01/10/2017 - 16:18

Tạo điều kiện để nghệ sĩ yên tâm sáng tác, cống hiến 

Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957-2017) diễn ra trọng thể tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 1-10.

Tại buổi lễ, chúc mừng toàn thể các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam qua các thời kỳ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ ghi nhận và biểu dương những đóng góp quý báu của các thế hệ văn nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật sân khấu cả nước trong dịp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập và Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam.

Lãnh đạo, nghệ sĩ Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ) dâng hương Tổ nghiệp. Ảnh: DUY KHÔI

Phó Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp thấm nhuần sâu sắc văn hóa là nền tảng tinh thần trong hoạch định chính sách phát triển để có những cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực cho phát triển văn hóa, nghệ thuật cũng như sân khấu; cần chú trọng công tác đào tạo nhân lực, nhất là đối với các chuyên ngành khó khu hút người học; cần triển khai các chương trình phát triển sân khấu các dân tộc ít người, sân khấu không chuyên.

Cùng với việc đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, các đơn vị sự nghiệp theo hướng giao quyền tự chủ, Nhà nước sẽ tăng cường thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng kèm theo nguồn lực để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị hoạt động nghệ thuật, tạo điều kiện để các nghệ sĩ yên tâm sáng tác, cống hiến để có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, có tính định hướng tư tưởng sâu sắc.

Nghệ sĩ ĐBSCL dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Cùng ngày, giới nghệ sĩ ĐBSCL long trọng kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam và Giỗ Tổ ngành Sân khấu (ngày 12-8 âm lịch).

Nhà hát Tây Đô, Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, các Trung tâm Văn hóa- thể thao quận, huyện và các đội, nhóm, câu lạc bộ hoạt động nghệ thuật trên địa bàn TP Cần Thơ đồng loạt tổ chức lễ dâng hương Tổ nghiệp. Các nghệ sĩ, diễn viên đã và đang làm nghệ thuật, tề tựu đông đủ bên hương linh Tổ nghiệp, chia sẻ với nhau tình yêu nghề và những kỷ niệm với văn hóa- nghệ thuật Cần Thơ trong suốt thời gian qua. Dịp này, Hội Sân khấu thành phố cũng đã ra mắt Câu lạc bộ Sân khấu trực thuộc Hội.

Trước đó tại Bạc Liêu, đêm nghệ thuật kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam và 98 năm ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” diễn ra trang trọng. Những đêm giữa tháng tám âm lịch cách đây 98 năm, nhạc sĩ Cao Văn Lầu cảm động tình riêng đã sáng tác nên bài ca bất hủ, tiền đề của bản vọng cổ sau này- bài ca vua trên sân khấu cải lương. Nghệ sĩ Bạc Liêu cũng đã đến viếng và thắp nhang tại phần mộ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP Bạc Liêu).

Dịp này, các nghệ sĩ Hậu Giang cũng đã tề tựu về Trung tâm Văn hóa tỉnh để dâng những khúc nhạc, lời ca lên Tổ nghiệp. Năm qua, văn hóa- nghệ thuật Hậu Giang phát triển khi đăng cai nhiều sự kiện lớn như Liên hoan Âm nhạc khu vực ĐBSCL, Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL… để lại nhiều ấn tượng đẹp.

Với nghệ sĩ ĐBSCL, Giỗ Tổ Sân khấu còn là dịp để tự nhắc mình trách nhiệm hơn với nghề nghiệp, lao động nghệ thuật nghiêm túc để cống hiến cho khán giả những tác phẩm giá trị.

MỸ BÌNH (TTXVN) - ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết