Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng là chủ đề được trao đổi thường xuyên trong các cuộc gặp gỡ giữa những người làm du lịch và du khách. Muốn đặc trưng thì phải có bản sắc, trong đó yếu tố văn hóa bản địa là điểm không thể bỏ qua. Đó là cơ sở vững chắc hình thành du lịch trách nhiệm và phát triển bền vững.
Cồn Sơn không ngừng cho ra các sản phẩm mới từ nguồn tài nguyên tự nhiên. Trong ảnh: Massage cá có vẩy là sản phẩm đang thu hút nhiều du khách.
Cách tiếp cận mới cho du lịch
Dịch bệnh COVID-19 đã gây thiệt hại lớn cho du lịch. Khi đó, Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) đã khảo sát về nhu cầu của du khách, với kết quả cho thấy nhu cầu du lịch biển khá cao (67%), tiếp đến là du lịch thiên nhiên (56%). Cùng với đó, 36% khách lựa chọn điểm đến du lịch an toàn và 32% lựa chọn ở những nơi an ninh. Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cũng nhìn nhận rằng dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi cách thức tiếp cận, xây dựng lại ngành Du lịch theo một cách thức khác, bền vững và kiên cường hơn. Ðó là du lịch an toàn, du lịch có trách nhiệm.
Du lịch có trách nhiệm là khái niệm được đề cập khá nhiều tại Việt Nam, nhất là từ giai đoạn 2011-2016 trên cơ sở dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ. Theo đó, du lịch có trách nhiệm được hiểu là giúp tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tính toàn vẹn môi trường, tạo sự công bằng xã hội, tăng cường lao động, phát huy các giá trị và tôn trọng văn hóa địa phương. Từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng, hàm lượng văn hóa và đạo đức cùng giá trị trải nghiệm cao hơn.
Du lịch có trách nhiệm tại các điểm đến được cụ thể hóa bằng việc hạn chế tối đa các tác động tiêu cực về kinh tế, môi trường và xã hội; tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn và nâng cao phúc lợi cho người dân địa phương, cải thiện điều kiện làm việc và tham gia vào hoạt động du lịch; khuyến khích người dân địa phương tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ; đóng góp tích cực vào việc bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa nhằm duy trì một thế giới đa dạng; cung cấp những trải nghiệm thú vị cho du khách thông qua mối liên kết giữa khách du lịch và người dân địa phương, tạo hiểu biết về các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường tại địa phương.
Từ đó, cốt lõi của du lịch có trách nhiệm chính là tạo ra giá trị hướng đến phát triển bền vững. Ngày nay, du lịch có trách nhiệm gắn với một hình thức mới là du lịch tái tạo, hay du lịch tái sinh. Ông Trần Hoàng Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho rằng: “Du lịch tái sinh được hiểu là các yếu tố xảy ra trong một hệ thống sinh thái và mối tương tác xã hội và văn hóa. Nó được thiết kế theo cách gây dựng vốn và trả lại sự sống cho muôn loài”. Làm du lịch theo hình thức này, đồng nghĩa với gìn giữ, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên dựa trên những tri thức bản địa trong mối tương quan gắn với trách nhiệm môi trường.
Lợi thế cho du lịch Cần Thơ phát triển?
Trên thực tế, du lịch có trách nhiệm thường gắn bó mật thiết với các loại hình du lịch: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Ðây đều là những tiềm năng mà du lịch Cần Thơ có nền tảng. Sự phát triển của du lịch tái sinh cũng hoàn toàn phù hợp với vấn đề môi trường tự nhiên của Cần Thơ và ÐBSCL khi đang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu.
Thế nhưng, có một thực trạng là mô hình này không dễ thực hiện. Bởi lẽ du lịch tái sinh là quá trình và vòng lặp phát triển không ngừng, đòi hỏi người làm du lịch phải hiểu rõ bản chất giá trị của môi trường, mối liên kết giữa hệ sinh thái và vận dụng nó để sáng tạo và nâng chất chuỗi giá trị sản phẩm. Ông Trần Hoàng Tuyên chia sẻ: “Cồn Sơn, TP Cần Thơ có những điều kiện để làm du lịch tái sinh. Mô hình du lịch cộng đồng của người dân cồn Sơn tuy từng gặp không ít khó khăn, nhưng họ vẫn làm tốt khi phát huy được những bản sắc và không ngừng tiếp thu, sáng tạo. Họ biết cách làm cho sản phẩm sinh sôi, biết cách giữ môi trường và có sự kế thừa giữa các thế hệ”.
Quả thật, các hộ làm du lịch ở cồn Sơn hiểu được những giá trị từng cây trồng, vật nuôi, nguồn nước, không gian sống và họ biết trân quý những tài nguyên sẵn có để giữ gìn môi trường tự nhiên tốt hơn. Anh Phạm Văn Út, hướng dẫn viên du lịch cồn Sơn, cho biết: “Khái niệm du lịch tái sinh nghe rất mới, nhưng thực tế đó là điều mà chúng tôi vẫn thường thấy và dễ thực hành trong các hoạt động du lịch. Khi du khách có trải nghiệm bắt ốc, cá thì chúng tôi luôn xin phép để giữ lại những con ốc, cá nhỏ rồi thả về lại tự nhiên. Ðó là cách bà con ở đây nỗ lực giữ cân bằng hệ sinh thái”.
Ông Trần Hoàng Tuyên cho biết thêm: “Tiếng nói địa phương cũng là tài nguyên quan trọng trong du lịch tái sinh, vì chỉ có người dân địa phương mới có thể hiểu rõ nhất về nơi họ ở, văn hóa, môi trường và điều đó một phần thể hiện qua tiếng nói”. Ðồng quan điểm, soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng chia sẻ: “Tiếng nói miền Tây cũng là nguồn tài nguyên độc đáo gắn với hoạt động du lịch. Trong ngôi nhà chung ngôn ngữ miền Nam thì tiếng nói miền Tây mang bản sắc nhất khi gắn với văn hóa sông nước, là kho tàng rất phong phú. Vì vậy, nếu biết cách khai thác làm du lịch, sẽ trở thành nguồn bổ sung cho sản phẩm, là công cụ giao tiếp giữa người làm du lịch, điểm du lịch với du khách. Du khách sẽ cảm thấy thú vị, vì điều đó mang bản sắc riêng của người miền sông nước Cửu Long”. Quả thật, chỉ có người miền Tây mới dùng từ mộc mạc, gần gũi, thân thương như: “hết trơn hết trọi”, “no cành hông”… hay nói tượng hình như “nước giựt”, “nước nhảy”… Ðó là vốn quý làm nên bản sắc văn hóa bản địa, cũng là loại sản phẩm tinh thần, phần hồn tạo nên giá trị trong hoạt động du lịch địa phương.
Chị Phan Kim Ngân (Bảy Muôn), chủ nhà vườn Công Minh, nói: “Hồi xưa tới giờ tôi nghĩ giọng nói mình quê mùa, nên thấy ngại và thiếu tự tin khi giao tiếp với du khách. Nhưng theo thời gian và từ sự khuyến khích của nhiều người, nhất là soạn giả Nhâm Hùng, tôi trân quý tiếng nói địa phương, mạnh dạn trò chuyện với du khách và họ thích điều đó. Họ bảo nhớ chị Bảy vì tiếng nói đó, tôi thấy vui lắm. Quan trọng bây giờ là truyền dạy lại cho mấy đứa nhỏ, thế hệ con cháu để lớn lên biết văn hóa bản địa, cũng là một cách gìn giữ và phát triển du lịch”. Ðồng tình với chị Bảy Muôn, chị Lê Thị Mỹ Luông, chủ vườn Thành Ðạt, cũng cho biết: “Nhiều du khách rất thích tiếng miền Tây mình. Do đó, tôi cũng giữ cách nói tự nhiên, có sao nói vậy”.
Có thể nói, văn hóa bản địa là nền tảng cơ sở để làm du lịch có trách nhiệm. Ðó là vốn quý cần được gìn giữ và kế thừa. Những giá trị đó phải bắt nguồn từ con người có những tri thức bản địa, hiểu được những giá trị tương quan với môi trường. Có như vậy du lịch mới có thể tái tạo, phát triển bền vững.
Bài, ảnh: ÁI LAM