13/09/2018 - 10:35

Tăng cường dạy học trải nghiệm sáng tạo 

Là trường vùng ven thành phố, điều kiện vẫn còn khó khăn, nhưng tập thể Trường THCS Thới An Đông (quận Bình Thủy) luôn nỗ lực thi đua dạy và học, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục.

Học sinh Trường THCS Thới An Đông tham quan thực tế trại nuôi lươn. Ảnh: B.KIÊN
Học sinh Trường THCS Thới An Đông tham quan thực tế trại nuôi lươn. Ảnh: B.KIÊN

Mặc dù chuyến tham quan thực tế trại nuôi lươn Tấn Lộc (phường Thới An Đông) đã qua, nhưng em Hà Nguyễn Gia Bảo, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Thới An Đông, vẫn khắc sâu những ấn tượng về lần đầu tiên được học theo phương pháp trải nghiệm. Gia Bảo cho biết: “Em và các bạn hiểu hơn về cách nuôi, chăm sóc, cho lươn ăn; càng thêm hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Kiến thức từ chuyến đi này cũng giúp em nhớ và hiểu hơn các bài học môn Sinh vật”. Gia Bảo là học sinh khá giỏi của lớp, được trải nghiệm từ chuyến đi thực tế lao động sản xuất nông nghiệp - thủy sản do trường tổ chức giúp Bảo có thêm kiến thức xã hội và học tính tự lập.

Trước đây, so với các trường thuộc trung tâm thành phố, học sinh Trường THCS Thới An Đông vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận học ngoại ngữ, tin học, kiến thức xã hội. Vì vậy nhiều năm qua, lãnh đạo Trường THCS Thới An Đông đã thực hiện các giải pháp phù hợp để khắc phục. Trong đó, trường rất quan tâm tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh hay tổ chức giảng dạy thông qua di tích lịch sử. Tùy theo từng bộ môn mà cách làm khác nhau sao cho phù hợp với học sinh. Chẳng hạn, trường tổ chức Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp trường. Mới đây, trường tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có cơ hội giao tiếp tiếng Anh với các sinh viên, chuyên gia người nước ngoài đang học tập, làm việc tại Trường Đại học Cần Thơ. Hay trong môn Sinh học, giáo viên, học sinh tham quan thực tế ở hộ gia đình trồng cây ăn trái (phường Phước Thới, quận Ô Môn)...

Theo cô Lê Thị Lệ, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, với môn học khoa học xã hội, giáo viên phải khắc sâu kiến thức bằng hình ảnh thực tế. “Nhờ sự hỗ trợ của trường, tổ bộ môn, chúng tôi đã tổ chức cho học sinh đến thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng, trồng cây, dọn vệ sinh… Tùy mỗi bài, tôi ứng dụng nhiều phương pháp khác nhau, giúp các em yêu thích bài học”, cô Lệ cho biết thêm. 13 năm trong nghề, cô Lệ luôn chăm chút bài giảng theo hướng phát huy sự chủ động trong học tập của học sinh. Cô Lệ là giáo viên dạy giỏi (giải Nhất) cấp thành phố năm học 2013-2014; giải Nhì cấp quận thi giáo viên chủ nhiệm giỏi năm học 2017-2018.

Trường THCS Thới An Đông hiện có trên 700 học sinh, với 44 cán bộ, giáo viên (trong đó có 37 giáo viên, hơn 78% trên chuẩn). Trường được tái công nhận chuẩn quốc gia năm 2017. Trường là đơn vị duy nhất của quận Bình Thủy mở lớp giảng dạy chương trình tiếng Anh tăng cường ở bậc học THCS. Theo thầy Trần Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trong các hoạt động chuyên môn, phong trào, lãnh đạo trường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho từng tổ bộ môn, giáo viên. Khi các tổ hay giáo viên gặp khó khăn, trường tháo gỡ, tạo mọi điều kiện để hoạt động. Đặc biệt là hoạt động trải nghiệm đã mang lại hiệu quả bước đầu. Học sinh nắm bắt kiến thức chủ động hơn, ham thích học tập, nhận thức trách nhiệm, mối quan hệ giữa thầy và trò ngày càng gắn bó, giáo viên và nhà trường có những điều chỉnh trong dạy học.

3 năm học liền, Trường đạt danh hiệu Tập thể Lao động Xuất sắc. Năm học 2017-2018, trường có 11/12 giáo viên đạt giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp quận; 12 học sinh giỏi cấp quận (trong đó có 2 em học sinh giỏi cấp thành phố); 100% học sinh tốt nghiệp THCS… Theo cô Võ Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng nhà trường, trường có truyền thống đoàn kết; tập thể cán bộ, giáo viên tâm huyết, vượt khó. Bên cạnh đó, trường được sự quan tâm của quận, ngành trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Nhờ đó, trường không gặp khó khăn về nguồn lực phục vụ năm học mới.

Năm học mới này, từ sự hỗ trợ của mạnh thường quân, trường đã trao 34 xe đạp, 1 suất học bổng cho học sinh khó khăn; đồng thời rà soát học sinh khó khăn để kịp thời lo sách vở, đồng phục. Cô Kim Thoa nhấn mạnh: “Năm học mới này, tập thể nhà trường tiếp tục đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp, hình thức dạy theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh; thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành”.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết