25/10/2016 - 14:14

Tái cơ cấu bền vững ngành hàng lúa gạo

Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà khoa học, ngành hàng lúa gạo của Việt Nam kém bền vững khi hiệu quả kinh tế chưa cao, năng lực cạnh tranh suy giảm. Sản xuất lúa gạo đối mặt với các vấn đề về ô nhiễm môi trường, chịu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu làm gia tăng chi phí, giảm lợi nhuận, thu nhập của nông dân trồng lúa còn thấp... Hàng loạt khó khăn thách thức đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải nhanh chóng tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đảm bảo khả năng cạnh tranh, hội nhập.

* Còn nhiều rào cản

Tại hội thảo "Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bày tỏ lo ngại khi năng suất đất nông nghiệp đo bằng giá trị gia tăng trên mỗi héc-ta đất ở Việt Nam cao hơn so với hầu hết các quốc gia cùng trình độ phát triển trong khu vực song năng suất cao chủ yếu nhờ thâm canh cao, sử dụng nhiều lao động, hóa chất, phân bón, nước và các yếu tố đầu vào khác. Tốc độ tăng năng suất đã chậm lại do lợi nhuận từ thâm canh đất đã đạt đến mức giới hạn. "Ngành nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều vướng mắc khi tài nguyên đất và nước đang ngày càng khan hiếm do quá trình đô thị hóa. Công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ cho ngành nông nghiệp còn yếu mặc dù nhà nước đã có chính sách khuyến nông song chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Dân số làm nông nghiệp đang bị già hóa. Sản xuất nông nghiệp phải ứng phó với nhiều thảm họa thiên nhiên hơn do biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường do con người gây ra... Do đó, phải tiến tới một nền nông nghiệp dựa trên hiệu quả và giá trị gia tăng cao hơn, phải có cuộc cải cách sâu rộng trong toàn bộ nền kinh tế để hỗ trợ và thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển"- bà Phạm Chi Lan, nhấn mạnh.

Đánh giá phẩm chất cơm của các giống lúa triển vọng do Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo.

Trong mối liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, ngày càng có nhiều DN bắt đầu chú ý đến việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, DN tham gia bao tiêu còn gặp khó khăn, hạn chế. Ông Nguyễn Văn Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho rằng: Nhiều DN chưa định hình chiến lược sản phẩm rõ ràng, chưa chú ý xây dựng vùng nguyên liệu nên thu mua lúa hàng hóa trôi nổi dẫn đến sản phẩm lúa gạo không đồng nhất, chưa đồng chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nguy hại tồn dư trong sản phẩm còn cao, chưa kiểm soát được quy trình sản xuất, sản xuất chưa gắn với thị trường. Do đó, giá trị lúa gạo chưa cao, sản phẩm chưa có thương hiệu, gây khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhiều DN chủ yếu cung cấp gạo phẩm chất thấp cho các thị trường dễ tính.

Hạ tầng sản xuất thiếu đồng bộ, mối liên kết sản xuất chưa chặt chẽ và bài toán thị trường còn nhiều vướng mắc… là hàng loạt rào cản đối với ngành hàng lúa gạo. Để tháo gỡ những rào cản này, Đề án "Tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030" đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt vào tháng 5-2016. Đề án đưa ra 25 chương trình, dự án ưu tiên thực hiện với tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỉ đồng để triển khai công tác quy hoạch, rà soát quy hoạch hoàn chỉnh hạ tầng đồng ruộng, chuyển đổi đất lúa; tổ chức sản xuất và cơ giới hóa; chế biến và chế biến sâu sản phẩm từ gạo và phụ phẩm từ lúa gạo. Đề án cũng tập trung cho việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Đồng thời, nghiên cứu về các chính sách cho ngành hàng lúa gạo, các vấn đề bảo vệ tài nguyên, cảnh quan, giảm phát thải khí nhà kính…

* Phối hợp đồng bộ

Lúa vẫn là cây trồng chủ lực của vùng ĐBSCL song vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết giữa các thành phần kinh tế trong chuỗi giá trị lúa gạo. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, để hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường lúa gạo thế giới, hạt gạo phải đảm bảo 3 điều kiện: Được người tiêu dùng chấp nhận; nông dân sản xuất chấp nhận; và khâu chế biến đạt hiệu quả. Dựa trên thế mạnh về năng suất lúa cao, giá thành cạnh tranh, Việt Nam nên đầu tư để tạo ra được sự khác biệt về giống, nâng cấp chất lượng gạo theo xu hướng an toàn thực phẩm, có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại giá trị gia tăng cao.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp không chỉ là chuyện của nhà nước mà chính DN mới là nhân tố chính. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, chia sẻ: Trong sản xuất, DN phải làm thế nào tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận, quản lý chất lượng sản phẩm đến nâng cao giá trị sản phẩm. Trung An tham gia tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo rất thuận lợi vì công ty đã đi theo phương thức canh tác, sản xuất theo chuỗi từ nhiều năm trước và đang không ngừng hoàn thiện để phù hợp với chủ trương của Nhà nước về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong quá trình tái cấu trúc, bản thân DN phải thực hiện đồng bộ từ đầu tư hạ tầng, cải thiện hệ thống quản trị nhằm đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị ngành hàng, sản xuất ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh với thế giới.

Thị trường gạo thơm cấp trung của Việt Nam đã khởi động xuất khẩu từ hàng chục năm qua và đã cán mức 1 triệu tấn trong năm 2015 với mức giá trên dưới 500 USD/tấn. Khi thị trường gạo trắng thường đang bão hòa, cần tăng nhanh gạo thơm cấp trung và gạo thơm cấp cao. Ông Hồ Quang Cua, Cố vấn của DNTN Hồ Quang, khuyến nghị: Nhà nước cần xem các hoạt động bảo vệ sở hữu trí tuệ về hạt giống là hoạt động thường xuyên, để nông dân được sử dụng hạt giống đúng chuẩn. Khi tìm được giống có giá trị cao, có triển vọng đạt thương hiệu quốc gia, cần phải có quỹ dự trữ hạt giống bằng hệ thống kho mát từ 5-8oC. Cần tổ chức hội thi "Bình chọn cơm ngon" định kỳ để phát hiện giống có chất lượng xuất sắc; công nhận đặc cách giống đặc thù, giống đoạt giải trong các hội thi cơm ngon. Nhà nước cần ban hành quy định về việc bắt buộc ghi tên giống gạo trên bao bì sản phẩm đối với gạo có nhãn hiệu.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, để tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, Nhà nước cần tập trung vào các nội dung quan trọng như: Tạo môi trường phát triển nông nghiệp theo định hướng thị trường; đổi mới thể chế về đất nông nghiệp; phối hợp hành động để tăng trưởng cho mọi người và định vị lại ngành nông nghiệp Việt Nam. Cần thúc đẩy mối liên kết giữa nông dân và DN bởi đây là "2 nhà" quan trọng trong chuỗi ngành hàng. Nhà nước thực hiện chức năng giám sát cả 2 bên trong việc tuân thủ nghiêm ngặt về hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhà nước cũng cần thay đổi cách thức tổ chức thương mại gạo, chủ động cung cấp thông tin thị trường, cùng DN quản lý rủi ro. Hiện nay đã có các chương trình tái cơ cấu ngành lúa gạo song cần phải khắc phục sự phân tán trong các chương trình hành động của Nhà nước, các bộ ngành liên quan cùng địa phương, huy động sự tham gia tích cực của DN và nông dân để tạo sự thống nhất cao nhằm mang lại hiệu quả đồng bộ.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết