02/09/2018 - 10:45

20 năm xây dựng trường chuẩn quốc gia bậc tiểu học

Tạo đòn bẩy thực hiện giáo dục toàn diện 

Thời gian qua, thành phố Cần Thơ phấn đấu phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó, ngành giáo dục nói chung, giáo dục tiểu học nói riêng có bước chuyển mới trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, góp phần tạo nền tảng cơ sở vật chất để thực hiện các nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Nỗ lực chung

Thốt Nốt là một trong số các địa phương của TP Cần Thơ thực hiện hiệu quả công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Từ năm 2007 đến 2017, quận đã có 17/23 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, đạt 73,91%. Theo Nghị quyết HĐND quận Thốt Nốt, quận đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ có thêm 9 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia với lộ trình: Năm 2018 có 2 trường (Tiểu học Trung Kiên 2, Tiểu học Trung Kiên 3); năm 2019 có 5 trường và năm 2020 có 2 trường. Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Thốt Nốt, đối với 2 trường tiểu học được xây dựng mới là Tiểu học Tân Lộc 5 và Tiểu học Trung Kiên 4, ngành đang tham mưu UBND quận Thốt Nốt thực hiện chuẩn về cơ sở vật chất và đội ngũ quản lý, công chức, viên chức của trường. Từ đó, tập trung thực hiện đủ chuẩn quốc gia của một trường tiểu học. Năm học 2017-2018, toàn quận có 23 trường tiểu học, 426 lớp với gần 13.000 học sinh.

Một góc Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo- là một trong số trường đạt chuẩn quốc gia của quận Ô Môn. Ảnh: B.KIÊN

Một góc Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo- là một trong số trường đạt chuẩn quốc gia của quận Ô Môn. Ảnh: B.KIÊN 

Quận Ô Môn hiện đang có tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cao nhất thành phố (tính đến cuối tháng 5-2018), với 17/19 trường, đạt gần 90%. Đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ngành giáo dục quận luôn chỉ đạo các trường đảm bảo chất lượng giáo dục. Đây là một trong các tiêu chí quan trọng để công nhận mới hoặc duy trì trường đạt chuẩn quốc gia. Đơn cử Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng (quận Ô Môn), được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2017; được Sở GD&ĐT TP Cần Thơ kiểm định chất lượng đạt mức độ III vào tháng 2-2018. Theo ông Võ Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng, nhờ sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp của lãnh đạo địa phương và ngành, đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của trường. Trường đã tổ chức 100% học sinh học 2 buổi/ngày, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo thông qua hoạt động Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và góc hoạt động trải nghiệm sáng tạo (ngoài lớp học) như thư viện xanh, vườn rau thực hành,… Ông Tâm nói: Đây là những nền tảng để các đơn vị thực hiện hiệu quả nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới.   

Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, đến ngày 31-5-2018, thành phố có 120/180 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, đạt 66,67%. Các địa phương có tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn cao còn có: Ninh Kiều (18/22 trường), Phong Điền (15/19 trường), Bình Thủy (10/16 trường)…  

Để duy trì bền vững trường chuẩn

  Cần Thơ, 20 năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của toàn hệ thống chính trị, nỗ lực ngành giáo dục, mạng lưới trường lớp bậc tiểu học ngày càng phát triển. Tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia tăng từ 3,25% (giai đoạn 1997-2002) lên 66,67% (giai đoạn 2012-2017); 71/85 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; trường lớp, trang thiết bị dạy học được chuẩn hóa, hiện đại hóa; đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo về số lượng, trình độ chuyên môn.  

Tại Hội nghị Tổng kết 20 năm công tác xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia 1997-2017 vừa diễn ra trong tháng 8, nhiều đại biểu thẳng thắn nhìn nhận: Tuy giáo dục tiểu học đạt nhiều kết quả khích lệ nhưng quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia ở một số địa phương gặp không ít khó khăn. Trước tiên, tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia theo kế hoạch của một số địa phương chưa đảm bảo do thiếu vốn, quỹ đất; vướng công tác giải phóng mặt bằng. Một số trường tiểu học của các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh còn nhiều điểm lẻ, phân tán nên tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thấp, việc mở rộng mặt bằng để xây dựng gặp nhiều khó khăn… Hơn hết, việc tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày tại các trường trên địa bàn vẫn chưa cao, nhất là huyện vùng ven (chỉ 75,46%); số học sinh/lớp còn nhiều, có lớp lên đến 45 học sinh, tập trung trường trung tâm.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thốt Nốt, cho biết: Khó khăn hiện nay của quận là tỷ lệ dân số cơ học tăng cao, gây áp lực không nhỏ về nhu cầu trường lớp. Việc duy trì sĩ số, hạn chế học sinh bỏ học ở các trường còn gặp không ít khó khăn… Còn theo ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thới Lai, một số trường trên địa bàn huyện còn tình trạng phòng học, bàn ghế xuống cấp, ít nhiều ảnh hưởng đến việc dạy và học. 

Đứng trước khó khăn, toàn ngành giáo dục TP Cần Thơ xác định phải kiên trì và nỗ lực giải quyết từng vấn đề, bền bỉ thực hiện các mục tiêu về xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ, phấn đấu đến năm 2020, sẽ có 90% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 10% trong đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; số trường dạy 2 buổi/ngày đạt 90%; 100% giáo viên đạt chuẩn và 95% trên chuẩn. Những mục tiêu trên đã được ngành cụ thể hóa thành những phần việc trong từng năm, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của phụ huynh và xã hội, cũng như sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị.

 B.KIÊN

Chia sẻ bài viết