20/09/2023 - 16:39

Tăng cơ hội để trẻ tự kỷ hòa nhập, kết nối cộng đồng 

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) TP Cần Thơ đã nỗ lực kết nối các tổ chức trong và ngoài nước để chăm lo trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ðược sự tài trợ của Tổ chức Saigon Children’s Charity (Saigonchildren), Dự án “Hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ tại TP Cần Thơ giai đoạn 2022-2024” (Dự án trẻ tự kỷ) đi vào hoạt động, giúp trẻ tự kỷ có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm CTXH thành phố trao quà lưu niệm đến ông Damien Robert, Giám đốc điều hành tổ chức Saigonchildren tại lễ khởi động Dự án trẻ tự kỷ.

Nắm bắt cơ hội

Tại Phòng Can thiệp, Trung tâm CTXH thành phố, cô Lê Thị Hằng đang trao đổi, tư vấn phụ huynh về kế hoạch tiếp nhận can thiệp sớm cho bé L. Cô Hằng vui vẻ, nhiệt tình giải thích các thắc mắc của phụ huynh cũng như hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện tại nhà để gia đình đồng hành, sớm mang lại kết quả trị liệu cho bé L. Bà Tăng Thị Mộng Diễm ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, bà nội của bé L, phấn khởi nói: “Bữa nay được nghe các cô tư vấn, giải thích cụ thể, rõ ràng, tôi rất an tâm. L có biểu hiện bệnh từ nhỏ, nhưng cha mẹ bé đều là công nhân, giờ còn bị mất việc nên không có điều kiện để L được thăm khám, phát hiện sớm. Giờ L được vào trung tâm tập luyện, tôi mừng lắm”. Bà Diễm cho biết thêm, mấy tháng trước, bé K, cháu ngoại bà cũng vào trung tâm tập luyện. Ðến nay, bé K có tiến triển tốt, biết lắng nghe, chịu trả lời... Cô Hằng bộc bạch: “Mỗi khi được phụ huynh phản hồi những thông tin vui về tình hình sức khỏe các bé, chúng tôi thật sự vui mừng và mong muốn chia sẻ niềm tin và hy vọng với gia đình. Chúng tôi xem đó là động lực để tiếp tục gắn bó với công việc”.

Ở phòng kế bên, cô Phan Thị Tiền đang hướng dẫn bé N và bé Ð, được nuôi dưỡng tại Trung tâm, các trò chơi vận động phù hợp. Cô Tiền vừa nhỏ nhẹ bắt chuyện, vừa đưa ra một số món đồ chơi để 2 bé tập phân biệt màu sắc. Từng lúc, cô Tiền phải chủ động can thiệp để các bé tập trung tương tác. Còn cô Nguyễn Thị Kim Thảo chịu trách nhiệm hướng dẫn bé P. Ban đầu, do lạ lẫm, bé P thường dùng dằng, khóc thét, lầm lì, không hợp tác. Bé P chỉ nói lí nhí vài tiếng, đôi lúc giận dỗi, giật và ném đồ chơi ra xa. Cô Thảo kiên trì tiếp cận, rồi bé P cũng chịu nhận diện và kể tên các đồ vật, chơi đùa với bóng… Vào trước bé P một tuần, bé Y cũng từng sợ hãi, bất hợp tác. Nhờ các cô chịu khó tập luyện, Y đã chịu lắng nghe, trả lời và làm theo, chơi đùa cùng cô…

Cuối tháng 8-2023, Tổ chức Saigonchildren hỗ trợ Trung tâm CTXH thành phố tổ chức tư vấn phụ huynh có con rối loạn phổ tự kỷ và tọa đàm chia sẻ thông tin, định hướng hỗ trợ phát triển dịch vụ can thiệp sớm cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Hoạt động này trang bị cho phụ huynh kiến thức cơ bản về những biểu hiện, dấu hiệu trẻ tự kỷ theo độ tuổi; nêu bật ưu điểm, hiệu quả việc kịp thời phát hiện và can thiệp sớm đối với trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Ðồng thời, chuyên gia tâm lý cũng hướng dẫn một số biện pháp cải thiện sức khỏe tinh thần, thư giãn và khuyến cáo giảm căng thẳng để chăm sóc tốt trẻ tự kỷ…

Vun đắp niềm tin

Ông Hồ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm CTXH thành phố, Trưởng Ban quản lý Dự án trẻ tự kỷ, cho biết: Trước đây, thành phố có 2 cơ sở tư nhân can thiệp trẻ tự kỷ, nhưng chi phí khá cao, khoảng 4-6 triệu đồng/tháng. Vì vậy, trẻ tự kỷ diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn khó tiếp cận dịch vụ. Khởi động từ năm 2022, Dự án trẻ tự kỷ đáp ứng nhu cầu bức thiết về vấn đề điều trị cho trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ ở các tỉnh ÐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Trung tâm được hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ hoạt động can thiệp; đội ngũ nhân viên được tham gia lớp tập huấn kiến thức cơ bản về rối loạn phổ tự kỷ, chẩn đoán, đánh giá. Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ hỗ trợ khám bệnh ban đầu và chuyển trẻ sang Trung tâm hỗ trợ can thiệp. Trung tâm đang can thiệp 20 trẻ tự kỷ, với hình thức mỗi tuần phụ huynh có 2 buổi dự giờ nhân viên can thiệp tại Trung tâm và được hướng dẫn thực hành can thiệp cho trẻ tại nhà ít nhất 2 giờ mỗi ngày. Qua thăm dò, khảo sát bước đầu, trẻ tự kỷ được can thiệp có nhiều tiến bộ về nhận thức, ngôn ngữ, vận động…

Viên chức Trung tâm CTXH thành phố đang tiếp cận, tương tác với trẻ tự kỷ tại phòng can thiệp.

Trung tâm rất phấn khởi khi phụ huynh tín nhiệm và cam kết sẽ đồng hành xuyên suốt để chăm sóc con em. Các nhân viên được chọn tham gia dự án thật sự yêu thích, tâm huyết với công việc, được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cơ bản để hoàn thành nhiệm vụ can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ. Anh Trương Công Luận, nhân viên Phòng Can thiệp, bày tỏ: “Việc tiếp cận, can thiệp trẻ tự kỷ không đơn giản, mỗi nhân viên cần rèn tính kiên trì, chịu khó. Ðể hỗ trợ can thiệp hiệu quả, chúng tôi phải vun bồi tình yêu thương và khích lệ tinh thần, tạo dựng niềm tin nơi phụ huynh về cơ hội hòa nhập của trẻ tự kỷ”.

Theo ông Damien Robert, Giám đốc điều hành tổ chức Saigonchildren, can thiệp sớm là sự hỗ trợ quan trọng, đúng cách đối với trẻ tự kỷ. Bên cạnh hình thức trị liệu quan trọng, Saigonchildren tổ chức tập huấn và biên dịch các tài liệu thiết yếu về tự kỷ sang tiếng Việt để các viên chức, giáo viên, phụ huynh dễ dàng tiếp cận, thực hành, cải thiện cuộc sống của trẻ tự kỷ và gia đình. Tổ chức Saigonchildren tin tưởng sẽ thực hiện đạt mục tiêu hỗ trợ 80% trẻ tự kỷ đến năm 2025 do Chính phủ Việt Nam đề ra.

Ông Hồ Thanh Hải cho biết, Trung tâm sẽ tiếp tục đưa nhân viên phụ trách can thiệp tham gia các lớp tập huấn cập nhật kiến thức, kỹ năng đánh giá, ngôn ngữ, hành vi; thực hành tại các trung tâm can thiệp sớm tại TP Hồ Chí Minh; giao lưu, học tập kinh nghiệm tại các cơ sở can thiệp sớm tại TP Cần Thơ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ðồng thời, mua sắm, bổ sung trang thiết bị, dụng cụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động can thiệp. Bên cạnh đó, Trung tâm đẩy mạnh truyền thông về dự án đến nhiều đối tượng: ngành, đoàn thể các cấp, cán bộ phụ trách công tác trẻ em, nhân viên y tế địa phương; phối hợp ngành giáo dục để tuyên truyền rối loạn phổ tự kỷ tại các trường mầm non nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết toàn xã hội về mô hình can thiệp sớm trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Qua đó, đáp ứng nhu cầu thực tế và tăng cơ hội để trẻ tự kỷ hòa nhập, kết nối cộng đồng trong tương lai.

Thành lập năm 1992 tại Anh, Saigonchildren là tổ chức từ thiện tập trung vào trẻ em, hoạt động tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, với các chương trình: xây trường, trao học bổng, đào tạo nghề, kỹ năng và hỗ trợ giáo dục đặc biệt cho trẻ em khuyết tật. Saigonchildren tập trung mảng giáo dục trẻ tự kỷ: phát hiện sớm dựa vào cộng đồng và can thiệp sớm theo mô hình giáo dục đa ngành, kết hợp nhiều tổ chức chuyên môn trong và ngoài nước nhằm phát triển các nguồn tài liệu và phương pháp trị liệu khoa học có thể ứng dụng tại Việt Nam, hướng tới hình thành trung tâm nguồn và xây dựng mạng lưới quốc gia về chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ chất lượng cao…

Chia sẻ bài viết