05/01/2008 - 08:45

UBND TP Cần Thơ chỉ đạo:

Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch bệnh gia súc

* Các địa phương không được che giấu khi có dịch bệnh * Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm rất cao do vắc-xin tiêm phòng kém hiệu quả

(CT)- UBND TP Cần Thơ vừa có Công văn số 04/UBND-KT về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch bệnh gia súc.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu trong tháng 1-2008, Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện phát động tháng tiêu độc khử trùng toàn thành phố; phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia cầm, gia súc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó bao gồm tiêu hủy gia cầm, gia súc và các sản phẩm từ gia cầm, gia súc được vận chuyển trái phép, không có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức thông tin tuyên truyền liên tục bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của nhân dân về chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Giám đốc Sở Thương mại và Giám đốc Sở Y tế phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố.

UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND các phường, xã, thị trấn phối hợp với ngành chuyên môn giám sát tình hình dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch tại cơ sở để phát hiện kịp thời dịch bệnh, tuyệt đối không được che giấu dịch bệnh, không bán chạy gia cầm và gia súc bị bệnh; kiểm tra việc chấp hành các quy định của người chăn nuôi vịt chạy đồng, các cơ sở nuôi gia cầm giống và lò ấp trứng gia cầm; kiểm tra vệ sinh thú y các cơ sở giết mổ và chợ buôn bán sản phẩm gia cầm, gia súc trên địa bàn quản lý.

* Ngày 4-1, tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, cơ quan thú y Vùng VI tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm năm 2007. Tại hội nghị này, đại diện Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết việc tiêm phòng vắc-xin trên gà, vịt ở các tỉnh đưa về thành phố tiêu thụ không mang lại liệu quả cao. Chẳng hạn tiêm vắc-vin vô hoạt trên gà chiếm tỷ lệ bảo hộ tổng đàn là 37,58%; đối với vịt tỷ lệ bảo hộ tổng đàn là 5,8%. Tỷ lệ này thấp hơn hơn nhiều so với năm 2006. Đó là chưa kể nhiều mẫu từ các tỉnh đưa về báo đã tiêm phòng vắc-vin nhưng cho kết quả dương tính với vi- rút cúm.

Ngoài hiệu quả của vắc-xin tiêm phòng kém, theo thông tin từ Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh nêu tại hội nghị, gần đây còn có tình trạng thương lái mua giấy kiểm dịch từ các cơ sở thú y địa phương để đưa gia súc, gia cầm về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Với tình hình này, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trong vùng trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2008 là rất cao.

ANH KHOA - HOA HẠ

Chia sẻ bài viết