24/07/2014 - 10:03

Tăng khả năng cạnh tranh cho các cánh đồng lớn

Sản xuất theo cánh đồng lớn (CĐL) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là mô hình hiệu quả, góp phần giải quyết tình trạng canh tác lúa manh mún, nhỏ lẻ, thiếu cạnh tranh và kém bền vững. Trong CĐL, sự tham gia liên kết của "4 nhà" là yếu tố quyết định để hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo khép kín từ khâu đầu vào đến đầu ra. Với vai trò là cơ quan nghiên cứu và chuyển giao khoa học về cây lúa, thời gian qua Viện Lúa ĐBSCL đã đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp (DN) và các địa phương nhằm góp phần hoàn thiện các CĐL, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân và DN.

Theo Viện Lúa ĐBSCL,  vụ hè thu 2011, diện tích CĐL ở Nam Bộ chỉ mới phát triển khoảng 6.000ha. Đến vụ đông xuân 2012-2013, diện tích này đã tăng lên hơn 76.000ha. Riêng diện tích CĐL của ĐBSCL đã chiếm gần 72.000ha, tập trung ở Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Tiền Giang… Qua kết quả khảo sát ở 12 tỉnh phía Nam của Cục Trồng trọt, tất cả các khâu trong sản xuất khi thực hiện theo mô hình CĐL đều giảm so với ngoài mô hình, như: chi phí làm đất giảm 250.000 đồng/ha, lượng giống gieo sạ giảm khoảng 10kg/ha, chi phí bón phân giảm 480.000 đồng/ha, chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm 110.000 đồng/ha. Điều này dẫn đến giá thành sản xuất lúa hàng hóa của nông hộ trong CĐL giảm, nâng cao hiệu quả kinh tế so với sản xuất trên các cánh đồng quy mô nhỏ. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: "Mặc dù diện tích các CĐL tăng đáng kể và đạt một số kết quả khả quan song diện tích này chiếm chưa tới 5% diện tích canh tác lúa của vùng ĐBSCL. Về mặt tổ chức, quản lý, các CĐL chỉ được duy trì và phát triển tốt khi có DN vào tham gia đầu tư vùng nguyên liệu và bao tiêu đầu ra cho các CĐL song chỉ có một số ít DN quan tâm đầu tư cho các CĐL. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm lượng phân thuốc sử dụng vẫn chưa thực sự triệt để nên chi phí sản xuất của nông dân vẫn chưa giảm như mức kỳ vọng".

Viện Lúa ĐBSCL giới thiệu một số giống lúa, gạo triển vọng xuất khẩu đến các địa phương, DN và nông dân.

Thực tế cho thấy, có nhiều địa phương đã tổ chức sản xuất theo CĐL và nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của nông dân. Tuy nhiên, không phải tất cả các CĐL đều có DN vào bao tiêu, nông dân vẫn phải bán lúa cho thương lái bên ngoài. Vì vậy, yêu cầu giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng hạt lúa được xem là giải pháp quan trọng để duy trì, phát triển các CĐL bền vững và tăng tính cạnh tranh cho nông dân. Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Tạo, Trưởng phòng Điều hành sản xuất, Viện Lúa ĐBSCL, thời gian qua, các DN đầu tư cho các CĐL đã chủ động liên hệ với Viện Lúa để đặt hàng Viện sản xuất giống và cung ứng cho các nông hộ trong CĐL song con số này vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, hàng năm, ngành nông nghiệp các địa phương, các đơn vị kinh doanh lúa giống đều nhận nguồn giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng từ Viện Lúa để nhân ra cấp giống xác nhận và cung ứng cho nông dân. Nhằm đảm bảo chất lượng nguồn lúa giống đầu vào, Viện Lúa cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương để chuyển giao kỹ thuật sản xuất và cung ứng lúa giống phục vụ sản xuất các CĐL. Ngoài ra, nếu các DN nào có yêu cầu tiếp cận nguồn giống để cung ứng cho các nông hộ, Viện Lúa sẽ sẵn sàng hỗ trợ cung ứng hoặc liên kết sản xuất giống tại chỗ nhằm cung ứng đủ nguồn giống cấp xác nhận đạt chuẩn cho các CĐL. Nếu khâu giống đầu vào được chú trọng thì sản phẩm lúa gạo sau chế biến sẽ có độ thuần cao và đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu.

Mục tiêu cuối cùng của các CĐL chính là làm thế nào để tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Vì thế, vai trò của các nhà khoa học là tư vấn, hỗ trợ cho nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất các CĐL. Theo Tiến sĩ Chu Văn Hách, Trưởng Bộ môn Phân bón và Kỹ thuật canh tác, Viện Lúa ĐBSCL, đối với các CĐL vận động được các DN vào cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nông dân sẽ không còn lo ngại chi phí đầu tư cũng như chất lượng phân thuốc. Vấn đề là nông dân phải tuân thủ và áp dụng thành thạo các giải pháp kỹ thuật như "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" hay bón phân theo nguyên tắc "6 đúng" gồm đúng loại, đúng lượng, đúng phương pháp, đúng thời điểm, đúng loại đất và đúng mùa vụ. Các khâu làm đất, san phẳng mặt ruộng, áp dụng chế độ tưới nước sâu ngập xen kẽ, sử dụng giống xác nhận và sạ với mật độ thích hợp kết hợp với chế độ chăm sóc phù hợp sẽ giúp nông dân trong các CĐL dần hoàn thiện quy trình canh tác lúa. "Hiện nay, Viện Lúa đang hỗ trợ Công ty TNHH Trung An (Thốt Nốt) tư vấn kỹ thuật canh tác cho các CĐL được công ty đầu tư và bao tiêu. Theo đó, Viện sẽ cung ứng nguồn giống xác nhận theo yêu cầu của công ty, chuyển giao các kỹ thuật canh tác mới cho nông dân, hướng dẫn nông dân bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp để tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu mà DN yêu cầu"- Tiến sĩ Chu Văn Hách cho biết thêm. CĐL sẽ là nơi thuận lợi cho việc áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất lúa, nhờ CĐL sẽ rất dễ triển khai cơ giới hóa như dùng máy sạ hàng cũng như máy gặt đập liên hợp làm giảm thất thoát trong khâu thu hoạch.

Để tạo ra sản phẩm lúa hàng hóa đạt độ thuần cao, chất lượng và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đòi hỏi nông dân phải sử dụng giống cấp xác nhận và canh tác những giống lúa phù hợp đơn đặt hàng của DN. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: "Trước tình hình số DN mặn mà đầu tư cho và bao tiêu cho các CĐL vẫn còn hạn chế, ngành nông nghiệp các địa phương và các nhà khoa học sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân hoàn thiện quy trình, kỹ thuật canh tác trong các CĐL. Mục tiêu cuối cùng là giảm tối đa chi phí sản xuất, giảm mức đầu tư mà vẫn đảm bảo năng suất chất lượng lúa gạo, góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân. Vừa qua, Viện lúa ĐBSCL đã thảo luận và ký kết hợp tác với Tổng Công ty Lương thực Miền Nam trong việc phục tráng, thuần hóa các giống lúa có giá trị cao hiện có để cung ứng cho các DN thuộc Tổng Công ty để triển khai CĐL. Về lâu dài, theo lộ trình của Chính phủ, các DN xuất khẩu bắt buộc phải xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa. Một khi mô hình CĐL ngày càng hoàn thiện, các nông hộ trong các CĐL sẽ có đủ điều kiện và lợi thế để chủ động hợp tác với DN cung ứng nguồn nguyên liệu chất lượng đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. CĐL sẽ là tiền đề để tiến đến vùng chuyên canh để xây dựng thương hiệu gạo VN. Khi đó sẽ hình thành chuỗi giá trị lúa gạo xuất khẩu bền vững mà DN và nông dân cùng là đối tác và cùng hưởng lợi".

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết