02/05/2016 - 15:10

Sử dụng mùn cưa trồng nấm bào ngư cho hiệu quả kinh tế cao

(CT)- Đó là mô hình trồng nấm bào ngư tại hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thúy, ngụ tổ 14, khu vực Thới Thuận, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Thu hoạch nấm bào ngư tại Trại Nấm Út Hậu.

Nấm bào ngư được trồng bằng cách sử dụng mùn cưa cho vô bịch ni-long với quy cách khoảng 1,2kg/bịch rồi thực hiện các khâu xử lý thanh trùng trước khi cấy meo, sau đó đem chất hoặc treo vô trại nuôi dưỡng khoảng 2 tháng là có nấm thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 4 tháng. Trại nấm thường được làm bằng các vật liệu gỗ sẵn có, mái lợp lá, nền đất và xung quanh cần có lưới bao phủ để tạo nhiệt độ lý tưởng khoảng 25-28oC và ẩm độ 75 - 85%.

Với mỗi trại nấm có diện tích 6 x 12m sử dụng để nuôi trồng khoảng 5.000 bịch phôi nấm bào ngư, gia đình chị Nguyễn Thị Thúy có thể thu hoạch 1,5-2 tấn nấm. Bán sỉ nấm cho các đầu mối thu mua với giá khoảng 30.000-35.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, mỗi vụ trồng nấm kéo dài trong 6 tháng, gia đình có thể thu được lợi nhuận trên 16 triệu đồng/trại nấm. Sau 5 năm phát triển trồng nấm bào ngư, đến nay gia đình chị Thúy xây cất được 5 trại nấm và thu hoạch bình quân 50 kg nấm/ngày. Ngoài việc trực tiếp trồng nấm, gia đình chị còn sản xuất, cung cấp phôi giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho nhiều bà con nông dân tại địa phương và các tỉnh lân cận như: Vĩnh Long, Kiên Giang…và thu mua nấm thành phẩm cho bà con nếu bà con chưa tìm được nơi tiêu thụ. Qua các hoạt động sản xuất phôi giống, nuôi trồng nấm và tiêu thụ sản phẩm, hiện Trại Nấm Út Hậu của gia đình chị Thúy còn thường xuyên tạo việc làm cho khoảng 5-7 lao động tại địa phương, với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Trại Nấm Út Hậu đang xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm và nỗ lực áp dụng sản xuất theo các quy trình an toàn để được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết