Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) TP Cần Thơ luôn nỗ lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, công tác chỉ đạo điều hành... Qua đó, góp phần cùng các ngành chức năng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ông Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao trao Cờ thi đua của Viện KSND tối cao tặng 3 đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2024.
Năm 2024, Viện KSND 2 cấp của thành phố thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 1.341 vụ, với 1.838 bị can, so với cùng kỳ tăng 92 vụ, 242 bị can. Trong đó, khởi tố mới 433 vụ, với 853 bị can (tỷ lệ 32,3%) thuộc nhóm tội phạm về trật tự xã hội, quản lý hành chính; 621 vụ, với 547 bị can (tỷ lệ 46,3%) thuộc nhóm tội phạm sở hữu, kinh tế, môi trường; 267 vụ, với 406 bị can (tỷ lệ 20%) thuộc nhóm tội phạm ma túy; 17 vụ, với 25 bị can (tỷ lệ 1,3%) thuộc nhóm tội phạm tham nhũng; 1 vụ, với 5 bị can (tỷ lệ 0,1%) về xâm phạm hoạt động tư pháp. Một số loại tội phạm còn xảy ra nhiều: trộm cắp tài sản, tàng trữ trái phép chất ma túy, cố ý gây thương tích. Đáng lưu ý là các vụ án nghiêm trọng xảy ra liên quan đến việc sử dụng ma túy đá diễn biến phức tạp; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi.
Ông Nguyễn Đình Trung, Viện trưởng Viện KSND TP Cần Thơ, cho biết: “Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự luôn được ngành chú trọng, nhất là việc tiếp nhận xử lý nguồn tin tại cơ quan công an cấp xã; kiên quyết không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng Viện KSND thành phố chỉ đạo Viện KSND 2 cấp thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu nghiệp vụ gắn với tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. Thường xuyên quán triệt nghiên cứu, học tập các thông báo rút kinh nghiệm của ngành cấp trên để tự đào tạo, nâng cao năng lực của kiểm sát viên...”.
Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về công tác của ngành kiểm sát năm 2025, với phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”, Viện KSND 2 cấp TP Cần Thơ chú trọng tăng cường, nâng cao chất lượng kháng nghị, kiến nghị vi phạm; việc ban hành kháng nghị, kiến nghị phải chú trọng đến chất lượng, hiệu quả. Thông qua thực tiễn công tác, chủ động ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm và tội phạm, góp phần đấu tranh, phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục xác định chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng xuyên suốt hàng đầu...
Tại hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2025, ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị Viện KSND TP Cần Thơ chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những giải pháp giúp thành phố lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tội phạm về kinh tế, chức vụ. Giải pháp thiết thực, quan trọng là chủ động phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa...
Theo ông Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao, Viện KSND 2 cấp thành phố cần rà soát lại các vụ việc về kinh tế, tham nhũng và vụ việc khác có liên quan đến nhân sự tham gia trong cấp ủy các cấp (nếu có) để tránh ảnh hưởng đến công tác nhân sự của đại hội Đảng các cấp của TP Cần Thơ. Bên cạnh đó, cần rà soát, tham mưu giải quyết dứt điểm những khiếu kiện phức tạp hay nguy cơ về điểm nóng (nếu có). Cần quan tâm chính sách hình sự để vừa thể hiện tính nghiêm minh vừa mang tính nhân văn, quan trọng là phải khắc phục được hậu quả tội phạm gây ra, kể cả về kinh tế và các lĩnh vực khác. Đối với công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, hiện tại, Viện KSND tối cao có 2 đề án liên quan dân sự và hành chính. Trong đó, có việc thí điểm giao cho Viện KSND khởi kiện để bảo vệ lợi ích công trong tố tụng hành chính và lợi ích người khởi kiện. Theo đề án này, TP Cần Thơ là một trong những thành phố trực thuộc Trung ương được chọn thực hiện thí điểm nên cần chuẩn bị. Ngoài ra, Viện KSND thành phố cần tăng cường chuyển đổi số, rà soát lại các thủ tục về hành chính, tư pháp, trong đó có việc tinh gọn lại công tác báo cáo, giải quyết án…