23/05/2014 - 14:23

Tác hại của thuốc lá với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Cán bộ y tế cho bệnh nhân đo hô hấp ký.

Một trong những bệnh phổ biến thường gặp do hút thuốc lá là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (gọi tắt COPD). Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 90% bệnh nhân mắc COPD do nguyên nhân từ hút thuốc lá. Người mắc bệnh COPD dễ dẫn đến nguy cơ tàn phế, tử vong cao nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng.

Chú Phan Công Thường (58 tuổi, ở huyện Cờ Đỏ) cho biết: Bắt đầu hút thuốc lá từ khi 22 tuổi, thông thường là 1gói/ngày, đến khi hiểu biết các tác hại của thuốc lá, chú muốn bỏ thuốc nhưng chưa được. Trong dịp tham dự hội thảo về COPD và bệnh hen tổ chức tại Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, chú có nghe về tác hại của thuốc lá dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến tàn phế, tử vong nên khi có những triệu chứng ho, khạc đàm, chú Thường đến BV để được đo chức năng hô hấp, nếu mắc bệnh sẽ kịp thời điều trị.

Thuốc lá là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra COPD, khoảng 80% - 90% người mắc COPD là nghiện thuốc lá. COPD là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. COPD đặc trưng bởi sự rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn, được khẳng định chẩn đoán dựa vào kết quả đo hô hấp ký. Bệnh tiến triển kéo dài nhiều năm và cuối cùng dẫn đến tâm phế mạn và tử vong. Người hút thuốc có tỷ lệ gây tàn phế và tử vong do COPD cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Không chỉ người hút thuốc lá chủ động mà người hít phải khói thuốc lá do người khác hút cũng có thể tăng nguy cơ COPD. COPD làm suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống bệnh nhân.

COPD thường gặp ở nam giới từ 40 tuổi trở lên và có tiền sử hút thuốc lá hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói, bụi nghề nghiệp, khói bếp than; có tiền sử nhiễm khuẩn hô hấp. Triệu chứng COPD giai đoạn đầu thường mơ hồ, mãn tính, không đặc hiệu như: ho, khạc đàm kéo dài, mệt, khó thở khi gắng sức,… Khi hút thuốc vào, khói thuốc lá kích thích niêm mạc đường thở. Chất acrolein và chất phenols có trong thuốc lá làm tăng tiết chất nhầy và tổn thương tế bào hô hấp. Còn NO và các aldehyte làm cho các lông mao trên niêm mạc đường hô hấp hoạt động suy yếu. Chính những chất trong thuốc lá làm giảm sức đề kháng tại chỗ trong đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ phổi dễ bị nhiễm trùng. Ngoài ra, có những chất làm suy yếu và hư hại các sợi đàn hồi của phế quản và phế nang nên phổi dễ mất tính đàn hồi, dễ bị ứ khí. Các nghiên cứu trên thế giới nhận thấy, người hút thuốc càng trẻ bao nhiêu thì mắc COPD càng sớm.

COPD thường biểu hiện ở tình trạng viêm phế quản mãn tính, kéo dài sẽ diễn biến thành COPD và nặng hơn là bệnh nhân bị suy hô hấp, tâm phế mạn (tức bệnh nhân bị bệnh tim do bệnh phổi gây ra, với biểu hiện sưng, phù ở chi, gan to, tĩnh mạch cổ nổi lên) và cuối cùng dẫn đến tử vong. Do đó, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần được thăm khám sớm để chẩn đoán bệnh COPD ở giai đoạn nào. Trước đây, có quan niệm cho rằng, COPD là bệnh tại chỗ nhưng ngày nay y học kết luận COPD là bệnh toàn thân. Do vậy, trong quá trình chẩn đoán và điều trị, ngoài việc đánh giá chức năng phổi cho bệnh nhân COPD, các bác sĩ còn đánh giá các bệnh đồng mắc kèm theo như: tim mạch, suy dinh dưỡng, thiếu máu hay trầm cảm, vốn là những bệnh lý kèm theo có thể làm nghiêm trọng tình trạng COPD.

Bác sĩ Huỳnh Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ khuyến cáo: Bệnh COPD có thể điều trị, ngăn ngừa bằng cách: Trước hết, bệnh nhân cai thuốc lá, tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Những bệnh nhân COPD thường có diễn tiến tăng dần lên và nặng thêm sau mỗi đợt cấp. Nguyên nhân gây ra đợt cấp chủ yếu do nhiễm virus, vi trùng. Sau mỗi đợt cấp, bệnh nhân mệt và yếu hơn, chức năng phổi xấu hơn. Do đó, bệnh nhân cần chú ý giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, tránh nhiễm lạnh, nhất là vệ sinh răng miệng, thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt để nâng cao sức khỏe thể lực, chích ngừa cúm và phế cầu theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, nên phối hợp với điều trị không dùng thuốc như: tập vật lý trị liệu hô hấp, tập thở chúm môi, tập thở cơ hoành để cơ thể thích nghi dần với môi trường bên ngoài... Các bệnh nhân nên tập hợp thành nhóm COPD để trao đổi những kinh nghiệm về cách sử dụng thuốc, tập thể dục, cai thuốc lá... dưới sự trợ giúp của y bác sĩ. Mặt khác, bệnh nhân COPD khi làm việc gắng sức thường mệt mỏi, nên có tâm lý cảm thấy bị thừa thải, dễ dẫn đến trầm cảm, nên sinh hoạt nhóm làm cho tinh thần bệnh nhân COPD thoải mái hơn.

Hiện nay, tại TP Cần Thơ có 3 đơn vị quản lý và điều trị COPD như: BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, BV Đa khoa TP Cần Thơ và BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Khi bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ mắc COPD nên đến ngay cơ sở y tế đo chức năng hô hấp để chẩn đoán xác định bệnh. Sau đó, các y bác sĩ làm hồ sơ ngoại trú để quản lý và theo dõi diễn tiến bệnh, tái khám định kỳ; đồng thời được tư vấn hiểu rõ bệnh tật bên cạnh việc điều trị đạt kết quả tốt nhất… Điều trị COPD sớm giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, để người bệnh khỏi mặc cảm, sớm hòa nhập cộng đồng.

Bài, ảnh: H. Tiến

Chia sẻ bài viết