13/11/2016 - 17:38

Tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận giống lúa mới

Vụ đông xuân 2016-2017, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên kết xây dựng 3 mô hình trình diễn tại 3 địa phương ở ĐBSCL và 1 mô hình ở khu vực Nam Trung bộ thay vì chỉ giới thiệu đánh giá giống triển vọng tại Viện như trước đây. Đây là cách làm mới nhằm giúp ngành nông nghiệp các địa phương và nông dân thuận lợi tiếp cận các giống mới, đánh giá khả năng thích nghi của các giống này với từng vùng sinh thái và chọn lựa được bộ giống phù hợp đưa vào sản xuất.

Theo các nhà khoa học của Viện Lúa ĐBSCL, thông thường một giống lúa mới khi đưa vào sản xuất sẽ có vòng đời bình quân khoảng 7-10 năm. Sau đó, giống lúa dần bị thoái hóa, không còn duy trì được các tính trạng lúc ban đầu lai tạo, năng suất, chất lượng giảm, khả năng chống chịu sâu bệnh, thời tiết, khí hậu cũng giảm. ĐBSCL đứng trước nhiều nguy cơ rủi ro khi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn biến khó lường làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây lúa. Vì vậy, Viện luôn nỗ lực chọn tạo và cung ứng những giống lúa mới triển vọng, phù hợp với điều kiện canh tác, đáp ứng nhu cầu của nông dân và nhu cầu thị trường. Đồng thời, chủ động nguồn giống lúa cho từng vùng sinh thái khác nhau trong điều kiện sản xuất lúa đang đối mặt với nhiều bất lợi.

 Công đoạn gieo mạ chuẩn bị xuống giống lúa đông xuân tại các mô hình trình diễn của Viện Lúa ĐBSCL.

Vụ lúa đông xuân 2016-2017, Viện Lúa ĐBSCL xây dựng 3 mô hình trình diễn các giống lúa mới tại 3 tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp và Sóc Trăng. Cụ thể, ở tỉnh Trà Vinh sẽ tổ chức mô hình trình diễn tại xã Bình Phú, huyện Càng Long với một số giống như OM 10424, OM 22, OM 108, OM 359, OM 355, OM 8959, OM 11735… Trong đó, giống chủ lực được giới thiệu là giống OM 10424 có khả năng chống chịu mặn cao, đã được trồng thử nghiệm ở xã Tân Sơn, huyện Trà Cú trong vụ đông xuân 2015-2016 và cho kết quả khả quan khi vượt qua đợt hạn mặn lịch sử mùa khô 2016 và cho năng suất từ 7-8 tấn/ha. Địa điểm thứ 2 là huyện Tam Nông của tỉnh Đồng Tháp. Đây là vùng đất phù sa ngọt và một phần đất phèn nên Viện tập trung trình diễn các giống lúa mới chất lượng cao tương đương với một số giống đang phổ biến trên thị trường hiện nay. Cụ thể như: giống OM 348 có phẩm chất tương đương với giống OM 4900, giống OM 341 tương đương với OM 6976. Ngoài ra, Viện cũng giới thiệu đến nông dân giống OM 232 và OM 380 là những giống có chất lượng vượt trội có thể phục vụ xuất khẩu. Địa điểm tổ chức trình diễn thứ 3 là Thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng với các giống chủ lực như OM 380, OM 221, OM 3673, OM 10373… Đây cũng là những giống có năng suất, chất lượng, phẩm chất gạo và thời gian sinh trưởng tương đương với các giống phổ biến hiện nay của địa phương.

Theo đó, mô hình trình diễn ở tỉnh Trà Vinh nhằm phục vụ nhu cầu tiếp cận giống mới của khu vực Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang. Mô hình trình diễn ở Đồng Tháp phục vụ cho tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Long An. Mô hình ở Sóc Trăng phục vụ cho tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Hậu Giang. Ngoài khu vực ĐBSCL, Viện Lúa cũng tổ chức 1 mô hình trình diễn giống lúa triển vọng vụ đông xuân 2016-2017 tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận để giới thiệu những giống lúa mới phù hợp cho khu vực Đông Nam bộ và Nam Trung bộ.

Theo số liệu công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các giống lúa mang tên OM của Viện Lúa được gieo trồng khoảng 77% diện tích lúa của vùng ĐBSCL và mở rộng ra các vùng miền khác của cả nước. Với những ưu điểm nổi trội như năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với các loại sâu bệnh, thích nghi với các điều kiện bất lợi của môi trường, các giống lúa OM góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu ra thế giới.

Tiến sĩ Đoàn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật Nông nghiệp - Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Tại mỗi điểm trình diễn, Viện sẽ tổ chức trồng đồng loạt 18 giống lúa mới triển vọng để đánh giá khả năng thích nghi của từng loại giống với điều kiện canh tác của địa phương. Tùy theo mỗi điểm trình diễn sẽ xác định nhóm giống lúa phù hợp nhất cho từng vùng sinh thái. Đặc biệt, trong các điểm trình diễn này sẽ trồng đồng loạt 1 bộ giống chủ lực với 5 giống lúa chính là OM 9921, OM 9577, OM 344, OM 368 và OM 121. Đây là những giống có tính năng vượt trội, khả năng thích nghi tốt ở các vùng sinh thái khác nhau và có khả năng sẽ đủ điều kiện để đưa vào bổ sung hoặc thay thế bộ giống chủ lực hiện nay của vùng ĐBSCL trong trường hợp bộ giống hiện tại dần thoái hóa.

Viện Lúa ĐBSCL đang tổ chức xuống giống lúa đông xuân tại các mô hình trình diễn đã chọn. Trong quá trình canh tác, Viện cử cán bộ hợp tác với nông dân làm mô hình thực hiện từ khâu chăm sóc đến thu hoạch và ghi chép nhật ký đồng ruộng. Viện cũng phối hợp với ngành nông nghiệp của địa phương nơi tổ chức mô hình trình diễn mời các đơn vị kinh doanh giống và nông dân đến tham quan mô hình và chọn ra những giống phù hợp với nhu cầu thị trường để nhân rộng trong sản xuất. Với việc phát triển nhiều mô hình trình diễn các giống lúa triển vọng tại các địa phương thay vì chỉ tập trung tại trụ sở Viện Lúa ĐBSCL ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, các giống lúa mới triển vọng của Viện Lúa sẽ đến gần với nông dân hơn, để nông dân yên tâm đưa vào sản xuất và thay thế những giống lúa đã thoái hóa đáp ứng yêu cầu canh tác của địa phương và nhu cầu thị trường.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết