05/07/2024 - 20:37

Tăng cường khả năng chống chịu cho vùng ven biển của ĐBSCL 

(CT) - Ngày 5-7-2024, tại tỉnh Bạc Liêu, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) Việt Nam tổ chức khởi động Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu vùng ven biển của ĐBSCL thông qua phục hồi rừng ngập mặn và các giải pháp dung hòa dựa vào thiên nhiên (NbS)”, với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Coca-Cola.

Nhiều đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường tham dự lễ khởi động dự án. Ảnh: CTV

Đại biểu thảo luận tính khả thi của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu vùng ven biển của ĐBSCL thông qua phục hồi rừng ngập mặn và các giải pháp dung hòa dựa vào thiên nhiên (NbS)”. Ảnh: CTV

Dự án được thiết kế nhằm giải quyết tình trạng thu hẹp vùng bờ và sự suy giảm khả năng phục hồi vùng ven biển ở ĐBSCL thông qua các giải pháp khôi phục rừng ngập mặn phía sau đê biển, nơi canh tác thủy sản của các hộ dân. Việc thực hiện dự án thí điểm này sẽ khuyến khích người dân chuyển đổi từ ao tôm nuôi đơn loài sang hệ thống nuôi trồng thủy sản kết hợp rừng ngập mặn, cùng ứng dụng các giải pháp công nghệ, đặc biệt là hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) được đề xuất như một giải pháp thích ứng dung hòa dựa vào tự nhiên trong bối cảnh nuôi tôm nhiều rủi ro như hiện nay, từ đó tăng cường khả năng phục hồi vùng ven biển... Tại lễ khởi động, các nhà quản lý, chuyên gia cũng thảo luận tính khả thi về mặt kỹ thuật và tài chính cũng như khả năng chấp nhận của cộng đồng với giải pháp thích ứng dung hòa dựa vào tự nhiên được đề xuất thông qua sự tham gia và cùng phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thủy sản, UBND các huyện Hòa Bình, Đông Hải, UBND các xã thực hiện dự án tại tỉnh Bạc Liêu, IUCN, nông dân địa phương và các nhà khoa học trong cùng lĩnh vực.

Dự án sẽ được thực hiện tại Bạc Liêu trong 3 năm (2024-2026), bao gồm các hỗ trợ như: cung cấp chi phí vốn cho 23 hộ gia đình bao gồm thiết bị RAS, cây giống rừng ngập mặn và công tác đào đất để thiết lập lại chế độ nước tuần hoàn tự nhiên; khôi phục 9ha rừng ngập mặn trong đê biển; cung cấp cho nông dân các hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo về giải pháp dung hòa dựa vào tự nhiên… Dự án sẽ được mở rộng thực hiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; đồng thời sẽ được nhân rộng mô hình thực hiện cho các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL thời gian tới…

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết