08/05/2008 - 09:29

Ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII:

Sửa đổi, bổ sung dự án Luật thuế giá trị gia tăng cần ưu tiên đến nông nghiệp, nông thôn

Ngày 7-5, Quốc hội (QH) thảo luận về các dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật dầu khí.

* Cần có chính sách ưu tiên về thuế đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp

Đó là quan điểm của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH nêu trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế giá trị gia tăng do Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển trình bày. Theo quy định của Dự thảo Luật, sản phẩm nông nghiệp là đối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng; hàng hóa, dịch vụ là yếu tố đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5%. Tuy nhiên, quy định: “Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu” (Khoản 1 Điều 5) là đối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng là không hợp lý, trong khi hàng hóa, dịch vụ là yếu tố đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp lại là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5% (Khoản 2 Điều 9). Quy định này dẫn đến việc nông dân phải mua hàng hóa, dịch vụ đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chịu mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5% nhưng lại không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Điều này làm tăng chi phí sản xuất, giảm thu nhập của nông dân, nhất là trong điều kiện đời sống của đại bộ phận nông dân đang gặp khó khăn. Do đó, cần quy định các sản phẩm nông nghiệp tại Khoản 1 Điều 5 (đang thuộc diện không chịu thuế) và hàng hóa, dịch vụ là yếu tố đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại Khoản 2 Điều 9 (đang thuộc diện chịu thuế 5%) đều thuộc diện không chịu thuế hoặc chịu thuế với mức thuế suất 0%, 5% để các hộ nông dân được hoàn thuế đầu vào do mua các vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất phải chịu thuế giá trị gia tăng.

* Quy định cụ thể trong luật để giảm các văn bản hướng dẫn thi hành

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng nhiều nội dung quy định trong Dự thảo Luật chưa bảo đảm tính cụ thể, như về thuế suất; thời hạn, đối tượng hưởng ưu đãi thuế; điều kiện được trừ các khoản chi phí... Ông Hiển đề nghị cần nghiên cứu để quy định chi tiết hơn bởi yêu cầu đặt ra là phải nâng cao tính cụ thể của các đạo luật, cụ thể hóa tối đa các vấn đề có liên quan, hạn chế mức thấp nhất việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm luật có hiệu lực là thực thi được ngay.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các đại biểu. Ảnh: THỐNG NHẤT - TTXVN. 

Nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc xác định mức thuế suất áp dụng cho doanh nghiệp là thuộc phạm vi quy định của luật và phải được xác định trong luật. Điển hình là việc quy định về thuế suất tại các điều 11,14 và 15 như trong Dự thảo Luật chưa bảo đảm yêu cầu về thẩm quyền nội dung, chưa đáp ứng yêu cầu về tính cụ thể, tính ổn định của hệ thống pháp luật, trong đó có việc xác định mức thuế suất áp dụng cho các đối tượng là thuộc phạm vi quy định của luật. Mà việc xác định các mức thuế suất đều được Dự thảo Luật quy định theo hướng Chính phủ quy định chi tiết. Việc quy định thiếu cụ thể sẽ không đáp ứng được yêu cầu minh bạch, thống nhất trong áp dụng luật, dẫn đến việc hiểu, vận dụng tùy tiện, gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật.

* Quy định rõ về chế độ tài chính đối với nguồn thu từ dầu khí

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, ngành dầu khí Việt Nam là ngành kinh tế lớn, đóng góp đến 25% tổng thu ngân sách nhà nước, đặc biệt trong tình hình giá dầu thô tăng cao như hiện nay. Nhà nước giao Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) ký kết hợp đồng dầu khí với các nhà thầu (hợp đồng liên doanh, hợp đồng chia sản phẩm...). Tuy nhiên, Luật dầu khí cũng như các luật có liên quan chưa quy định rõ về chế độ tài chính đối với nguồn thu từ dầu khí. Ông Hiền cho rằng, sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế, lợi nhuận còn lại từ dầu khí rất lớn, trong đó 50% số lãi này được để lại đầu tư cho ngành dầu khí (Ngoài số chi cho ngành dầu khí bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm thì 50% số lợi nhuận để lại cho ngành dầu khí đầu tư năm 2005 là 5.025 tỉ đồng, năm 2006 là 4.824 tỉ đồng). Luật dầu khí cần quy định rõ nguyên tắc điều tiết lợi nhuận do điều kiện tự nhiên đem lại vào ngân sách nhà nước; phần lợi nhuận do hiệu quả sản xuất, kinh doanh do ngành dầu khí quyết định sử dụng theo quy định của pháp luật. Các luật khác có liên quan như Luật ngân sách nhà nước, Luật thuế tài nguyên cũng cần có quy định cụ thể về vấn đề này.

Chia sẻ bài viết