23/03/2013 - 19:51

Tạo hành lang pháp lý phù hợp để các dự án PPP hấp dẫn và hiệu quả hơn

Sau 2 năm triển khai Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) còn nhiều điểm hạn chế, làm cho PPP chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Do đó, việc hoàn thiện dự thảo sửa đổi quyết định này sẽ tạo ra sự thông thoáng và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư; đồng thời, sẽ cân bằng lợi ích, rủi ro giữa lợi ích công và tư.

* Nhiều bất cập khi triển khai

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Văn Tăng cho biết, những lấn cấn trong việc chuẩn bị dự án như: lựa chọn lĩnh vực đầu tư, tiêu chí lựa chọn dự án, nghiên cứu tiền khả thi và khả thi… đã khiến danh mục dự án thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) khó có thể thực hiện. Số dự án, công trình giao thông đã thực hiện theo hình thức này vẫn đếm trên đầu ngón tay.

Cho đến thời điểm này, gần như mới chỉ có đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với số vốn khoảng 23.223 tỉ đồng được chấp thuận đầu tư, còn lại khoảng 15 dự án vẫn đang triển khai nghiên cứu như: dự án đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa, Nghi Sơn - Bãi Vọt, Biên Hòa - Vũng Tàu… Các dự án này đã được nghiên cứu có tính khả thi cao nhưng do vướng mắc là đã chỉ định nhà đầu tư, nhà tài trợ nên chưa được triển khai.

Thực tế, vướng mắc lớn nhất trong triển khai dự án PPP ở Việt Nam là việc Quyết định 71 chỉ giới hạn phần tham gia của Nhà nước trong một dự án PPP không quá 30% tổng vốn đầu tư của dự án, mà không tính tới đặc thù của từng dự án. Điều này đã khiến một số dự án PPP tiềm năng, nhưng yêu cầu phần tham gia của Nhà nước vượt quá 30%, nên đã không được chấp nhận.

Nhiều chuyên gia cũng đã thẳng thắn phân tích những bất cập trong việc thí điểm triển khai mô hình đầu tư PPP thời gian qua, trong đó có thể kể đến như: chất lượng chuẩn bị dự án còn kém, vướng mắc trong việc lựa chọn lĩnh vực thí điểm và tiêu chí lựa chọn dự án; bố trí vốn cho công tác chuẩn bị dự án... Các chuyên gia cho rằng, chất lượng chuẩn bị dự án kém không chỉ xuất phát từ việc PPP là một lĩnh vực quá mới mẻ tại Việt Nam mà còn bắt nguồn từ việc lựa chọn dự án, lĩnh vực được triển khai theo hình thức PPP và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành.

Ông Staley Boots, chuyên gia Công ty Luật Hogan Lovells cũng nhìn nhận, quy định cũ về PPP của Việt Nam đã khiến các nhà đầu tư lẫn lộn giữa báo cáo tiền khả thi và báo cáo khả thi. Để không còn những lấn cấn khi triển khai đầu tư theo PPP, vấn đề quan trọng là tạo dựng được lòng tin cho họ thông qua cơ chế minh bạch thông tin dự án, đấu thầu công khai, tránh tình trạng không tổ chức đấu thầu cạnh tranh hay trường hợp “thông thầu”. Ông Staley Boots nhấn mạnh, dự án mới trong giai đoạn thí điểm mà có những tiền lệ xấu thì nhà đầu tư sẽ không mặn mà.

Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, trong thu hút vốn đầu tư PPP thì sự minh bạch và bình đẳng giữa các bên tham gia là hết sức quan trọng; đồng thời, cần phải hạn chế tối đa những rủi ro liên quan đến các xung đột về lợi ích.

* Cần tạo hành lang pháp lý

Cục trưởng Lê Văn Tăng cho biết, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần 400 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ thiết yếu, trong khi tiềm lực trong nước chỉ đủ 50%. Vì vậy, việc thúc đẩy tiến trình triển khai; đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách, khắc phục những bất cập của hành lang pháp lý xung quanh việc thực hiện các dự án theo mô hình này là việc làm hết sức bức thiết. Theo Cục trưởng, dự thảo lần này sẽ có 15 điều sửa đổi, theo hướng cởi mở hơn. Trước tiên là bỏ khái niệm “thí điểm”, vì khái niệm này làm cho nhà đầu tư lo lắng, vì không bền vững. Tiếp đến là phần vốn nhà nước thay đổi thay vì mức tối đa 30% như trước, nay phần vốn nhà nước được đưa lên 49% để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư. Thậm chí có một số dự án chỉ còn 0%, cho phù hợp với đặc thù dự án. Tiếp theo là việc đặt cọc 21% dự án khi nhà đầu tư trúng thầu. Số này lớn quá, vì nhà đầu tư phải đi vay vốn nên sẽ thay đổi xuống còn 15%. Mức phí 2% cũng được đưa xuống 1,5% với dự án quy mô 1.000 tỉ, còn 1% với dự án trên 1.000 tỉ.

Ông Andrew Head, Phó giám đốc Quốc gia, Ngân hàng phát triển Châu Á lưu ý, Việt Nam cần có một cơ chế tối ưu để tăng cường sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường năng lực PPP; đẩy mạnh kêu gọi các nguồn hỗ trợ nước ngoài trong việc phát triển chương trình PPP.

Còn TS. Edward White, chuyên gia quốc tế về PPP, Luật Tài chính công lại khuyến nghị rằng, nên quy định PPP là một phương án cần cân nhắc và nghiên cứu cho bất kỳ dự án đầu tư công mới nào. Cần thực hiện đánh giá dự án theo PPP trước, nếu không thực hiện theo PPP được thì mới đầu tư hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước. Khung chính sách cần tạo tính hấp dẫn cho các dự án PPP với quy trình phê duyệt nhanh gọn.

Bên cạnh đó, về cơ cấu tổ chức, phải tách bạch các chức năng pháp lý về PPP của Chính phủ liên quan đến hai nhiệm vụ “đề xuất và xúc tiến dự án PPP” và “xem xét và phê duyệt/bác bỏ dự án PPP”. Các Bộ chủ quản với tư cách là một bên trong hợp đồng PPP cần chịu trách nhiệm xác định và lựa chọn dự án cơ sở hạ tầng mà họ muốn thực hiện theo mô hình PPP.

Dự thảo cũng sẽ mở rộng lĩnh vực thí điểm đầu tư theo hình thức PPP lên 13 lĩnh vực, thay vì 9 lĩnh vực như hiện nay. Theo đó là các lĩnh vực sẽ được mở rộng hẳn, thay vì chỉ là lĩnh vực cơ sở hạ tầng, lĩnh vực giáo dục, ký túc xá, y tế cũng cần đầu tư tư nhân. Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Đăng Trương cho biết, những lĩnh vực thực hiện PPP đưa ra tại Dự thảo quy chế đều đang được ưu tiên hàng đầu nhằm thực hiện chiến lược phát triển đất nước.

THÚY HIỀN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết