Thời gian gần đây, trên cả nước lượng xe đạp điện tham gia giao thông ngày càng gia tăng, lượng tiêu thụ đến 400.000 chiếc/năm. Đối tượng sử dụng chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lớn tuổi... Đặc biệt trong giới học sinh rất thích sử dụng phương tiện này do không cần bằng lái xe, không cần biển số, đăng ký, xe lại gọn nhẹ
Theo thiết kế, dòng xe này chỉ chạy vận tốc tối đa 25km/giờ nhưng người dùng lại chạy với vận tốc có lúc lên tới 40km/giờ. Trong khi xe đạp điện có hệ thống phanh giảm tốc gần giống xe đạp bình thường nên khả năng xảy ra tai nạn khi chạy vận tốc nhanh rất cao. Hơn nữa, xe đạp thường đạp bằng chân dễ dàng kiểm soát tốc độ, còn xe đạp điện tốc độ lại do mô-tơ điều khiển nên dễ mất kiểm soát. Ngoài ra, khi lưu thông trên đường, nhiều học sinh, sinh viên chạy xe đạp điện vi phạm các quy định về an toàn giao thông (ATGT) như không đội mũ bảo hiểm (MBH), hoặc có đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai, dàn hàng ngang, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định...

Một số học sinh chạy xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm theo quy định. Ảnh: H.H
Ở Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn, trong đó có định nghĩa rõ về xe đạp điện, về vận tốc lớn nhất của xe không quá 25km/giờ và khối lượng của xe hoàn chỉnh không lớn hơn 40kg
Các quy định của Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02-4-2010 tại các điểm d, đ, khoản 4, Điều 11 cũng nêu rõ việc xử lý vi phạm hành chính liên quan đến không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách đối với người điều khiển và người cùng đi trên xe đạp máy (bao gồm cả xe đạp điện) khi tham gia giao thông trên đường bộ. Theo đó, mức phạt áp dụng đối với các hành vi này là từ 100.000 đồng-200.000 đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đăng ký quản lý, kiểm soát chất lượng xe đạp điện, xử lý vi phạm hành chính... của cơ quan chức năng đối với phương tiện này chưa được đầy đủ.
Theo ông Phạm Hữu Bằng, người dân ở khu vực 2, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ: ở độ tuổi học sinh, nhiều em ý thức ATGT chưa cao nên việc sử dụng xe đạp điện với tốc độ cao rất nguy hiểm. Vì thế, cảnh sát giao thông cần phối hợp với nhà trường thường xuyên giáo dục ý thức học sinh về ATGT, đặc biệt với các em có sử dụng xe đạp điện và tăng cường xử phạt nếu các em vi phạm. Thậm chí có thể thông báo về gia đình, nhà trường nếu học sinh vi phạm lần thứ hai hoặc thứ ba
ngành chức năng cũng nên quy định rõ độ tuổi có thể sử dụng xe đạp điện. Vì phương tiện này tốc độ khá cao, có thể gây tai nạn nếu người sử dụng thiếu ý thức, thiếu kỹ năng.
Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc về tăng cường quản lý đối với xe đạp điện, xe máy điện, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa chủ trì cuộc họp rà soát và đẩy mạnh việc thực hiện các nội dung liên quan đến quản lý loại phương tiện này nhằm đảm bảo trật tự ATGT. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia chủ trì, phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tuyên truyền, phổ biến quy định về việc tham gia giao thông bằng xe đạp điện để người dân hiểu và thực hiện. Đặc biệt, Vụ Khoa học Công nghệ cần khẩn trương phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam hoàn thiện Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện, trình lãnh đạo Bộ ngay trong tháng 10-2013; hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện, trình lãnh đạo Bộ ngay sau khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện được ban hành. Vụ ATGT khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Dự thảo Thông tư quy định tốc độ của xe đạp điện tham gia giao thông trên đường bộ và đường đô thị; thống nhất quy định tốc độ của xe đạp điện khi tham gia giao thông là dưới 25 km/giờ.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành Chỉ thị gửi các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp tăng cường quản lý đối với xe đạp điện, xe máy điện.
H.H