14/12/2017 - 20:49

Sử dụng mạng xã hội để giáo dục, định hướng 

Theo kết quả nghiên cứu được công bố năm 2017, Việt Nam có 38 triệu người sử dụng mạng xã hội nói chung và facebook nói riêng. Độ tuổi từ 18-34 sử dụng mạng xã hội, internet chiếm 3/4 tổng số người dùng. Điều này chứng tỏ giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên (HS, SV) sử dụng mạng xã hội rất phổ biến. Và trong “thế giới phẳng” này, các bạn trẻ rất cần được giáo dục định hướng tư tưởng để tham gia mạng xã hội và truy cập internet lành mạnh, hiệu quả.

Thạc sĩ Lâm Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác SV, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cho biết, việc sử dụng mạng xã hội trong tương tác với sinh viên giúp thông tin truyền tải nhanh chóng, thông suốt hơn. Việc chia sẻ nội dung học thuật, cách huy động và tập hợp sinh viên cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt, suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của SV được thầy cô giáo, nhà trường nắm bắt để nhận định, đánh giá và có hướng xử lý kịp thời. Mặt khác, có thể huy động SV tham gia các hoạt động thiện nguyện nhanh và hiệu quả hơn”.

Có kỹ năng khai thác thông tin trên internet và mạng xã hội sẽ giúp các bạn trẻ nâng cao kiến thức, học tập, công tác tốt. 

 

Bên cạnh truy cập các website, SV còn sử dụng mạng xã hội: Facebook, Instagram, Zalo, Viber... trong học tập, công việc, kết nối, giao lưu... Bạn Nguyễn Thanh Bảo Ngọc, sinh viên ngành Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: “Qua những thông tin trên mạng và mạng xã hội giúp tôi tiếp cận nhiều kiến thức liên quan việc học hành, thi cử. Những kiến thức, kỹ năng chia sẻ trên các trang mạng giúp tôi học hỏi văn hóa ứng xử với những điều hay, tốt ở giảng đường hay cuộc sống thường nhật".

Một ưu điểm nổi bật khác, nhờ internet, đông đảo đoàn viên, thanh niên, SV tham gia hoạt động tuyên truyền trực tuyến trên mạng lồng ghép việc giáo dục chính trị, tư tưởng, như: tham gia Hội thi Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hội thi “Sáng mãi tên người”… tại các trường học. Qua đó, hướng đoàn viên, thanh niên tiếp cận lối sống đẹp, cư xử chuẩn mực trong đời sống.

Tuy nhiên, việc sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông qua internet cũng có những nhược điểm nhất định. Trong môi trường mạng với vô vàn thông tin, không loại trừ việc SV sẽ tiếp cận thông tin từ những đối tượng xấu; những kẻ lợi dụng mạng xã hội…để tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc đi ngược lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các đối tượng còn lợi dụng thế giới mạng vì mục đích không đúng đắn mà ngụy tạo, làm nhiễu loạn thông tin nhằm bôi nhọ, vu khống để xúc phạm nhân phẩm người khác. Với những sinh viên còn hạn chế về nhận thức, kiến thức và bản lĩnh, không dễ phân biệt thông tin thật - giả, tốt - xấu, dẫn đến biểu hiện hoang mang, suy nghĩ cực đoan, phiếm diện, hành động, phát ngôn hàm hồ, ảnh hưởng trực tiếp kết quả học tập, rèn luyện… Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lợi dụng tuyển dụng SV tham gia bán hàng đa cấp. Những tổ chức phản động hoặc phạm pháp có thể khai thác và sử dụng một số SV, thanh niên thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật, đi ngược với thuần phong, mỹ tục dân tộc.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Thị Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Từ những vấn đề trên, những năm qua, Phòng Công tác SV Trường Đại học Cần Thơ, chủ trì, định hướng tư tưởng, chính trị cho SV trên các kênh thông tin qua website, facebook. Cụ thể tổ chức chuyên đề hỗ trợ nâng cao năng lực thông tin, sử dụng mạng xã hội cho SV trong các tuần sinh hoạt Công dân - SV và thường kỳ. Cùng với các giảng viên cố vấn, Đoàn trường, Hội SV cũng trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, uốn nắn và định hướng tư tưởng sinh viên. Đảng ủy viên phụ trách thanh niên, lãnh đạo Phòng Công tác SV, lãnh đạo các khoa, các giảng viên cố vấn và Ban thường vụ Đoàn trường, Ban Thư ký Hội SV trường cũng thường xuyên thông tin, phối hợp truyền tải những chủ trương, ý kiến của Đảng ủy - Ban Giám hiệu, các đơn vị chức năng và Đoàn trường, Hội SV bằng kênh trực tuyến như facebook, zalo, website...”.

Cùng với những giải pháp của nhà trường, mỗi HS, SV cần chủ động trang bị những kiến thức, kỹ năng để không bị tác động bởi những thông tin sai lệch. Gia đình cần quan tâm, giáo dục con em có nếp nghĩ, nếp sống tích cực, lành mạnh. Qua đó, giúp các bạn trẻ phát huy hiệu quả sử dụng interner và mạng xã hội.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết