10/01/2012 - 09:53

Sự lạm dụng “cảnh nóng” của màn ảnh Hoa ngữ

Phim truyền hình “Khuynh thế hoàng phi” tràn ngập những cảnh thân mật.

Giới phê bình đánh giá 2011 là năm màn ảnh Hoa ngữ “ngập ngụa” trong cảnh nóng. Những cảnh nhạy cảm xuất hiện tràn lan từ màn ảnh lớn đến truyền hình, trong phim lịch sử, trinh thám, kinh dị, tình cảm lãng mạn đến cả phim hài. Nhưng hầu hết đều bị chỉ trích gay gắt...

Cách đây vài năm thôi, dư luận xôn xao vì một hai phân cảnh táo bạo trong phim Hoa ngữ trong “Anh hùng” và “Hoàng Kim Giáp” của Trương Nghệ Mưu, “Vô cực” của Trần Khải Ca hay “Đại chiến Xích Bích” của Ngô Vũ Sâm... Nay “cảnh nóng” đã là như một phần không thể thiếu trong hầu hết phim nói tiếng Hoa và 2011 được xem là năm “đỉnh” của trào lưu không mấy được hoan nghênh này.

Đầu tiên phải kể đến những phim truyền hình cổ trang đình đám năm qua như “Khuynh thế hoàng phi”, “Tân Hồng Lâu Mộng”, “Tân Hoàn Châu cách cách”, “Bộ bộ kinh tâm”, “Cung 2”... đã thực hiện những cảnh phòng the vô cùng táo bạo và lặp đi lặp lại từ đầu đến cuối phim. Những cảnh này còn “được” các đài truyền hình cắt gọt thành những phân cảnh quan trọng để quảng cáo. Một hãng truyền thông Trung Quốc thống kê trung bình một ngày trên những đài truyền hình lớn như Hồ Nam, CVTV... có đến 40 trường đoạn nhạy cảm trong các phim trên được phát sóng, làm màn ảnh nhỏ “sôi sục”. Tuy nhiên những phim trên chỉ có tỷ suất bạn xem đài cao lúc đầu, về sau lại “đuối” vì khán giả cảm thấy những phân cảnh “nóng” không thực sự đắt, hoặc dẫn dắt đẩy mạch phim đến cao trào mà người xem càng thấy những nhân vật trong phim dễ dãi, lố bịch và nhàm chán.

Năm 2011 nhiều người đã phê phán phim điện ảnh Hoa ngữ có cảnh nóng tùy tiện và “thô thiển hơn cả phim cấp 3 của Hồng Công những năm 1990” (theo tạp chí Next Weekly). Năm qua đề tài đời sống giới trẻ thành thị được khai thác khá nhiều và đó là cái cơ thuận tiện nhất để các nhà làm phim tha hồ “thả” những cảnh giường chiếu tự nhiên đến mức ai xem cũng phải đỏ mặt vào phim, điển hình như “Sex and Zen”, “Life is Micrale”, “To Love or Not”, “A Big Deal”, “Love on Credit”, “Mariage with a Liar”... Cảnh nóng cũng xuất hiện trong phim hành động kinh dị “The Underdog Knight 2”, đan cài trong phim thần thoại “Họa Bì 2”, trong phim lịch sử “Cách mạng Tân Hợi” hay “Kim lăng Thập Tam Hoa”... Chỉ có một số cảnh trong “Kim Lăng Thập Tam Hoa” được người xem lẫn giới phê bình đánh giá là nghệ thuật và xác đáng. Còn lại, đều chỉ là “cảnh nóng” vô duyên, gượng ép, thiếu thuyết phục và dung tục.

Nếu như trước đây các diễn viên còn có thể sử dụng người đóng thế bởi cách khai thác “cảnh nóng” còn mang tính ước lệ, nay thì dường như các diễn viên không còn ngần ngại khi thực hiện những “cảnh nóng” bởi hầu hết đều được tả thực, cận cảnh khiến hình ảnh của họ không còn nguyên vẹn trong lòng công chúng.

Các nhà phê bình điện ảnh cho rằng phim càng “nóng” thì nội dung càng hời hợt và những cảnh phòng the không giúp khán giả cảm nhận được tính chất “khắc cốt ghi tâm” trong tình yêu của các nhân vật, mà chỉ thấy sự chiếm hữu, xuống cấp về đạo đức. Dường như “chiêu” dùng cảnh nóng để câu khách cũng không cứu được doanh thu phòng vé của màn ảnh Hoa ngữ năm qua bởi ế ẩm.

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết