17/01/2011 - 21:31

Ông Phạm Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP Cần Thơ:

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI

 

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 77/2010/ QĐ-TTg (ngày 30-11-2010) về việc ban hành chế độ báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với doanh nghiệp (DN) nhà nước, DN và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), yêu cầu các DN phải có báo cáo định kỳ bắt đầu từ 15-1-2011. Quyết định nêu rõ, báo cáo định kỳ của các DN sẽ được thực hiện theo tháng, quý, 6 tháng và một năm. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phạm Thế Vinh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, về vấn đề này.

* Xin ông cho biết Sở đã có chuẩn bị gì cho việc triển khai Quyết định 77 của Thủ tướng đến các DN trên địa bàn thành phố?

-Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Cần Thơ tại Công văn số 5600/UBND-TH (ngày 10-12-2010) về việc triển khai Quyết định 77 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ đã có Công văn số 1548/SKHĐT-ĐKKD (ngày 14-12-2010) gửi đến các DN trên địa bàn thành phố để DN nghiên cứu và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai - Cần Thơ thuộc Công ty CP Ô tô Hyundai Việt Nam tại khu công nghiệp Trà Nóc. Ảnh: THIỆN KHIÊM 

Đối với các DN FDI đang hoạt động trên địa bàn thành phố (trong và ngoài các khu công nghiệp), Sở đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền gửi công văn đề nghị các DN góp ý dự thảo Thông tư về hệ thống biểu mẫu báo cáo thống kê cơ sở đối với DN (theo Công văn số 8980/BKH-ĐTNN, ngày 16-12-2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nêu rõ đề nghị các DN chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với cơ quan quản lý đầu tư kịp thời theo dõi. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ các DN khi gặp khó khăn trong quá trình hoạt động.

* Năng lực hoạt động của các DN FDI trên địa bàn thành phố hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Năm 2010, thành phố Cần Thơ thực hiện cấp mới 5 giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án FDI (4 dự án nằm ngoài khu công nghiệp và 1 dự án trong khu công nghiệp), với tổng vốn đăng ký hơn 21,5 triệu USD. Tính đến cuối tháng 12-2010, TP Cần Thơ có 51 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký trên 756,4 triệu USD. Đến nay, vốn FDI thực hiện đạt gần 187,2 triệu USD, chiếm 24,74% so với vốn đăng ký. Riêng năm 2010, vốn FDI giải ngân đạt hơn 32,57 triệu USD.

Về vốn thực hiện trung bình chiếm 24,74% so với vốn đăng ký là tương đối thấp. Nếu loại trừ dự án Nhà máy Lọc dầu ra, thì vốn thực hiện của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn là khá cao. Cụ thể, tổng vốn đầu tư của 50 dự án FDI đạt trên 218,4 triệu USD, trong khi vốn thực hiện đến thời điểm này đã giải ngân hơn 185,1 triệu USD, đạt đến 85% so tỷ lệ vốn đăng ký. Do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, dự án Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đến nay dự án vẫn chưa khởi động, thành phố cũng đang xem xét đối với dự án này. Trên thực tế, các DN FDI trên địa bàn thành phố Cần Thơ đa số là DN có quy mô vừa và nhỏ, chưa đem lại hiệu quả kinh doanh cao. Tuy nhiên, nhìn chung DN vẫn triển khai thực hiện.

* Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn FDI là vấn đề khó khăn mà hầu hết các địa phương đều gặp phải. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ sẽ thúc đẩy vấn đề này ra sao, nhằm hỗ trợ các DN FDI trên địa bàn hoạt động hiệu quả hơn?

-Hiện tại, trong 51 dự án có 7 dự án đang thực hiện thủ tục giải thể, còn lại 44 dự án đang hoạt động. Trong số này, 24 dự án đang hoạt động có doanh thu, 20 dự án trong quá trình triển khai xây dựng và chuẩn bị đưa vào hoạt động sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn FDI trên địa bàn thành phố và sàng lọc những nhà đầu tư không có năng lực cũng như ngăn chặn tình trạng DN báo cáo không trung thực để trốn thuế... Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ đã tham mưu cho UBND thành phố những giải pháp trọng tâm như: phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện công tác kiểm tra các DN FDI trên địa bàn; hướng dẫn các thủ tục hành chính cho các DN sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư; hỗ trợ DN tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Xem xét, đôn đốc các DN hoàn tất thủ tục giải thể DN đối với các dự án chấm dứt hoạt động.

Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN triển khai dự án đúng tiến độ, đúng quy hoạch. Giải quyết những vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai tốt các dự án đầu tư. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ; phát huy hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh... nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài, qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư vào thành phố.

* Xin cảm ơn ông !

ĐỖ CHÍ THIỆN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết