11/04/2024 - 09:20

Tăng thu nhập, giảm nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới 

Quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập là 2 mục tiêu quan trọng mà các xã xây dựng NTM của thành phố hướng đến. Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều địa phương, đây là những tiêu chí khó đạt, nhưng dễ “tuột”, đòi hỏi các xã có sự quyết tâm, lộ trình rõ ràng mới đem lại kết quả như kỳ vọng.

Vùng trồng thanh nhãn chuẩn VietGAP tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ.

Nhiệm vụ song hành

Trong Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí 11 về hộ nghèo thuộc nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất. Ðối với Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo không được phân thành các tiêu chí cụ thể nhưng vẫn được xem là một trong những nội dung quan trọng phải được nâng chất. Bởi mục tiêu hàng đầu của chương trình Xây dựng NTM là nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập và giảm nghèo cho người dân.

Ông Lê Văn Tính, Phó chánh chuyên trách Văn phòng điều phối NTM TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn; hỗ trợ, vận động giúp đỡ người nghèo nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ðơn cử như thúc đẩy tăng gia sản xuất; tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn… Với nỗ lực, quyết tâm cao, quá trình thực hiện tiêu chí thu nhập, hộ nghèo đã tác động mạnh mẽ đến các tiêu chí khác trong nội bộ nhóm (lao động có việc làm, tổ chức sản xuất…) và các nhóm khác (hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa - xã hội - môi trường). Ðến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn NTM nâng cao của thành phố đạt trên 68 triệu/người/năm; thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đạt trên 74,8  triệu/người/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều ở các xã NTM nâng cao năm 2023 dưới 2,5%.

Tại các huyện, xã xây dựng NTM của thành phố, tùy từng điều kiện, lợi thế, mỗi địa phương chọn giải pháp, hướng đi riêng cho bài toán tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Ông Võ Trung Cảnh, Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, chia sẻ: “Ðịa phương xây dựng NTM gắn với thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU của Huyện ủy Cờ Ðỏ về phát triển kinh tế tập thể và kinh tế vườn giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Nhiều mô hình trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ tưới phun sương tự động giúp tiết kiệm nước và quản lý tốt cây trồng. Cùng với đó, sự ra đời của 9 hợp tác xã nông nghiệp giúp liên kết nông dân, loại bỏ dần tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; hình thành các vùng nguyên liệu chủ lực phù hợp với quy hoạch chung. Ðến nay diện tích vườn cây ăn trái của xã đạt gần 4.202ha, chiếm trên 65% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn xã. Thực tế cho thấy, lợi nhuận kinh tế từ các mô hình trồng cây ăn trái cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa, qua đó giúp nâng cao thu nhập đạt 75,7 triệu đồng/người/năm (so với năm 2018 tăng 31,4 triệu đồng và so với năm 2020 tăng 20,5 triệu đồng/người/năm) và hiện nay xã không còn hộ nghèo”.

Tập trung cao độ

Theo Văn phòng Ðiều phối NTM TP Cần Thơ, toàn bộ 36 xã của thành phố đã hoàn thành tiêu chí về thu nhập theo Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm dần theo từng năm. Tuy nhiên, việc giữ vững và nâng chất các tiêu chí này là áp lực lớn. Bởi trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, xuất phát điểm của các xã thấp thì việc duy trì và nâng chất 2 tiêu chí này phải được đặc biệt quan tâm nếu không sẽ rất dễ bị giảm chất lượng.

Từ thực tế đó, các huyện, xã xây dựng NTM trên địa bàn thành phố đã chủ động đề ra kế hoạch và thể hiện sự quyết tâm của mình trong hành trình nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân. Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Chủ tịch UBND xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, xã chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, nhất là trong phát động các phong trào thi đua, khơi dậy, phát huy và khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nội lực trong dân. Cùng với đó, nỗ lực nâng thu nhập, giảm nghèo của Trường Long còn thực hiện thông qua phong trào vận động của mặt trận đoàn thể trên các lĩnh vực giúp nhau phát triển kinh tế, hoạt động nhân đạo từ thiện, xây dựng nhà tình thương, giải quyết việc làm…

Ông Võ Trung Cảnh cho biết sẽ tiếp tục phát triển kinh tế tập thể và kinh tế vườn. Qua đó, phối hợp với các sở, ngành và Nông trường Sông Hậu vận động nhân dân tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả cao. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP để nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương, từng bước đem lại lợi nhuận cao hơn cho bà con nông dân, hướng đến giảm nghèo bền vững.

Nhiều ý kiến cho rằng, các sở ngành hữu quan cần tập trung, chủ động đổi mới cách tiếp cận, các giải pháp hỗ trợ;  điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều, phân tích nguyên nhân nghèo để phân loại đối tượng và có hướng hỗ trợ phù hợp... Ông Lê Văn Tính, nhấn mạnh: “Các huyện, xã cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến 2030 trên địa bàn thành phố. Qua đó, khai thác các lợi thế về nguồn nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội ở khu vực nông thôn. Về phía thành phố tiếp tục kiến nghị Chính phủ có những chính sách ưu tiên đầu tư cho hạ tầng nông thôn, phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu... Ðồng thời, đa dạng hóa việc huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước; đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng, sản phẩm tín dụng phục vụ chương trình Xây dựng NTM nói chung và thực hiện tiêu chí thu nhập, hộ nghèo nói riêng”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết