10/05/2022 - 05:53

Tại sao cần phân biệt dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm? 

THANH TRÚC (Theo SciTechDaily, Food Navigator Asia)

Nhiều người nhầm lẫn giữa dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm, nhưng thực ra chúng là hai thứ khác nhau. Hiểu được sự khác biệt này rất quan trọng, bởi nó có thể giúp chúng ta tránh được các triệu chứng khó chịu hoặc nguy hiểm sau khi ăn một số thực phẩm nhất định.

Những thực phẩm mà nhiều người dễ bị dị ứng nhất. Ảnh: Food Navigator Asia

Dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ miễn dịch nhận diện nhầm một số prôtêin trong thực phẩm là tác nhân có hại và kích hoạt phản ứng miễn dịch. Ðộng vật có vỏ, trứng, đậu phộng, thực phẩm từ đậu nành, lúa mì, mè, các loại hạt, cá và sữa là một số thực phẩm gây dị ứng phổ biến.

Khi tiêu thụ thực phẩm mà cơ thể dị ứng, nó sẽ kích hoạt các tế bào miễn dịch trong máu giải phóng các hóa chất, chẳng hạn như histamine, gây ra các triệu chứng dị ứng như: nổi mề đay, phát ban trên da; ngứa môi, miệng, lưỡi, họng và mặt; đỏ hoặc sưng môi, miệng, lưỡi, họng và môi; sưng vùng mắt.

Một đặc điểm phân biệt của dị ứng thực phẩm là các triệu chứng bắt đầu chỉ trong vài phút sau khi tiêu thụ thực phẩm. Dị ứng thực phẩm có thể nhẹ hoặc đe dọa tính mạng. Nghiêm trọng nhất là sốc phản vệ với các triệu chứng như: chóng mặt hoặc ngất xỉu; muốn ói, ói, đau bụng; khó thở hoặc tức ngực; cảm giác bị nghẽn ở cổ họng; sưng miệng, môi hoặc lưỡi; da đỏ ửng; mạch đập nhanh, huyết áp thấp; mất ý thức hoàn toàn.

Những cách để chẩn đoán tình trạng dị ứng bao gồm: thử chất nghi gây dị ứng trên da, xét nghiệm máu và dùng thử thức ăn nghi dị ứng dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa.

Không dung nạp thực phẩm

Không dung nạp thực phẩm là khi cơ thể phản ứng tiêu cực với thực phẩm, đồ uống hoặc chất phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, nó khác với dị ứng ở chỗ là không kích hoạt hệ miễn dịch và thường không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, mà chủ yếu gây ra các vấn đề về tiêu hóa.

Triệu chứng của không dung nạp thực phẩm thường xuất hiện nhiều giờ hoặc thậm chí vài ngày sau khi dùng món ăn “khó tiêu hóa”. Tình trạng này có thể do cơ thể chứa nồng độ thấp các enzyme cần thiết để tiêu hóa một loại thực phẩm nào đó. Ví dụ, những người không dung nạp lactose thường khó tiêu hóa lactose - một loại đường tự nhiên trong sữa và chế phẩm từ sữa - có thể bị đầy hơi và tiêu chảy. Trong khi đó, một số người có thể không dung nạp thành phần khác như:

- Fructose. Loại đường này có trong mật ong, một số loại rau quả và xi-rô bắp có hàm lượng fructose cao. Nhiều người không dung nạp fructose cũng không dung nạp các chất làm ngọt nhân tạo như sorbitol và xylitol.

- Bột ngọt (MSG). Ðây là chất điều vị thường được thêm vào các món ăn châu Á, gồm đồ ăn nhanh, nước xốt rau củ, canh, súp... Một số người không dung nạp bột ngọt cũng có thể phản ứng với chiết xuất nấm men và chất thủy phân prôtêin, được dùng làm chất điều vị tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn.

- Gluten. Loại prôtêin này thường có trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch. Ăn bánh mì và mì ống chứa gluten có thể gây đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón. 

Nhìn chung, với chứng không dung nạp thức ăn, bạn có thể dùng một lượng nhỏ thức ăn mà không gặp phải triệu chứng gì, ví dụ, người không dung nạp lactose có thể uống một lượng nhỏ sữa hoặc uống men lactase (có bán ở nhà thuốc) trước khi uống sữa.

Cách chẩn đoán không dung nạp thực phẩm là theo dõi các triệu chứng và thời điểm chúng xuất hiện sau khi tiêu thụ thức ăn, hoặc sử dụng chế độ ăn kiêng loại trừ, tức ngừng ăn một số loại thực phẩm nhất định trong vài tuần, sau đó dùng lại từng món để xem món nào có vấn đề.   

Chia sẻ bài viết