31/05/2014 - 21:15

Tai nạn giao thông: sơ cứu không đúng - điều trị khó khăn

 Nạn nhân bị TNGT đang được cấp cứu và điều trị tại khoa Cấp cứu. Ảnh: CTV

Theo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, hằng tháng, bệnh viện cấp cứu trên 600 bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT). Trong đó, bệnh nhân TP Cần Thơ chiếm trên 42%, số bệnh nhân có nồng độ cồn chiếm trên 22%. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Cường, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết, một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong điều trị TNGT ở bệnh viện là do bệnh nhân bị TNGT trên đường được sơ cấp cứu không đúng, dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn.

Đề tài nghiên cứu “Chấn thương do TNGT ở trên đường tại Việt Nam”. Chủ trì đề tài nghiên cứu là giáo sư Bertrant Yersin ở Viện trường CHUV và giáo sư Eric Bucher, Trưởng khoa Gây mê, Bệnh viện Morges (Thụy Sĩ) đã tập huấn và chuyển giao phần mềm ghi nhận TNGT cho 13 bệnh viện từ tuyến trung ương, thành phố và bệnh viện quận, huyện ở TP Cần Thơ. Từ tháng 10-2007 đến tháng 9-2010, các bệnh viện ghi nhận toàn thành phố có 34.108 vụ TNGT; bình quân 1 tháng có 170 vụ, trong đó 20% trường hợp bị nặng. Một số trường hợp tử vong, bệnh nặng do không được sơ cấp cứu đúng cách. Bác sĩ Nguyễn Vũ Thế Cường được đưa đi học sơ cấp cứu tại Thụy Sĩ cho biết: “Sơ cấp cứu TNGT không đúng cách rất nguy hiểm. Bệnh nhân có thể bị sốc chấn thương, sốc mất máu… Ngoài ra, chuyển bệnh không đúng, chuyển bằng xe gắn máy, bệnh nhân có thể bị chấn thương, gãy cột sống cổ. Nếu có giữ được tính mạng thì bệnh nhân cũng bị liệt tay, chân”. Từ thực tế đó, một số bác sĩ được sang Thụy Sĩ học 6 tháng về sơ cấp cứu. Tại Việt Nam, các bác sĩ ở Khoa Cấp cứu một số bệnh viện và cảnh sát giao thông cũng được tập huấn ngắn hạn về sơ cấp cứu TNGT trên đường. Tuy nhiên, phần lớn khi xảy ra TNGT thì người dân ít gọi cấp cứu 115”. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Cường cho biết thêm: “Khi nhận cuộc gọi cấp cứu 115, ê kíp cấp cứu gồm 1 điều dưỡng, 1 bác sĩ sẽ lên đường đến điểm xảy ra tai nạn. Hiện nay, do tính chất cấp cứu càng nhanh càng tốt nên bệnh viện chỉ nhận cấp cứu những vụ tai nạn ở quận Ninh Kiều và một số phường, xã gần bệnh viện. Những vụ ở xa thì bệnh viện sẽ hướng dẫn người dân liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, thời gian qua, có ngày, đường dây 115 không tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu TNGT, đa phần người bị TNGT tự đến bệnh viện bằng nhiều phương tiện như: xe gắn máy, ô tô… do người đi đường hoặc người thân chở đến, vì tâm lý cho rằng đưa nạn nhân đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, đây là sai lầm nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tử vong hoặc thương tổn nặng nề hơn. Điều đáng lo ngại là người dân tự chuyển đến bệnh viện phần lớn không được sơ cứu đúng cách; gây khó khăn trong điều trị và nguy hiểm tính mạng bệnh nhân”.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Thế Cường khuyến cáo: khi xảy ra TNGT thì người dân nên giữ nguyên hiện trường và điện thoại đến cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách. Trong trường hợp không thể liên hệ với cơ sở y tế gần nhất thì với bệnh nhân có dấu hiệu gãy xương cần được cố định bằng cây gỗ, nẹp... dùng băng, vải sạch để băng bó, cầm máu vết thương. Với trường hợp bị chấn thương cột sống cổ do TNGT, việc bế xốc nạn nhân lên trong khi chưa loại trừ chấn thương cổ có thể làm đứt tủy sống. Khi sơ cứu tai nạn, cần chú ý nhất đến phần cổ, cột sống vì đây là nơi tập trung nhiều dây thần kinh. Quá trình bế, vác, vận chuyển có thể khiến nạn nhân bị nặng hơn. Trong trường hợp này cần cố định cổ, cột sống cho nạn nhân. Chuyển bệnh bằng ô tô có lợi thế hơn xe gắn máy là do bệnh nhân được nằm thẳng, giữ thẳng xương cổ, cột sống, tránh chấn thương nặng hơn. Tuy nhiên, tốt nhất là bệnh nhân được sơ cấp cứu bởi các nhân viên y tế.

H.Hoa

Chia sẻ bài viết