15/12/2021 - 08:22

Tận dụng cơ hội xuất khẩu sang thị trường Đức 

Năm 2020, Đức là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 tại EU, thứ 7 thế giới của Việt Nam. Giai đoạn 2011-2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đức tăng bình quân 11,5%/năm. Đức và Việt Nam có cơ cấu sản phẩm bổ sung cho nhau là chủ yếu. Đây là thị trường tiềm năng lớn khi doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt các cơ hội từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Cơ hội thương mại

 

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CTV.

Ngày 14-12-2021, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện FNF tại Việt Nam (Đức) tổ chức hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Đức thông qua Hiệp định EVFTA - Những điều doanh nghiệp cần biết”. Hội thảo cung cấp thông tin cho DN về những cơ hội kinh doanh với thị trường Đức thông qua cơ hội do EVFTA mang lại. EVFTA có hiệu lực với Việt Nam từ 1-8-2020.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết, giai đoạn 2011-2020, thương mại song phương giữa Việt Nam và Đức đã tăng 80%, từ 5,6 tỉ USD năm 2011 lên 10 tỉ USD năm 2020. Đặc biệt, xuất khẩu từ Việt Nam sang Đức trong giai đoạn này đạt mức tăng trưởng khoảng 11,5%/năm. Mặc dù vậy, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức hiện chỉ chiếm 1,83% trong tổng thương mại của Việt Nam, thấp hơn nhiều so với tỷ trọng 24,41% với Trung Quốc, 16,65% với Mỹ, 12,11% với Hàn Quốc... Vậy nên, EVFTA là nền tảng quan trọng để thúc đẩy thương mại giữa 2 quốc gia. Để có thể tận dụng cơ hội này, DN Việt phải tìm hiểu đầy đủ các quy định xuất nhập khẩu phía Đức.

Ông Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Viện FNF tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với DN Đức. Ảnh: CTV.

Ông Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Viện FNF tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với DN Đức. Ảnh: CTV.

GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện FNF tại Việt Nam cũng cho biết, sứ mệnh của Viện FNF thúc đẩy thương mại, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức. EVFTA là công cụ hữu ích nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 quốc gia. Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nhiều quốc gia, trong đó có các nước ASEAN. Việc tận dụng các cơ hội từ EVFTA là giải pháp cho 2 nước nâng cao hiệu quả thương mại, giúp Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá là có cơ hội lớn từ EVFTA bao gồm: Giày dép, quần áo, thủy sản, các sản phẩm nhựa, trái cây, cà phê, gạo… Trong khi đó, Đức là cường quốc công nghiệp nặng, xuất khẩu nhiều nguyên nhiên liệu và máy móc thiết bị và cũng nhập khẩu nhiều hàng tiêu dùng, nông sản thực phẩm.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết sau 1 năm thực thi EVFTA, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã tận dụng được các cơ hội từ hiệp định để tăng xuất khẩu sang thị trường Đức. Xuất khẩu sang Đức 1 năm sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đạt 7,1 tỉ USD, tăng 8,8% so trước khi chưa có hiệu lực. Nhiều mặt hàng có tốc độ tăng cao, như: máy móc và thiết bị tăng 83,6% (đạt 1,02 tỉ USD), phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 71,6%, sắt thép tăng 53,2%, máy tính và điện tử tăng 34% (đạt 627 triệu USD), thủy sản tăng 15,5% (đạt 200 triệu USD)... Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đức 10 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020. Dư địa khai thác thị trường vẫn còn nhiều, DN cần tận dụng tốt các cơ hội ưu đãi thuế quan của EVFTA.

Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: CTV.

Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: CTV.

Để tận dụng dư địa thị trường

Theo lãnh đạo VCCI, Hiệp định EVFTA có yêu cầu rất cao, tiến tới xoá bỏ phần lớn hàng rào thuế quan và tiết giảm các rào cản phi thuế quan giữa Việt Nam với EU (trong đó có Đức). Hiệp định sẽ dỡ bỏ 99,2% số dòng thuế cho hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Đức sau 7 năm và xoá bỏ 98,3% số dòng thuế cho các sản phẩm của Đức nhập khẩu vào thị trường Việt Nam sau 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. EVFTA cũng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 39 sản phẩm của Việt Nam và 12 sản phẩm của Đức giúp các sản phẩm này gia tăng giá trị và thương hiệu khi tiếp cận thị trường mỗi bên. Hiệp định cũng bao gồm rất nhiều cam kết khác về hải quan, vệ sinh dịch tễ, rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, mua sắm công.... giúp thiết lập nên các tiêu chuẩn và nguyên tắc thuận lợi hóa thương mại, tạo điều kiện dễ dàng cho hàng hoá của Việt Nam và Đức tiếp cận thị trường của nhau. Tuy nhiên, để biến những cơ hội tiềm năng nói trên thành hiện thực, các DN Việt Nam cần tìm hiểu đầy đủ các nội dung cam kết của Việt Nam và Đức trong EVFTA.

Thống kê của Bộ Công thương, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA sau 1 năm có hiệu lực còn khá khiêm tốn. Tỷ lệ tận dụng thuế quan trên 70% chỉ có mặt hàng giày dép (90,8%), hàng thủy sản (73%); từ 50-70% (túi xách, vali, dù… 53,6%; bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc 66,3%; chất dẻo và sản phẩm chất dẻo 64,8%; rau quả 62,3%; dây cáp điện 60,3%); từ 30-50% (mây, tre, cói và thảm 44,8%; sản phẩm gốm, sứ 36,6%; hóa chất và sản phẩm hóa chất 30%). Tình hình sử dụng C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) đối với sản phẩm xuất khẩu sang EU cũng tăng sau 1 năm hiệp định có hiệu lực, như thủy sản 73%, giày dép 90,8%, nhưng một số mặt hàng thế mạnh có tỷ lệ sử dụng C/O chưa đạt mức kỳ vọng.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) lưu ý,  DN muốn kinh doanh thành công với thị trường Đức, một trong những thị trường phát triển khó tính nhất thế giới, DN cần chuẩn bị rất nhiều việc. DN cần nắm rõ quy trình nhập khẩu vào Đức, cần xác định diện hàng hóa nhập khẩu thuộc loại tự do/cấm, hay kiểm soát đặc thù. Ví dụ, rau quả và thủy sản, may mặc là những sản phẩm có gần suất sử dụng biện pháp phi thuế quan cao nhất EU, đối với thị trường Đức còn có các nội dung kiểm soát như: dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tạp chất, giấy chứng nhận kiểm dịch, cách thức ghi nhãn mác; dư lượng kháng sinh, tính hợp pháp của việc đánh bắt…; hóa chất hạn chế sử dụng trong sản xuất hàng dệt may, ghi nhãn, các yêu cầu bổ sung đối với sản phẩm đặc thù… Tuân thủ quy trình, thủ tục chứng từ nhập khẩu vào Đức…

Chia sẻ về cách nắm bắt cơ hội hợp tác với DN Đức, ông Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Viện FNF tại Việt Nam, cho rằng, DN nhỏ và vừa ở Đúc là “các nhà vô địch ẩn danh”. Vậy nên, DN Việt cần khai thác cơ hội EVFTA từ hợp tác liên kết với DN nhỏ và vừa của Đức, thay vì chỉ tìm kiếm “đại bàng”. Vì DN tham gia thị trường xuất khẩu của Đức có tới 97% là DN nhỏ và vừa. DN Việt cần nâng cao năng lực sản xuất nội địa, thay vì chỉ tăng xuất khẩu; đồng thời cập nhật các tiêu chuẩn EU để nâng cao chất lượng sản phẩm hiệu quả hơn. Khó khăn lớn nhất của DN Việt hiện nay là ngành phụ trợ và lao động có tay nghề; tích lũy nguồn lực và vốn tài chính; mô hình tổ chức sản xuất. Vậy nên, cần phải xác định lại các tiêu chí, năng lực cung ứng và DN có thỏa mãn được các quy tắc xuất xứ mà nhà nhập khẩu đưa ra chưa để tập trung cải thiện.

Đức là thị trường khó tính nhất EU, khi các DN tận dụng được các cơ hội xuất khẩu sang thị trường này sẽ dễ dàng chinh phục các thị trường khó tính khác trên thế giới.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết