17/12/2016 - 15:24

Tăng cường khả năng chống chịu cho TP Cần Thơ

Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu (gọi tắt là Chương trình 100RC) nhằm lựa chọn và hỗ trợ 100 thành phố trên toàn cầu xây dựng chiến lược, khả năng chống chịu trước thách thức lớn của thế kỷ 21 trước 3 xu hướng: toàn cầu hóa, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chính thức trở thành thành viên của Chương trình 100RC từ tháng 5-2016, TP Cần Thơ đang tranh thủ sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Chương trình để giải quyết những vấn đề thách thức, tạo tác động lan tỏa cho các đô thị trong vùng ĐBSCL và cả nước.

* Cơ hội và những thách thức

Chương trình 100RC do Quỹ Rockefeller tài trợ với 100 thành phố thành viên trải rộng ở 49 quốc gia với 27 ngôn ngữ khác nhau. Việt Nam có 2 thành phố nằm trong mạng lưới này là Đà Nẵng và Cần Thơ. Mỗi thành phố trong mạng lưới 100RC sẽ nhận được 4 hình thức hỗ trợ gồm: Hướng dẫn tài chính và hậu cần cho việc thiết lập vị trí Chánh văn phòng về khả năng chống chịu (người sẽ chủ trì xây dựng Chiến lược khả năng chống chịu của thành phố). Hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng Chiến lược chống chịu. Tiếp cận các giải pháp, các nhà cung cấp dịch vụ và các đối tác từ khu vực tư nhân và tổ chức phi Chính phủ để triển khai Chiến lược. Với tư cách thành viên trong mạng lưới 100RC toàn cầu, các thành phố có thể học hỏi và hỗ trợ kinh nghiệm lẫn nhau.

Các đô thị lớn tập trung đông dân cư luôn phải nỗ lực giải quyết bài toán về môi trường. Trong ảnh: Nạo vét bùn, khơi thông cống rãnh trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Tại Hội thảo khởi động Chương trình "Tăng cường khả năng chống chịu của Cần Thơ", trả lời cho câu hỏi "Vì sao TP Cần Thơ cần phải là thành phố có khả năng chống chịu?", Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: Cũng như các thành phố khác, Cần Thơ đang đối mặt với các nguy cơ và thách thức nội tại như: Dân số tăng nhanh, tập trung ở khu vực đô thị và các khu công nghiệp; Quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng chưa phù hợp và chưa theo kịp tốc độ phát triển. Các tác động bên ngoài như: việc sử dụng nước từ thượng nguồn chưa hợp lý; kết cấu nền đất yếu; thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng dẫn đến tình trạng hạn, mặn, ngập lụt ở đô thị, hiện tượng sụt lún, xói lở đất… làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh kế của người dân.

Chương trình 100RC hỗ trợ các thành phố thành viên xây dựng chiến lược, khả năng chống chịu trước thách thức lớn của toàn cầu hóa, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ông Amit Prothi, Phó Giám đốc Chương trình 100RC, cho biết: Cần Thơ được chọn vào mạng lưới 100RC nhờ lãnh đạo thành phố có cam kết với tầm nhìn dài hạn và chú trọng giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương. Cần Thơ tích cực hội nhập kinh tế với vai trò đô thị trung tâm lớn của vùng ĐBSCL với các chương trình phát triển kinh tế và thúc đẩy sự thịnh vượng. TP Cần Thơ rất sẵn lòng chia sẻ những kiến thức chuyên môn mới về khả năng thích ứng của một thành phố ở vùng châu thổ. Về yếu tố nguồn lực con người, Cần Thơ rất chú trọng huy động sự tham gia của các thanh niên, cộng đồng địa phương cùng góp sức vì tương lai của thành phố.

* Tăng khả năng chống chịu

Theo quan điểm của Chương trình 100RC, khả năng chống chịu sẽ khuyến khích các thành phố đánh giá mức độ tiếp xúc với các cú sốc và áp lực nhằm xây dựng một kế hoạch chủ động và lồng ghép để giải quyết cũng như ứng phó với các thách thức này một cách hiệu quả hơn. Khả năng chống chịu cũng liên quan đến khả năng làm cho thành phố trở nên tốt đẹp hơn đối với tất cả mọi người, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, chia sẻ: Theo quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cần Thơ hướng đến mục tiêu trở thành thành phố cấp đồng bằng hiện đại, xanh, sạch, đẹp; là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, trung tâm giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa của vùng ĐBSCL. Để đạt được mục tiêu trên, thành phố sẽ tăng cường hơn nữa năng lực thích ứng và các hành động thiết thực để vượt qua các khó khăn nội tại về kinh tế, xã hội. Đồng thời, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ để giải quyết thách thức về ô nhiễm môi trường cùng với nhiều tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo định nghĩa của Chương trình 100RC, khả năng chống chịu của thành phố là khả năng các cá nhân, cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp và hệ thống của một thành phố có thể tồn tại, thích nghi và phát triển trước các áp lực thường xuyên và các cú sốc đột biến mà thành phố phải đối mặt. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, chia sẻ: Cần Thơ đã học được những bài học khó khăn về nhu cầu xây dựng khả năng chống chịu trong thành phố. Các thách thức thành phố phải đối mặt do lũ lụt từ mưa lớn và nước biển dâng sẽ tiếp tục gia tăng vì biến đổi khí hậu và sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho khu vực. Đã đến lúc, phải đánh giá, tìm giải pháp cho các thách thức này và chuẩn bị cho thực tiễn thay đổi của thế kỷ 21. Phải hình dung tương lai của thành phố với khả năng chống chịu đồng nghĩa với sự thịnh vượng cho mỗi công dân của thành phố. Lẽ đó, một khi Cần Thơ có khả năng chống chịu sẽ góp phần cho sự phát triển nhanh và bền vững của cả ĐBSCL và rộng hơn là khu vực Đông Nam Á.

Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu do Quỹ Rockefeller khởi xướng sẽ giúp Cần Thơ và các địa phương trong vùng từng bước chuẩn bị nội lực chống chịu mạnh mẽ và bền vững. Cần Thơ đang phấn đấu trở thành thành phố phát triển tích cực, có trách nhiệm trong việc tăng cường khả năng chống chịu không chỉ trong Chương trình 100RC mà còn vì sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL trong tương lai. Bà Lauren Sorkin, Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương, Chương trình 100RC, nói: TP Cần Thơ có cơ hội giữ vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy quá trình chống chịu cho các đô thị tại Việt Nam. Hội thảo khởi động Chương trình "Tăng cường khả năng chống chịu của Cần Thơ" sẽ là bước khởi đầu cho việc thảo luận giữa người dân và các cơ quan, ban ngành của thành phố để xây dựng Chiến lược chống chịu. Chương trình mong muốn thu hút sự quan tâm tới các đối tượng bị tổn thương trước các thách thức của toàn cầu hóa, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và nước biển dâng và bắt đầu định hình phương pháp tiếp cận tổng thể để xây dựng, triển khai Chiến lược chống chịu phù hợp cho TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết