20/04/2008 - 09:20

Phiên thứ 8 Ủy ban thường vụ Quốc hội:

Tạo chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự

Sáng 19-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thi hành án dân sự.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng trình bày tờ trình về dự án luật này. Theo đó việc ban hành Luật Thi hành án dân sự góp phần tạo chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự, khắc phục tình trạng tồn đọng án kéo dài; nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án, kỷ cương phép nước và tính nghiêm minh của pháp luật. Việc ra đời của Luật này sẽ bảo vệ tốt hơn quyền của người được thi hành án, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước theo bản án, quyết định của Tòa án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của trọng tài thương mại...

Dự án Luật Thi hành án dân sự quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định về dân sự; phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài thương mại; cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên; quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan; trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động thi hành án. Dự thảo Luật Thi hành án dân sự gồm 9 chương với 195 điều, nhiều hơn so với Pháp lệnh năm 2004 một chương và 125 điều (pháp lệnh năm 2004 gồm 8 chương, 70 điều).

So với Pháp lệnh năm 2004, dự thảo Luật Thi hành án dân sự bổ sung nhiều quy định mới, trong đó có một số vấn đề quan trọng: quy định về tiêu chuẩn và ngạch Chấp hành viên; bổ sung quy định về việc Chấp hành viên được sử dụng công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ; kéo dài thời hiệu yêu cầu thi hành án; sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp Ngân sách nhà nước; sửa đổi quy định về hỗ trợ tài chính để đảm bảo thi hành án; quy định về các biện pháp bảo đảm thi hành án; bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện thi hành án, thủ tục cưỡng chế thi hành án, định giá tài sản kê biên, các quy định về thi hành án đối với một số trường hợp cụ thể...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nêu lên 1 số vấn đề các đại biểu cần tập trung thảo luận làm rõ: ngạch tiêu chuẩn chấp hành viên; bổ sung biện pháp bảo đảm thi hành án; quy định chấp hành viên được sử dụng công cụ hỗ trợ trong thi hành án và thẩm quyền ra quyết định thi hành án...

Về ngạch, tiêu chuẩn chấp hành viên các đại biểu Lê Quang Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh), Hà Văn Hiền (Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế) đều nhất trí với tờ trình của Chính phủ đề nghị chấp hành viên có 3 ngạch: sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Các đại biểu cho rằng nếu tiếp tục duy trì quy định chức danh chấp hành viên theo cấp hành chính như hiện nay (chấp hành viên cấp tỉnh và chấp hành viên cấp huyện) sẽ là một trở ngại đáng kể cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thi hành án, nhất là việc điều động, luân chuyển cán bộ. Một lý do khác là các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp đều do cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện thụ lý thi hành. Thực tế là những vụ việc khó khăn phức tạp đều do cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh thi hành và đòi hỏi phải có đội ngũ chấp hành viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao và giàu kinh nghiệm để tổ chức thi hành án. Việc quy định chấp hành viên có 3 ngạch sơ cấp, trung cấp và cao cấp dựa trên tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực là phù hợp.

Thảo luận về tiêu chuẩn bổ nhiệm chấp hành viên, đại biểu Trương Thị Mai (Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội) cho rằng không nhất thiết cứ phải có trình độ đại học mới được bổ nhiệm làm chấp hành viên. Đại biểu nhấn mạnh cần linh hoạt để không lãng phí nhân lực đồng thời lưu ý tới các tỉnh miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, không nhất thiết phải trình độ đại học mà có thể là trung cấp hay cao đẳng luật. Đại biểu Lê Quang Bình cho rằng đối với nhưng nơi đô thị lớn, có những vụ việc phức tạp thì chấp hành viên cần trình độ đại học; còn đối với những nơi vùng sâu, xùng xa, thì không nhất thiết như vậy, có thể trình độ thấp hơn. Đại biểu nhấn mạnh tới yếu tố kinh nghiệm và năng khiếu trong việc thuyết phục người dân thi hành án dân sự .

Xung quanh quy định chấp hành viên được sử dụng công cụ hỗ trợ trong thi hành án, đại biểu Lê Quang Bình, Hà Văn Hiền không tán thành quy định như dự thảo cho phép chấp hành viên được trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ trong thi thực thi nhiệm vụ. Đại biểu Lê Quang Bình cho rằng khi cưỡng chế đã có lực lượng công an không cần thiết chấp hành viên phải có công cụ, gây lãng phí .

Về nội dung xã hội hóa hoạt động thi hành án, đại biểu Hà Văn Hiền cho rằng chưa nên đặt vấn đề này trong dự án luật. Đại biểu cho rằng việc thể chế hóa tinh thần Nghị quyết của Đảng về xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự vào dự án luật là việc làm cần thiết. Tuy nhiên về nguyên tắc chỉ những quan hệ tương đối ổn định, rõ ràng mới đưa vào quy định của luật, trong khi đó nội dung xã hội hóa trong thi hành án dân sự là vấn đề hoàn toàn mới. Đại biểu đề nghị cần làm thí điểm, có tổng kết, đánh giá cụ thể để từ đó xem xét, cân nhắc.

QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết