26/09/2008 - 09:14

Tăng cường kiểm soát việc thực thi các quyền lực nhà nước để phòng, chống tham nhũng

Ngày 25-9, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, với sự tài trợ của Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức Hội thảo Quốc tế về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng thanh tra thường trực Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng Chiến lược, nêu rõ yêu cầu mà Chính phủ Việt Nam đặt ra đối với Dự thảo Chiến lược và Kế hoạch hành động phòng, chống tham nhũng là phải khái quát được thực trạng tình hình; thể hiện rõ ràng quan điểm của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; đề ra được mục tiêu và hệ thống các giải pháp có tính chất căn bản, lâu dài, toàn diện nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng; xây dựng lộ trình thực hiện rõ ràng, hợp lý; xác định cụ thể những hoạt động để thực hiện các giải pháp, trong đó làm rõ cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện và thời hạn hoàn thành; đồng thời phải có cơ chế theo dõi, giám sát chặt chẽ, đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện...

Các ý kiến tham luận đã đưa ra những ví dụ thành công của các nền kinh tế chuyển đổi; bình luận về từng nhóm giải pháp được đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng như: Tăng cường công khai và minh bạch trong việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ công, giảm thiểu các điều kiện và cơ hội có thể dẫn đến tham nhũng trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng và thực thi luật. Kiểm soát việc thực thi các quyền lực nhà nước; hoàn thiện các dịch vụ dân sự và nâng cao chất lượng thực hiện các chức năng và nhiệm vụ công. Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch. Cải thiện và nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố và xét xử trong quá trình điều tra và xử lý tham nhũng. Nâng cao nhận thức và thúc đẩy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng.

Các đại biểu trong và ngoài nước cũng đồng thời đưa ra những bài học được rút ra từ các quá trình cải cách trước đây cũng như những yếu tố cần xem xét để Chiến lược phòng, chống tham nhũng của Việt Nam trở nên hiệu quả. Hội thảo quan tâm nhiều đến những kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc xây dựng các chỉ số đánh giá, đo lường về tham nhũng, tác hại của tham nhũng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như đánh giá, đo lường kết quả thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng; các giải pháp thực hiện Chiến lược, bao gồm các giải pháp về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; cách thức phân kỳ tổ chức và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện Chiến lược.

PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết