27/09/2014 - 15:13

Tạo cú hích mới

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thế mạnh phát triển nông nghiệp, nhiều nông sản của vùng đã trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của quốc gia. Tuy nhiên, nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn thiếu "chất", nông sản xuất khẩu đa phần là chế biến thô, sản phẩm tinh chế không có. Làm gì để phát huy lợi thế nông nghiệp của vùng, vững vàng trước làn sóng hội nhập toàn cầu là vấn đề lớn hiện nay. Tới đây, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL sẽ xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, đây được xem là cú hích cho nông nghiệp của vùng và cũng là thành tựu hợp tác chiến lược giữa 2 quốc gia Việt Nam- Nhật Bản trên lĩnh vực nông nghiệp.

Sản phẩm thiếu hàm lượng chất xám

Chiếm trên 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước, đóng góp hơn 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước, ĐBSCL còn có vai trò rất lớn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Nhìn nhận về sự phát triển của vùng, nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, ĐBSCL có tiềm lực lớn nhưng chưa phát huy đúng mức. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém trên, như: nguồn lực đầu tư hạn chế, thiếu nguồn lực chất lượng cao, công nghệ lạc hậu, các địa phương thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm, công tác xúc tiến đầu tư chưa được quan tâm đúng mức. ĐBSCL cũng có nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp nhưng đa phần là qui mô nhỏ, nên đầu tư cho chế biến chuyên sâu hạn chế. Trong bối cảnh này, nhiều ý kiến cho rằng mời gọi đầu tư nước ngoài để tạo làn sóng mới cho sự phát triển nông nghiệp vùng.

Đồng Tháp giới thiệu đặc sản trái cây của tỉnh đến các nhà đầu tư Nhật Bản tháng 4-2014.

Thời gian gần đây, nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp của vùng ĐBSCL, các địa phương trong vùng đã có nhiều đoàn khảo sát thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc để mời gọi DN đến đầu tư. Tháng 4-2014, đoàn DN Nhật Bản với khoảng 40 DN đã đến tìm hiểu đầu tư tại TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp; các DN Nhật Bản mong muốn tìm cơ hội hợp tác thực sự với các địa phương và các DN vùng ĐBSCL trong lĩnh vực chế biến lúa gạo, thủy sản, máy nông nghiệp. Song, trên thực tế, vấn đề mà DN Nhật Bản đặt ra cho các địa phương, DN trong vùng đều chưa được giải đáp thỏa đáng. Chuyên gia Nhật Bản cho rằng, trong nền kinh tế thị trường và nhất là trong điều kiện Việt Nam và các nước ASEAN đang dần hình thành Cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm 2015 thì sản phẩm chất lượng bán chạy sẽ thống lĩnh thị trường chứ không phải sản phẩm giá rẻ bán chạy. Đây là lúc các địa phương, DN vùng ĐBSCL cần thay đổi tư duy sản xuất, đưa chất xám vào trong sản phẩm nhiều hơn. Và muốn làm ăn, hợp tác với DN Nhật Bản, các DN trong vùng phải thực sự có tiềm lực, chuyên nghiệp.

Vừa qua, trong buổi làm việc giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL nhằm thống nhất chương trình xúc tiến đầu tư của vùng tại thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: "Hiện đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp vùng ĐBSCL còn rất khiêm tốn. Do đó, xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản là cơ hội mới cho sự phát triển của nông nghiệp vùng ĐBSCL. Tháng 4-2014, Đoàn DN Nhật Bản đã có chuyến khảo sát về sản xuất nông nghiệp tại vùng; một số địa phương trong vùng cũng vừa có đợt xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và đã đạt một số kết quả nhất định. Đây là thị trường lớn, DN có nhiều tiềm lực trong phát triển nông nghiệp, các địa phương cần tận dụng tốt các cơ hội mời gọi. Phải chọn lọc dự án có trọng tâm, tính hiệu quả cao, có sức lan tỏa cho sự phát triển của cả vùng". Theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, dự kiến lịch trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản sẽ khởi hành vào đầu tháng 12-2014, đoàn sẽ tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến của 3 tỉnh Nhật Bản, gồm: Irabaki, Kangawa và Chi Ba; đồng thời Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp cùng các địa phương ĐBSCL tổ chức 2 cuộc hội thảo chủ đề: Hội thảo xúc tiến đầu tư vào ĐBSCL trong lĩnh vực nông nghiệp, hội thảo nông nghiệp công nghệ cao. Ngân hàng SMBC (Nhật Bản) tổ chức tọa đàm với DN Nhật Bản để kết nối, mở cơ hội hợp tác cho các DN vùng ĐBSCL hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Đây là cơ hội rất lớn cho nông nghiệp vùng, các địa phương cần có sự chuẩn bị chu đáo.

Cần năng lực và sự chuyên nghiệp

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 9 tháng đầu năm 2014, vùng ĐBSCL thu hút được 65 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đăng ký đầu tư khoảng 613,65 triệu USD. Thời gian gần đây, các địa phương vùng ĐBSCL đã chú trọng đến chất lượng xúc tiến đầu tư, đội ngũ xúc tiến cũng được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, đa phần dự án FDI đầu tư vào vùng đều có qui mô nhỏ, công nghệ thấp, mảng nông nghiệp rất ít dự án đầu tư, không nhiều dự án có sức lan tỏa. Tại TP Cần Thơ, Dự án Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc được xem là dự án FDI cấp vùng, đây là vườn ươm công nghệ cho các DN trong vùng, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều ý kiến cho rằng, để có dự án FDI đủ sức kéo nền nông nghiệp vùng cần liên kết để xúc tiến đầu tư, tránh tình trạng xúc tiến đơn lẻ.

Tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Cục Đầu tư nước ngoài, đại diện lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long… đã chia sẻ kinh nghiệm trong mời gọi nhà đầu tư Nhật Bản. Một số địa phương vừa có đợt xúc tiến sang thị trường này cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu rất kỹ quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Để xúc tiến thành công và đáp ứng các yêu cầu của đối tác Nhật, các địa phương cần chuẩn bị chu đáo, chi tiết các dự án mời gọi. Các dự án phải tạo hiệu ứng tốt, có sức lan tỏa và bền vững. Nếu không có sự chuẩn bị tốt thì không thể mời gọi nhà đầu tư Nhật được và các DN vùng ĐBSCL muốn làm ăn với đối tác Nhật cũng phải đủ thực lực, chuyên nghiệp. Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thành phố đã chuẩn bị chương trình chi tiết cho đợt xúc tiến tại Nhật Bản. Trong đợt xúc tiến lần này, thành phố tập trung chủ yếu vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời gửi kế hoạch kết nghĩa với một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp của Nhật Bản trình các bộ ngành chức năng hướng dẫn.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Nhật Bản hiện có trên 91 dự án đầu tư vào vùng ĐBSCL, vốn khoảng 516 triệu USD, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm chưa tới 10 dự án, vốn vài chục triệu USD. Nhật Bản là quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, công nghệ cao. Tiềm năng nông nghiệp của vùng ĐBSCL sẽ phát huy tốt hiệu quả nếu tận dụng tốt các cơ hội đầu tư, thu hút vốn FDI, đặc biệt là vốn FDI từ Nhật Bản. Các nhà đầu tư Nhật Bản có nhiều tham vọng muốn chiếm lĩnh thị trường thực phẩm châu Á, do đó để trở thành đối tác làm ăn với Nhật Bản, các địa phương vùng ĐB SCL cần đổi mới tư duy làm nông nghiệp và các DN trong vùng cần đầu tư nguồn nhân lực tương xứng với yêu cầu công việc. Đặc biệt là tính kỷ luật, chuyên nghiệp trong ứng xử, lao động.

Bài, ảnh: Song Nguyên

Chia sẻ bài viết