21/10/2009 - 06:56

Tấm lòng của Đại đức Thích Thiện Sanh

Đại đức Thích Thiện Sanh cùng với các em học sinh học tập trên máy vi tính.

Tại chùa An Phước (còn gọi là chùa Hốc Tra), ấp An Quới, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre), có đại đức trụ trì với pháp danh Thích Thiện Sanh được nhiều người dân quí mến ở đức tính thương người, hay giúp đỡ trẻ em nghèo khó. Bà con ở đây quen gọi đại đức là thầy Thích Thiện Sanh. Bên cạnh việc tụng kinh niệm Phật, cầu siêu cho anh linh các liệt sĩ, cầu mong quốc thái dân an, trong những năm qua, thầy Thích Thiện Sanh còn nhận nuôi hơn 100 học sinh nghèo, nhiều em thành danh đang là bác sĩ, kỹ sư...

Thầy Thích Thiện Sanh kể lại: “Lúc tôi còn trong bụng mẹ thì cha tôi qua đời. Đó là bất hạnh trong đời tôi. Bây giờ càng nghĩ, tôi càng thấy thương cha vì không biết mặt mũi con mình. Sau đó, mẹ tôi bước thêm bước nữa. Năm tôi 1 tuổi, cha ghẻ đẩy tôi về ở với bà ngoại. Đến năm tôi 11 tuổi, cha ghẻ bắt tôi về để chăn bò và giữ 2 đứa con của ông ấy, không cho tôi đi học.

Năm 1987, không chịu nổi cách đối xử của cha ghẻ, nhiều đêm suy nghĩ không ngủ được, cuối cùng Huỳnh Văn Ngọn (lúc ấy 12 tuổi) chọn con đường đến với Phật. Năm 1990, được sư phụ chùa Thắng Quang, ấp Giồng Tre (xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri) đặt cho pháp danh Thích Thiện Sanh, sau đó chú tiểu Thích Thiện Sanh được sư phụ gởi lên ở trong chùa Hải Tuệ (quận 11, TP Hồ Chí Minh). Tại đây, từ năm 1990 đến 1993, chú tiểu Thích Thiện Sanh học 3 năm Trung học Phật giáo; đến năm 1996 tốt nghiệp Đại học Phật giáo. Sau đó, thầy Thích Thiện Sanh trở về chốn cũ (chùa Thắng Quang) tiếp tục đường tu.

Giữa năm 1996, thầy Thích Thiện Sanh một lần đi vào ấp An Quới, xã An Bình Tây, thấy chùa Hốc Tra bỏ không (chùa này được thành lập cách nay hơn 100 năm), nên sau đó đã tới lui chăm sóc, trùng tu chùa. Vào tháng 2-1999, thầy được về trụ trì chùa Hốc Tra, về sau chùa này được đổi tên thành An Phước.

Nhớ lại tuổi thơ đầy bất hạnh, cuối năm 1996, thầy Thích Thiện Sanh nghĩ ra cách nhận nuôi miễn phí một số học trò nghèo (học sinh THPT), tạo điều kiện cho các em học đến nơi đến chốn. 3 học sinh đầu tiên mà thầy nhận nuôi là: Trần Văn Trí (xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri), Võ Văn Dũng, ấp 2 và Phạm Văn Tý, ấp 3 (cùng xã Tân Hưng, huyện Ba Tri). Hiện nay, cả 3 em này đã tốt nghiệp đại học. Khi kể lại chuyện này, thầy Thích Thiện Sanh cười tươi bảo rằng: “Nhận nuôi học sinh, tôi chỉ hy vọng lớn nhất có một điều là các em phải vào đại học. Có trình độ đại học thì tương lai của các em mới xán lạn được. Tôi sẵn sàng nuôi các em đến bậc học tiến sĩ”.

Từ năm 1996 đến nay, thầy Thích Thiện Sanh đã nuôi hơn 100 em học sinh nghèo. Đến nay, hầu hết các em đều tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Hiện tại, thầy Thích Thiện Sanh đang nuôi 35 em đang học THPT (27 em sống trong chùa; 8 em sống ở nhà với ông bà nội). Để được thầy Thích Thiện Sanh nhận nuôi miễn phí, các em phải được Trưởng ấp hoặc UBND xã xác nhận hộ nghèo, nhà trường xác nhận về hạnh kiểm. Sống tại chùa thì phải theo nội quy giờ giấc của thầy Thích Thiện Sanh đề ra, nói chung là hướng cho các em chuyên tâm học tập, không được lười biếng. Còn những em không có điều kiện sống trong chùa thì thầy Thích Thiện Sanh gởi tiền về nhà cho hằng tháng. Cứ vào đầu năm học, mỗi em được thầy cho 380.000 đồng đóng học phí và còn được thầy cho 500.000 đồng trang trải chi phí sinh hoạt; còn tiền cơm gạo, điện, nước thầy lo hết. Riêng những em quá nghèo, được thầy mua cho xe đạp mới để đi học.

Năm 2007, thầy Thích Thiện Sanh chi 109 triệu đồng vào việc nuôi các em học sinh. Năm 2008, thầy chi 69 triệu đồng (vì năm 2007 số học sinh đến với thầy nhiều hơn năm 2008). Tiền ở đâu để mà nuôi các em ăn học? Thầy Thích Thiện Sanh cười nói: Thật ra đến bây giờ, tôi vẫn là con nhà nghèo. Để có tiền nuôi các em ăn học tôi phải vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp. Tại chợ Ba Tri, tiệm vàng Kim Ngân có lúc cho 300kg gạo, nhiều tiểu thương trong chợ thường xuyên cho: đường, gạo, xà bông, mì gói, nước tương... Cô Diệu Hà, mẹ của ông chủ cửa hàng điện tử Hoàng Nguyên ở TP Bến Tre là nhà tài trợ chính cho chùa để nuôi các em ăn học; ở TP Hồ Chí Minh có cô Huỳnh Hải ở quận 4, năm qua đóng góp 40 triệu đồng.

Nhờ sự chăm lo của thầy Thích Thiện Sanh, đến nay đã có những em thành đạt như: Hoàng Văn Bảo, ở quê hương nổi tiếng với làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm) được thầy nhận nuôi từ năm học lớp 11 (do cha mẹ qua đời). Hiện nay, Bảo là bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Em Võ Văn Vũ, ở Bảo Thạnh (Ba Tri), được thầy nhận nuôi từ lúc em học lớp 12, nay đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa, hiện là kỹ sư tin học, đang công tác trong ngành Bưu điện TP Hồ Chí Minh. Và còn nhiều em khác ước mơ đã thành hiện thực, công thành danh toại, muốn báo đáp công lao của thầy Thích Thiện Sanh, nhưng thầy từ chối, bảo rằng: “Muốn đền ơn thầy, thầy chỉ cho một cách, đó là các em cứ mạnh dạn đóng góp xây cầu đường, xây nhà tình thương cho dân nghèo hoặc để dành tiền đem về phụ thầy nuôi các em đang ăn, ở tại chùa để đi học. Được như thế cũng là cách giúp các em đi sau có điều kiện học hành, tốt nghiệp THPT sau đó bước vào giảng đường đại học. Làm được như thế là thầy vui lắm rồi!”.

Những em thành đạt nhờ công đức của thầy Thích Thiện Sanh, cứ vào ngày 25-12 (âl) hằng năm thì quy tụ về phát quà cho đồng bào nghèo ở Ba Tri. Năm 2008, các em vận động đóng góp cho chùa An Phước được 42 triệu đồng giúp người nghèo.

* * *

Hôm tôi đến thăm chùa An Phước, nghe tiếng gõ lách cách trong phòng của thầy Thích Thiện Sanh, tôi vào xem thì thấy 3 học trò cùng với thầy miệt mài trên máy vi tính. Thầy cho biết: “Tôi sử dụng được máy vi tính là nhờ mấy em hướng dẫn. Có cái máy này cũng hay lắm!”.

“Thời gian tới thầy có kế hoạch gì?” - tôi hỏi. Thầy Thích Thiện Sanh nói: “Tôi không muốn những em học sinh nghèo gặp cảnh bất hạnh như tôi hồi còn nhỏ, nên tôi cứ nuôi hết em này đến em khác, đến khi nào tôi không còn trên thế gian này thì thôi. Hiện nay, tôi đang vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để mua thêm 5 máy vi tính cho các em học; mua 1 công đất khoảng 80 triệu đồng ở gần chùa (người ta đang kêu bán) để xây nhà nuôi người già neo đơn - miễn phí”, nói đến đây thầy cười thật tươi, ánh mắt rạng niềm vui.

Ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Tân Hưng, cha của em Nguyễn Văn Tân đang học lớp 12 - Trường THPT Phan Thanh Giản, xúc động nói: “Tôi rất cảm ơn lòng từ thiện của thầy Thích Thiện Sanh, công lao của thầy to lớn lắm. Tôi làm mướn, thu nhập không ổn định, thấy nhà tôi nghèo quá, thầy nhận Tân về chùa nuôi cho ăn học từ năm lớp 10. Nếu không có thầy Thích Thiện Sanh, chắc con tôi đã bỏ học từ lâu rồi”. Tấm lòng của thầy Thích Thiện Sanh thật đáng quý. Thầy đã thực hiện tốt lối sống “Tốt đời, đẹp đạo”, không chỉ tu nhân tích đức cho bản thân mà còn làm nhiều việc thiện, trong đó đã hết lòng chăm lo cho học sinh nghèo, giúp các em học hành đến nơi đến chốn, trở thành những công dân hữu ích, góp sức xây dựng quê hương.

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

 

Chia sẻ bài viết