30/04/2018 - 09:45

Sứ mệnh khó khăn của tân Ngoại trưởng Mỹ 

Kết thúc hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Bỉ, tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 28-4 đã vội vã lên đường sang Trung Đông nhằm củng cố quan hệ giữa Washington với các đồng minh chủ chốt trong khu vực giữa lúc Tổng thống Donald Trump đang tìm kiếm sự ủng hộ nhằm gia tăng  trừng phạt Iran.

Trong chuyến công du thứ hai sau 2 ngày nhậm chức, Ngoại trưởng Pompeo sẽ đến Saudi Arabia, Israel và Jordan. Tại điểm dừng chân đầu tiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ hôm qua có buổi làm việc với người đồng cấp nước chủ nhà Adel Al-Jubeir, tiếp xúc đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ Khalid bin Salman, diện kiến Thái tử Mohammed bin Salman cùng Quốc vương Salman.

Ngoại trưởng Pompeo (trái) và người đồng cấp Saudi Arabia. Ảnh: Reuters

Tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran

Theo giới chức ngoại giao Mỹ, chương trình nghị sự chính giữa ông Pompeo và các lãnh đạo khu vực sẽ xoay quanh Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ðức) năm 2015. Theo thỏa thuận, Tehran hạn chế hoạt động làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Nhưng Tổng thống Trump cho đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất” mà Washington từng thương lượng và đe dọa tái áp đặt chế tài chống Tehran trừ phi các đồng minh châu Âu sửa đổi thỏa thuận trước ngày 12-5.

 Việc sửa đổi này bao gồm các điều khoản như cho phép tăng cường thanh sát cơ sở hạt nhân của Iran và có hành động trừng phạt những động thái của Tehran bị cho “gây bất ổn” trong khu vực. Các điều khoản còn bao gồm kiểm soát chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Cố vấn chính sách cấp cao của Mỹ Brian Hook cho biết Washsington đang làm việc với đồng minh và đối tác về các biện pháp chế tài nhắm vào bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào dính líu chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.

Tuần rồi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến công du Mỹ đã kêu gọi Washington không hủy bỏ JCPOA khi chưa có giải pháp khả thi nào thay thế. Anh, Nga và Trung Quốc cũng có quan điểm tương tự.

Hóa giải mâu thuẫn Vùng Vịnh

Ngoài thỏa thuận hạt nhân Iran, chuyến đi Trung Đông của tân Ngoại trưởng Mỹ còn bao gồm mục tiêu hóa giải căng thẳng giữa các nước Vùng Vịnh và Qatar. Tháng 6-2017, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Bahrain cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này tài trợ khủng bố, thân Iran và thực thi chính sách gây bất ổn trong khu vực. Dẫn nguồn tin quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, New York Times cho biết ông Pompeo đã đề cập với Ngoại trưởng Saudi Arabia al-Jubeir rằng đã đến lúc nên chấm dứt phong tỏa Qatar vì điều này chỉ cản trở khối A-rập hợp tác và có lợi cho Iran khi giúp nước này tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, bao gồm tại Yemen và Syria.

Đối phó Iran, ổn định Iraq và Syria, đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, chấm dứt nội chiến thảm khốc ở Yemen là những thách thức cấp bách mà Washington không thể giải quyết triệt để nếu thiếu phản ứng thống nhất từ khối A-rập. Nhưng cuộc khủng hoảng nhân đạo rộng lớn ở Yemen, nơi Saudi Arabia đang dẫn đầu liên minh quân sự hỗ trợ quân đội chính phủ chống lại phiến quân Houthi, đã trở thành mối quan tâm buộc các nghị sĩ Mỹ cân nhắc hạn chế bán vũ khí cho Riyadh. Tình hình này có khả năng ảnh hưởng những ưu tiên khác của chính quyền ông Trump, chẳng hạn chiến lược tăng doanh thu ngành công nghiệp vũ khí cũng như nỗ lực để Saudi Arabia sắm vai trò tích cực hơn trong vấn đề Syria và đối phó Iran.

Người tiền nhiệm của ông Pompeo là Rex Tillerson từng không thành công trong sứ mệnh tìm tiếng nói chung cho khối A-rập. 

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết