28/05/2008 - 09:28

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII

Tạo cơ sở pháp lý cao nhất trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế

* Thảo luận dự thảo Luật Công nghệ cao: Nên ưu tiên công nghệ sinh học hiện đại

Sáng 27-5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm y tế.

Đa số các ý kiến đại biểu cho rằng việc ban hành Luật bảo hiểm y tế là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý cao nhất trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Luật Bảo hiểm y tế sẽ bảo vệ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan, thúc đẩy việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân theo Nghị quyết của Đảng, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

* Thực hiện hai loại hình bảo hiểm y tế

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Dương Thu Hà (Lào Cai) nhất trí với Tờ trình của Chính phủ thống nhất quan điểm thực hiện hai loại hình bảo hiểm y tế. Đó là bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm y tế tự nguyện. Đại biểu đánh giá tiếp tục thực hiện hai loại hình bảo hiểm y tế như quy định hiện hành là thuyết phục và phản ánh đúng thực tiễn. Tờ trình của Chính phủ đã chỉ rõ lý do chưa thể thực hiện được bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân ngay được, vì hiện nay số lượng cán bộ công chức, người làm công ăn lương còn chưa lớn. Bảo hiểm y tế cho đối tượng nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi là do Nhà nước chi trả theo chính sách xã hội. Số đông còn lại là người lao động tự do, nông dân, học sinh và sinh viên đều là những người có thu nhập thấp, trong khi ngân sách Nhà nước chưa đủ khả năng hỗ trợ mức bảo hiểm y tế. Sự hiểu biết của người dân về bảo hiểm y tế còn hạn chế....

Đại biểu Hoàng Trần Ky (Nghệ An) đề nghị thống nhất chia làm 2 hình thức bảo hiểm y tế. Một hình thức áp dụng cho những đối tượng có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện và một hình thức áp dụng cho các đối tượng mở rộng (tức là ngoài các đối tượng có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện).

* Mức đóng bảo hiểm y tế như thế nào thì phù hợp?

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Dương Thị Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, mức đóng 3% là quá thấp trong khi các dịch vụ y tế, giá thuốc chữa bệnh tăng cao, nhưng mức đóng 6% thì lại cao so với mức lương cơ bản hiện nay. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét mức đóng bảo hiểm y tế cho phù hợp với thu nhập của người lao động.

Đại biểu Củng Thị Mẩy (Hà Giang) không nhất trí việc chỉ quy định một mức trần tối đa chung để áp dụng cho tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, và bảo hiểm y tế tự nguyện như trong Dự thảo Luật và dự thảo Nghị định đã quy định, vì thực tế như hiện nay thì không thể thực hiện. Đại biểu đề nghị thiết kế nhóm lại theo mức độ ưu tiên thực hiện chính sách của 25 nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế tại Điều 12 của Dự thảo Luật đã quy định thành 2 nhóm lớn: Một nhóm có mức đóng góp tối đa là 6% và một nhóm có mức đóng góp tối đa là 3%.

* Bảo hiểm y tế cho nông dân

Đại biểu Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp), Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) và một số đại biểu khác nhất trí cần có bảo hiểm y tế cho nông dân. Đại biểu Phan Thị Thu Hà đề nghị Chính phủ cân nhắc nên thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc cho nông dân từ năm 2010, và có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương với tỷ lệ 50/50 hay 40/60 như các lý do và giải pháp theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội đã phân tích, nhằm thực hiện mục tiêu ưu việt của Nhà nước ta là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là đối tượng người dân lao động ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; người dân sống và lao động ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao khó khăn, lao động trong môi trường vất vả và thường xuyên bị đe dọa sức khỏe do môi trường lao động hiện nay đang bị ô nhiễm. Đại biểu mong muốn Chính phủ, ngành y tế cần có lộ trình đầu tư cho tuyến y tế cơ sở đủ mọi mặt, trước hết là thiết bị kỹ thuật và nhân lực vận hành để thực hiện công tác khám chữa bệnh cho nông dân, cơ sở y tế được phủ khắp các vùng miền nông thôn, đảm bảo cho yêu cầu chăm sóc sức khỏe.

* Lộ trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Củng Thị Mẩy (Hà Giang), Dương Kim Anh (Trà Vinh), Lý Kim Khánh (Cà Mau) nhất trí việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân có lộ trình. Không nên quá coi trọng về điều kiện đảm bảo ngân sách mà không tính đến các đối tượng có mức thu nhập khác nhau, khả năng thực hiện công tác khám, chữa bệnh của mạng lưới cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân còn chênh lệch cao giữa các vùng, miền.

Khác với quan điểm này, đại biểu Lê Thanh Liêm (Long An) không tán thành, đề nghị mục tiêu bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân là không có lộ trình. Đại biểu đề nghị tất cả 25 đối tượng quy định ở Điều 7, Chương I của đại biểu đánh giá mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân bắt buộc không có lộ trình thì mới có thể nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu của hàng chục triệu nhân dân cần được chăm sóc sức khỏe, trong đó đa số là nông dân.

* Chiều 27-5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (KHCN) Hoàng Văn Phong thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình trước Quốc hội về dự án Luật Công nghệ cao. Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường (HKCNMT) của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật này. Các đại biểu đều nhất trí với việc cần thiết phải ban hành Luật này khi thảo luận tại Hội trường.

Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong: Đến nay chúng ta chưa có được (sở hữu, làm chủ được) bất kỳ công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi nào thuộc lĩnh vực công nghệ cao, mà mới chỉ dừng ở mức độ làm chủ được một số công đoạn, một số quá trình hoặc một số yếu tố công nghệ cao nào đó mang tính chuyên ngành. Đây là một trong các nguyên nhân quan trọng khiến cho công nghệ nước ta chậm được đổi mới, trình độ công nghệ còn ở mức thấp.

“Việc ban hành Luật Công nghệ cao để điều chỉnh thống nhất và toàn diện các hoạt động liên quan tới công nghệ cao ở nước ta là hết sức cần thiết và cấp bách”-Bộ trưởng Hoàng Văn Phong nhấn mạnh.

Thảo luận về dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) khẳng định trong thời đại trí thức, KHCN đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên có 2 vấn đề được đại biểu đưa ra là: Khái niệm công nghệ cao (CNC) trong Dự thảo Luật rất ít nước quy định ở trong Luật, mà chỉ ghi trong văn bản dưới Luật. Trên thế giới, chỉ vài nước có Luật Công nghệ cao, vậy ta xây dựng như thế nào cho phù hợp quy định chung thế giới. Hơn nữa, nước ta chưa phải là nước công nghệ thuộc hàng tiên tiến của thế giới, vì vậy Luật chúng ta ra đời có tính thực tiễn cao hơn chưa? Hai là nhất thiết phải có luật CNC không, trong khi nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ tuy không có Luật CNC nhưng lĩnh vực này họ lại phát triển rất mạnh. Vấn đề này được lý giải ra sao?

Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng, Chính phủ nên xác định rõ mức ưu đãi, hỗ trợ, đầu tư phải có trọng tâm để thúc đẩy CNC phát triển bền vững; không nên đầu tư dàn trải, gây thất thoát.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) nhấn mạnh: “Trong lĩnh vực CNC, đặc biệt ưu tiên công nghệ sinh học hiện đại vì chúng ta có đủ điều kiện phát triển nhanh những lĩnh vực mới mẻ, phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông lâm, ngư nghiệp, nhất là trong công nghiệp dược phẩm”.

Sáng nay 28-5, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Luật Công nghệ cao.

QUỲNH HOA - XUÂN TÙNG - MINH PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết