21/07/2014 - 22:34

CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO Ở TP CẦN THƠ

Tạo “lực hút” đối với thí sinh

Nhiều năm trở lại đây, các cơ sở đào tạo ở TP Cần Thơ tập trung đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu xã hội. Đi đôi với việc đầu tư nguồn lực đảm bảo chất lượng thì việc giải quyết "đầu ra" là vấn đề then chốt để thu hút thí sinh...

Đa dạng hóa ngành nghề đào tạo

Năm học 2014-2015, các trường đại học (ĐH) và Cao đẳng (CĐ), như: ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, ĐH Tây Đô, ĐH Nam Cần Thơ, CĐ Cần Thơ, CĐ Nghề Cần Thơ, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ… tập trung xây dựng các đề án mở ngành mới nhằm mở rộng quy mô đào tạo và đáp ứng nhu cầu người học. Đơn cử như, Trường ĐH Tây Đô mở 2 ngành bậc ĐH (luật kinh tế, quản lý tài nguyên và môi trường); Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ mở thêm 3 ngành ĐH (kỹ thuật phần mềm, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, quản lý công nghiệp). Trường CĐ Cần Thơ mở 2 ngành CĐ, 5 ngành trung cấp; Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ mở 6 ngành mới CĐ. Đối với Trường Trung cấp Miền Tây TP Cần Thơ, năm nay, trường dự kiến mở thêm 3 ngành học mới: Phục hình răng, Vật lý trị liệu phục hồi chức năng, Xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ.

Theo lãnh đạo các trường, trước khi mở ngành mới, trường dựa trên cơ sở năng lực và chiến lược phát triển đào tạo và phải đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo lãnh đạo Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, thực tế, kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL là nông nghiệp, 80% lao động nông nghiệp chưa được đào tạo mà chỉ sản xuất dựa vào kinh nghiệm theo kiểu "cha truyền con nối". Việc mở mới ngành Dịch vụ thú y để phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp; các ngành còn lại cũng nhằm phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, cho rằng: Mở ngành học mới phải hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu xã hội. Chẳng hạn như, trường mở mới ngành quản lý công nghiệp để "đón đầu" ĐBSCL (trong đó có TP Cần Thơ) đang cần lực lượng lao động này. Để mở thêm chuyên ngành mới, ngoài việc căn cứ nhu cầu xã hội, cần thăm dò ý kiến các chuyên gia, người sử dụng lao động… Thạc sĩ Trần Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Miền Tây TP Cần Thơ, nói: "Trong 3 ngành học mới thì ngành Phục hình răng đang có nhiều nhu cầu. Chỉ tính những học sinh đang công tác ở các quận, huyện, có tay nghề làm răng rất tốt nhưng thiếu bằng chuyên môn. Các em đang cần mở lớp đào tạo ngành Phục hình răng để nâng cao trình độ chuyên môn của mình".

Đào tạo gắn với giải quyết việc làm

Bên cạnh đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, các cơ sở đào tạo còn tập trung đầu tư nguồn lực, đảm bảo chất lượng đào tạo. Song, như thế vẫn chưa đủ khi cuộc cạnh tranh về nguồn tuyển ngày càng gay gắt; trong khi, số học sinh ở TP Cần Thơ và ĐBSCL hiện nay gần như bão hòa. Điều đáng quan ngại, nhiều chuyên gia giáo dục và nhà tuyển dụng đã cảnh báo: Những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng cao, đây là vấn đề báo động toàn xã hội. Bài toán giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp là vấn đề mà các cơ sở đào tạo đã và đang tìm lời giải. Theo lãnh đạo Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp sẽ góp phần tích cực thu hút tuyển sinh "đầu vào" ở các trường. Thời gian qua, trường chủ động thay đổi "chiến thuật" nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng. Một trong những biện pháp trường đang áp dụng là liên kết đào tạo với các doanh nghiệp. Thầy Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên của trường, cho biết: Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo Phòng Quản lý đào tạo và Phòng Công tác học sinh, sinh viên tăng cường liên hệ với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho sinh viên. Từ đầu năm 2014 đến nay, trường đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp, như: Công ty TNHH GreenFarm Asia, Công ty TNHH UV Việt Nam…; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ tổ chức Ngày hội việc làm học sinh, sinh viên hằng năm để các em có cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp. Qua đó, hằng năm, trường có trên 80% sinh viên CĐ có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Tương tự, Trường CĐ nghề Cần Thơ là 1 trong 26 trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xét chọn là trường trọng điểm đào tạo nghề chất lượng cao có cấp độ khu vực và quốc tế. Do đó, ngay từ những ngày đầu trường thành lập, lãnh đạo nhà trường đã xây dựng nhiều kế hoạch đưa sinh viên đến công ty và "đưa" trường học đến gần khu chế xuất, khu công nghiệp để nối dài hoạt động từ nhà trường ra môi trường làm việc. Đến nay, hoạt động thực tập tốt nghiệp đã trở thành điều kiện bắt buộc đối với sinh viên trước khi ra trường. Với Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, tuy chưa có khóa sinh viên tốt nghiệp ra trường (vì mới thành lập gần 2 năm nay). Tuy nhiên, lãnh đạo trường luôn hướng đến mục tiêu: Đào tạo mỗi sinh viên sau khi ra trường là tuyên truyền viên; nghĩa là, "sản phẩm" đào tạo được thị trường lao động, xã hội chấp nhận. Tiến sĩ Dương Thái Công nói: "Chất lượng đào tạo thỏa mãn những tiêu chí người sử dụng lao động yêu cầu về kiến thức chuyên môn, kỹ năng tay nghề và kỹ năng mềm của sinh viên. Trước tiên, trường phải đầu tư đủ nguồn lực (nhân lực, vật lực). Trường hiện có hơn 70% cán bộ, giảng viên đạt trình độ sau đại học. Cơ sở vật chất của trường từng bước kiện toàn... nhằm phục vụ nhu cầu dạy, học và nghiên cứu khoa học".

Rõ ràng, đi đôi với công tác tuyển sinh, các cơ sở đào tạo đã và đang tập trung đầu tư nguồn lực nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Quan trọng hơn, những nỗ lực giúp sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là một trong những giải pháp hữu hiệu, tạo "lực hút" đối với thí sinh.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết