07/03/2009 - 09:10

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai:

Tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm

 

Ngày 5-3, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai về giải pháp thực hiện tốt Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động, Báo Cần Thơ xin giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc trao đổi này.

* PV: Bà đánh giá như thế nào về con số dự báo sẽ có 400.000 người bị mất việc làm và khả năng hoàn thành chỉ tiêu tạo việc làm mới cho 1,7 triệu lao động trong năm 2009 mà Quốc hội đã đề ra?

- Bà Trương Thị Mai: Một trong những công việc mà cơ quan quản lý nhà nước phải làm đó là công tác dự báo. Các kỳ họp gần đây của Quốc hội, công tác dự báo là một trong những trọng điểm được bàn tới. Quốc hội và Chính phủ đều nhận thức nếu dự báo không chính xác, khả năng quyết định chính sách không đủ tin cậy. Do vậy, công tác dự báo rất quan trọng. Từ đầu năm đến nay, chúng ta thấy đã có vài con số dự báo được đưa ra. Tuần trước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dự báo có khoảng 400.000 lao động mất việc làm trong năm 2009. Tình hình mất việc làm đã khá rõ và xuất hiện từ cuối 2008. Đầu năm 2009, qua các phương tiện thông tin đại chúng, con số về lao động mất việc làm tiếp tục tăng lên. Việc này chúng ta đã hình dung được khi nền kinh tế suy giảm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cũng nên cân nhắc cơ sở để con số đưa ra đảm bảo độ tin cậy tương đối. Hiện nay, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội mới đưa ra con số, còn cơ sở nào tính toán để đưa ra con số này, chúng tôi vẫn chưa có đầy đủ thông tin. Nếu con số dự báo này đáng tin cậy thì việc thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm mới cho 1,7 triệu lao động đã đề ra rất khó khăn. Việc này đã được thảo luận tại cuộc làm việc giữa Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước Kỳ họp thứ tư của Quốc hội, nhưng do vẫn dành ưu tiên cho vấn đề việc làm và chưa lường hết được những khó khăn trong năm 2009 nên chúng ta vẫn giữ chỉ tiêu này. Mặc dù mới hai tháng mà đánh giá là quá sớm nhưng với con số mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra cho thấy thực hiện chỉ tiêu việc làm năm nay sẽ khó khăn.

* PV: Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Theo bà, cần có thêm giải pháp nào để đảm bảo chính sách này được thực hiện nghiêm túc ở cơ sở, tránh những tiêu cực có thể xảy ra?

- Bà Trương Thị Mai: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là rất kịp thời. Nhà nước đã có những chính sách rất quan trọng để giải quyết như việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để trả lương cho công nhân... Rút kinh nghiệm việc thực hiện những chính sách xã hội trong thời gian vừa qua, cần phải có tiêu chí và xây dựng chương trình càng cụ thể càng hạn chế được những trở ngại và tiêu cực xảy ra trong quá trình thực thi chính sách. Tiêu chí được đặt ra trong Quyết định 30/2009/QĐ-TTg là doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm 30% số lao động hoặc 100 lao động trở lên mất việc làm. Như vậy phải bám sát vào tiêu chí này. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải tính toán để dự báo có khoảng bao nhiêu doanh nghiệp lâm vào tình trạng này để dự kiến nguồn ngân sách phải chi cho thực hiện chính sách. Tất nhiên, đây là vốn vay nên doanh nghiệp phải trả lại nhưng với mức lãi suất 0% là rất ưu đãi.

Tuy nhiên, nếu Nhà nước cho vay nhưng doanh nghiệp vẫn làm ăn đình đốn, không có việc làm thì không thể giữ được người lao động, tình trạng mất việc vẫn diễn ra. Chính sách này hạn chế được một phần nào tình trạng thất nghiệp. Giải pháp cơ bản vẫn là nỗ lực để phục hồi nền kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hợp lý hơn, nhưng cần phải có thời gian.

Một giải pháp quan trọng trong Quyết định trên là việc hỗ trợ học nghề. Người lao động mất việc và lao động Việt Nam từ nước ngoài trở về có thể vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để học nghề. Vấn đề quan trọng là cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm soát, cho vay đúng đối tượng và sử dụng vốn đúng mục đích. Cần phải kiểm soát quá trình từ lúc bắt đầu thực hiện chính sách đến khi kết thúc.

* PV: Với chức năng giám sát, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội có chủ trương tham gia kiểm soát việc cho vay đúng đối tượng và đúng mục đích không, thưa bà?

- Bà Trương Thị Mai: Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước là đơn vị đầu tiên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện để chính sách đi vào cuộc sống. Đối với cơ quan của Quốc hội, Ủy ban sẽ giám sát việc thực hiện chỉ tiêu giải quyết 1,7 triệu việc làm và việc tuyển sinh học nghề trong năm 2009. Tất nhiên, quá trình giám sát việc thực hiện chỉ tiêu đó sẽ không tránh khỏi việc giám sát các chính sách liên quan đến giải quyết việc làm, trợ cấp người mất việc làm và các chính sách liên quan khác. Ủy ban không đi sâu vào các chính sách của Chính phủ mà giám sát chính sách đó có hỗ trợ, tác động gì để thực hiện các chỉ tiêu Quốc hội đưa ra trong năm 2009.

* PV: Bà có đề xuất gì về giải pháp lâu dài cho việc nâng cao chất lượng lao động và giải quyết việc làm cho người lao động?

- Bà Trương Thị Mai: Quá trình phát triển nền kinh tế thị trường cho thấy nguồn nhân lực của nước ta phát triển không đồng bộ với sự phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, sự thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng cao là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Các cơ quan chức năng đã nhận thức được việc này nhưng giải quyết còn chậm. Vì vậy, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được với sự chuyển dịch của nền kinh tế. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, số lao động phổ thông còn rất lớn. Các doanh nghiệp muốn tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao gặp nhiều khó khăn, đã có sự chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao đến những nơi có thu nhập cao. Tôi cho rằng, cần phải khẩn trương và quyết liệt hơn trong chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng cao đồng bộ với sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, không còn con đường nào khác ngoài việc vừa phát triển nền kinh tế, vừa đào tạo nghề cho thế hệ trẻ.

Hiện nay, Luật Dạy nghề đã ra đời, nước ta đã xây dựng 3 cấp đào tạo: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề nhưng các cơ quan chức năng vẫn rất lúng túng trong việc đưa ra các chương trình khung và triển khai công tác này ở các địa phương và các trường nghề. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục đổi mới điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giảng dạy theo hướng hiện đại hóa gắn với thị trường lao động.

Kết quả giám sát tại các địa phương trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho thấy rất rõ: lao động có tay nghề thu nhập cao hơn hẳn so với lao động phổ thông. Làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã yêu cầu Bộ cần tăng cường đào tạo nghề cho thanh niên trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Nếu có tay nghề, người lao động sẽ đóng góp tốt hơn cho đất nước. Hiện nay, số lao động nước ngoài đến Việt Nam cũng rất lớn. Điều này cho thấy, nước ta cũng đang thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề. Vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vừa là trước mắt, vừa là lâu dài, phải là chiến lược quốc gia.

* PV : Tình trạng lao động mất việc làm hiện nay và khả năng đạt chỉ tiêu tạo việc làm mới cho 1,7 triệu lao động trong năm nay là khó khăn. Liệu việc này có ảnh hưởng đến chỉ tiêu giảm nghèo, thưa bà?

- Bà Trương Thị Mai: Chắc chắn chỉ tiêu giảm nghèo cũng bị ảnh hưởng. Vì những người lao động mất việc đều là lao động phổ thông và ở các ngành có số lao động lớn. Số lao động này phải quay về gia đình và đa phần ở nông thôn. Ở nông thôn, một phần đất đai đã chuyển đổi trong quá trình đô thị hóa, diện tích sản xuất thu hẹp, người lao động trở về trong điều kiện đó không thể không ảnh hưởng đến đời sống của từng gia đình.

Hiện chúng ta đang tính đến việc điều chỉnh chuẩn nghèo. Nhưng việc xây dựng chuẩn nghèo mới phù hợp với đời sống người dân hiện nay là vấn đề cũng rất khó khăn.

Nước ta rất quan tâm đến chính sách an sinh xã hội bằng việc phân bổ ngân sách của năm 2009 và đã giành một tỷ lệ rất lớn đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng đối tượng được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội quá đông (người có công, thất nghiệp, hưu trí, nhóm dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế trong xã hội...). Chính sách an sinh xã hội gần như đã bao quát hết tất cả các lĩnh vực và các nhóm đối tượng. Nhưng, Nhà nước chỉ có thể lo trong điều kiện có thể của ngân sách. Điều tôi quan tâm đó là thực hiện chính sách phải đúng đối tượng, đúng mục tiêu.

* PV : Theo bà, có cần kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện chính sách xã hội?

- Bà Trương Thị Mai: Hoàn toàn bằng nguồn ngân sách của Nhà nước là không thể, cần kêu gọi sự tham gia của cộng đồng để vượt qua khó khăn. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nhận số lao động mất việc của doanh nghiệp khác về làm việc, một số doanh nghiệp khác trong Hiệp hội Dệt may sẵn sàng san sẻ hợp đồng cho nhau. Theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước nên thiết lập mạng lưới thông tin nhanh giúp các doanh nghiệp và người lao động có thể kết nối được thông tin này để điều chuyển số lao động mất việc làm tới những doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng. Do vậy, cần khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ nhau về hợp đồng và việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, khi lao động trở về nông thôn, các địa phương và cộng đồng cần quan tâm giúp gia đình họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

* PV : Vừa qua, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội có cuộc giám sát tại các khu công nghiệp phía Nam. Bà có thể cho biết một số thông tin về vấn đề này?

- Bà Trương Thị Mai: Vừa qua, Đoàn của Ủy ban đã đi giám sát một số nơi. Điều Ủy ban đang rất quan tâm là việc xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa trong các doanh nghiệp để đảm bảo cho nền kinh tế thị trường vận hành một cách lành mạnh.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Các doanh nghiệp có công đoàn thì tổ chức này chưa thực sự mạnh. Vì vậy, người lao động chưa thể dựa vào công đoàn để nói lên tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của mình. Đó là những vấn đề cần tiếp tục tính toán để khi gặp khó khăn, người lao động biết cần tìm đến ai để được trình bày và có người đại diện cho mình đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động. Sắp tới, cần phải xây dựng hành lang pháp lý, hỗ trợ tốt hơn cho công đoàn hoạt động, thực sự đại diện cho người lao động. Nếu không quan tâm đúng mức đến tổ chức công đoàn, người lao động khó có thể có quan hệ bình đẳng đối với người sử dụng lao động.

* PV: Xin cảm ơn bà.

PHÚC HẰNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết