04/10/2020 - 17:58

Sự khắc nghiệt của ngành giải trí Nhật Bản 

Sau cái chết của nữ minh tinh Yuko Takeuchi (40 tuổi) cũng như của 3 diễn viên khác chỉ trong vòng 5 tháng qua, Hiệp hội Quyền người nổi tiếng Nhật Bản vừa lên tiếng kêu gọi chính phủ triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giới nghệ sĩ.

 Yuko Takeuchi lúc sinh thời. Ảnh: Getty Images

 Yuko Takeuchi lúc sinh thời. Ảnh: Getty Images

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong (SCMP), Takeuchi được đưa vào một bệnh viện ở thủ đô Tokyo hôm 27-9 và được xác nhận tử vong tại đây. Giới chức xem cái chết của cô là do tự sát dù không tìm thấy bất kỳ di chúc hay thư tuyệt mệnh nào.

Takeuchi lần đầu đóng phim truyền hình vào năm 1996 và nhanh chóng nhận được vai diễn trong nhiều bộ phim truyền hình và điện ảnh. Cô giành được giải Viện Hàn lâm Nhật Bản dành cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong 3 năm liên tiếp từ năm 2003. Năm 2018, danh tiếng của Takeuchi được vang xa khi cô đảm nhận vai chính trong phim Miss Sherlock. Ðáng chú ý, nữ diễn viên này vừa mới sinh con thứ hai hồi tháng 1.

Cái chết của Takeuchi xảy ra chỉ vài tuần sau khi nữ viễn viên Sei Ashina (36 tuổi) chết do tự tử, trong khi nam tài tử Haruma Miura (30 tuổi) tự kết liễu đời mình hồi tháng 7.

Trong tuyên bố, Hiệp hội Quyền người nổi tiếng Nhật Bản khẳng định, “môi trường làm việc căng thẳng cao độ” của ngành giải trí nước này là một trong những yếu tố góp phần tạo nên số vụ diễn viên tự tử đáng báo động. Kaori Shoji, nhà phê bình phim của tờ The Japan Times, cho biết nghệ sĩ giải trí ở nước này thường có vị trí bấp bênh dù họ nổi tiếng. “Vấn đề ở đây là không có công đoàn nào giống như Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh ở Mỹ đứng ra bảo vệ hoặc hỗ trợ diễn viên. Chính điều này đã khiến ngành công nghiệp giải trí trở nên quá tàn bạo” - bà Shoji cho hay.

Theo bà Shoji, nghệ sĩ làm việc tại các công ty giải trí có ít quyền và mức lương tương đối thấp. Ðặc biệt, nếu mếch lòng với công ty chủ quản thì đó được xem là dấu chấm hết cho sự nghiệp của một nghệ sĩ khi mà nhiều công ty giải trí được cho có quan hệ mờ ám với các băng đảng tội phạm ở Nhật Bản. Không những vậy, các nghệ sĩ lại phải hoạt động nghệ thuật dựa trên các quy luật và “quy tắc” lỗi thời có cách đây 100 năm.

Và trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến thu nhập giảm trong khi cơ hội đóng phim ít, các nữ diễn viên phải đối mặt với áp lực gia tăng bởi họ có tuổi nghề ngắn hơn nhiều so với đồng nghiệp nam. “Các nữ diễn viên thường khó nhận vai diễn sau khi bước sang tuổi 30. Takeuchi đã làm rất tốt khi vẫn làm việc ở tuổi 40 nhưng có khả năng cô ấy đã đứng trên bờ vực tuyệt vọng” - Shoji nói về cái chết của Takeuchi. Theo Vicki Skorji, Giám đốc dịch vụ tư vấn TELL Lifeline có trụ sở tại Tokyo, Takeuchi bị mất việc làm, thu nhập giảm, nợ lại tăng trong khi tương lai không chắc chắn.

Thật ra, cái chết của Takeuchi chỉ là một trong số hàng ngàn ca tự tử thời gian gần đây tại Nhật Bản. Theo số liệu của chính phủ, chỉ trong tháng 8, có tới 1.900 vụ tự tử được ghi nhận ở xứ Mặt trời mọc, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh đó, một số chính quyền địa phương tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn. Kể từ tháng 9, chính quyền thành phố Machida cho ra mắt hệ thống cảnh báo, theo đó mỗi khi ai đó trong thành phố tìm kiếm các cụm từ như “Tôi muốn chết, Tôi muốn biến mất khỏi thế gian này hoặc Tôi cô đơn quá” trên Google, một cửa sổ bật lên chứa số điện thoại đường dây trợ giúp cùng với nhiều lời khuyên xuất hiện trên màn hình. Ngoài ra, Machida còn có kế hoạch thiết lập hệ thống tư vấn nhằm hỗ trợ cho những người cảm thấy đang trải qua giai đoạn khó khăn của cuộc đời.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết