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, hạ tầng cơ sở của TP Cần Thơ được Trung ương và địa phương rất quan tâm đầu tư để tạo động lực phát triển cho thành phố; đồng thời thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển. Thời gian qua, tăng trưởng GDP của thành phố luôn ở mức cao và cao hơn mức bình quân cả nước, nhưng trong quá trình phát triển đã bộc lộ nhiều bất cập, môi trường đầu tư, chính sách mời gọi, môi trường kinh doanh… của thành phố còn những hạn chế nhất định làm ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư. Để có môi trường đầu tư thông thoáng, TP Cần Thơ đang cần cuộc bứt phá mạnh mẽ.

Môi trường đầu tư kém hấp dẫn

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, trong 7 tháng đầu năm đã cấp mới chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 510 doanh nghiệp (DN) các loại hình, vốn đăng ký trên 4.830 tỉ đồng; cấp thay đổi chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.205 lượt DN, trong đó 155 DN tăng vốn hơn 1.822 tỉ đồng, 5 DN giảm vốn 114,3 tỉ đồng. Ngoài ra, đã có 71 DN làm thủ tục giải thể với tổng vốn trên 172,5 tỉ đồng. Xét về số DN đăng ký thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011 đã giảm khoảng 15,9%. Tính đến đầu tháng 8-2012, tổng số DN đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố là 9.291 DN và 2.268 đơn vị trực thuộc với tổng số vốn đăng ký trên 33.675 tỉ đồng. Trong đó, số lượng DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 90% tổng số DN đăng ký thành lập.

Hiện DN nhỏ và vừa đóng góp hơn 40% trong GDP của thành phố và trong 3 năm qua, tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường tiêu thụ trong nước sụt giảm khiến không ít DN nhỏ và vừa lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhiều DN phải co cụm sản xuất, cho thuê nhà xưởng, cho thuê công nhân. Theo phản ánh của một số DN, các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa thời gian qua của thành phố vẫn chưa sát với thực tế, DN vẫn tự xoay là chính. Trong khi áp lực cạnh tranh thị trường ngày một tăng, chi phí sản xuất cao, giá bán thấp, DN thiếu thông tin thị trường, các ngành chức năng thành phố cung cấp thông tin chưa kịp thời. Việc hỗ trợ DN xúc tiến đầu tư, thương mại cũng chỉ dừng lại ở việc mời gọi, tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, còn đi sâu vào ký kết vẫn là chặng đường dài phía trước.

Cơ sở hạ tầng (đặc biệt là hạ tầng giao thông), chất lượng nguồn nhân lực là những rào cản lớn nhất trong thu hút đầu tư vào thành phố. Tại cuộc họp cùng với Ban chỉ đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL mới đây, bà Lê Dương Cẩm Thúy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: “DN quyết định đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố như: môi trường đầu tư- thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, danh mục dự án mời gọi... Thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư của thành phố còn một số hạn chế nhất định: chưa xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư cụ thể theo ngành nghề, lĩnh vực, đối tác cụ thể dẫn đến hoạt động xúc tiến đầu tư chưa có trọng tâm. Quy chế hỗ trợ DN khi tham gia các hội chợ thương mại nước ngoài chưa được thành phố thông qua, nên chưa có cơ sở hỗ trợ DN trong các chuyến đi khảo sát thị trường, tham gia hội chợ và các hoạt động khác...”. Theo bà Lê Dương Cẩm Thúy, bên cạnh đó, công tác thông tin, kết nối DN còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu của DN. Trong nhiều năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố. Đây thực sự là con số chưa xứng với tiềm năng của thành phố. Do vậy, cải thiện môi trường đầu tư để tạo lực hút các DN đến đầu tư vào thành phố và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh là yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế TP Cần Thơ phát triển xứng tầm.

Thay đổi tư duy mời gọi

TP Cần Thơ được xác định là trung tâm động lực vùng ĐBSCL, nhưng thu hút đầu tư vào thành phố thời gian qua chưa xứng tầm với đô thị trung tâm vùng. Nhiều ý kiến cho rằng, để làm được điều này Cần Thơ cần có môi trường kinh doanh hấp dẫn, tính cạnh tranh cao và có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của DN. Song song đó, TP Cần Thơ cần hoàn chỉnh hạ tầng giao thông vận tải, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trực tiếp của các DN. Hiện thành phố đã có cảng biển, cảng hàng không quốc tế và 8 khu công nghiệp (KCN) tập trung với tổng diện tích quy hoạch 2.164 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 1.590 ha phục vụ mời gọi đầu tư, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào KCN cũng chưa như mong đợi. Từ đầu năm 2012 đến nay, các KCN chỉ thu hút thêm 9 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 27,21 triệu USD. Đến nay, các KCN có 205 dự án còn hiệu lực, thuê 561,45ha đất công nghiệp, tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,631 tỉ USD. Hiện chỉ KCN Trà Nóc I&II cơ bản lấp đầy diện tích đất công nghiệp, các KCN còn lại còn vướng khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư... Trong khi tiến độ thu hút đầu tư vào các KCN những năm gần đây có dấu hiệu chựng lại, nhất là việc mời gọi dự án FDI còn rất khiêm tốn.

Từ năm 2009 đến nay, các sở ngành chức năng thành phố đã bàn rất nhiều đến việc xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào thành phố, nhưng trải qua nhiều cuộc họp vẫn chưa có chính sách nào khả thi. Trong giai đoạn 2011- 2015, TP Cần Thơ đưa ra 33 danh mục dự án mời gọi đầu tư, nhưng theo đánh giá của các ngành chức năng thì trong số này rất ít dự án mang tính khả thi, thiếu thuyết minh cụ thể cho dự án, địa điểm thực hiện dự án, nguồn nhân lực, vốn thực hiện chưa được tính đúng, tính đủ. Thêm vào đó, các dự án còn dàn trải, thiếu những dự án mang tầm ảnh hưởng vùng và thiếu liên kết trong xây dựng dự án. Nếu vẫn với tư duy mời gọi này, TP Cần Thơ khó mà có môi trường đầu tư hấp dẫn. Do vậy, cần thay đổi tư duy, chiến lược mời gọi đầu tư, tạo lực hút để thu hút DN đến đầu tư vào thành phố.

Cuối tháng 7-2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện chuyến khảo sát thực tế tại TP Cần Thơ để xây dựng cụm công nghiệp chế biến thủy sản. Mục tiêu để thu hút đầu tư FDI, tiến tới phát triển thành Trung tâm nghề cá lớn nhất khu vực ĐBSCL. Cụm công nghiệp này sẽ liên kết vùng nguyên liệu thủy sản của ĐBSCL kết nối từ khâu sản xuất, chế biến, thực hiện các dịch vụ... Nếu cụm công nghiệp này mang tính khả thi cao và được sự ủng hộ của các địa phương, các bộ ngành liên quan sẽ mở ra nhiều cơ hội cho TP Cần Thơ trong thu hút đầu tư, tạo động lực mới kết nối DN ngành thủy sản và xây dựng thương hiệu vững chắc cho sản phẩm thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Song, muốn đạt mục tiêu này, TP Cần Thơ cần phải thực hiện rất nhiều việc từ khâu tổ chức, khảo sát lập dự án mời gọi đến đảm bảo hạ tầng đồng bộ, tạo lực hút đối với các nhà đầu tư có công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, chất xám trong sản phẩm.

BẢO HUYỀN

Chia sẻ bài viết