26/10/2013 - 09:12

KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển

* Nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 25-10, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.

Tán thành với đánh giá thực hiện ngân sách năm 2013 của Chính phủ, các đại biểu cho rằng báo cáo đã nhìn nhận thẳng thắn hơn so với những năm trước. Dù Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều tồn tại, hạn chế như chi hành chính rất lớn, năm sau tăng so với năm trước, chi đầu tư phát triển dàn trải, thậm chí lãng phí, kỷ cương, kỷ luật trong tài chính ngân sách có địa phương, có nơi, có ngành chưa nghiêm, bị buông lỏng; chưa tăng cường công tác kiểm tra truy thu thuế.

Nhìn nhận chi hành chính chiếm quá lớn, các đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Bùi Thị An và Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đề nghị phân bổ ngân sách năm 2014 theo hướng thắt chặt các lĩnh vực, kể cả các dự án chương trình mục tiêu, dự án trái phiếu Chính phủ, đặc biệt là cắt giảm chi cho hành chính ở mức tối đa. Điều đó phù hợp với quan điểm của Đảng là từ nay đến hết năm 2016 là không tuyển dụng biên chế mới - đại biểu Nguyễn Đình Quyền chỉ rõ. Đặt câu hỏi chi cho ai, chi cho hành chính tăng bao nhiêu so với năm trước, hô hào quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm chống lãng phí nhưng vẫn vi phạm, xe công vẫn được mua mới trong khi nhu cầu thực sự chỉ chiếm 1/3, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị Chính phủ báo cáo số liệu cụ thể, có chế tài xử lý cụ thể và nghiên cứu thực hiện khoán chi, mạnh dạn khoán tất cả vào lương để phân định trách nhiệm rõ hơn.

Về phát hành trái phiếu chính phủ bổ sung, đa số các đại biểu thống nhất với mức 170 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cho rằng, Chính phủ cần làm rõ căn cứ đưa ra mức phát hành trái phiếu Chính phủ này. Cùng với phát hành trái phiếu Chính phủ, cần chú ý đến xây dựng thể chế chính sách chặt chẽ; củng cố năng lực bộ máy, chú ý đến con người, sử dụng nguồn lực có chất lượng cao; đầu tư khoa học công nghệ cao…

Các đại biểu đề nghị đẩy nhanh việc ban hành Luật đầu tư công và cần có nghị quyết của Quốc hội về các hoạt động đầu tư công ra ngoài nước.

w Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 25-10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy.

Đa số các đại biểu thể hiện sự tán thành đối với quy định chủ hộ gia đình có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; thường xuyên kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy để có biện pháp khắc phục kịp thời; phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất dễ gây cháy, nổ...

Đối với quy định về phòng cháy, chữa cháy trong các khu nhà ở cao tầng, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) thể hiện sự băn khoăn về hệ thống báo cháy, chữa cháy và hệ thống ga nguyên liệu cung cấp cho các gia đình. Đại biểu nhấn mạnh: Dự án luật cần có quy định chặt chẽ về hệ thống báo cháy theo tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với công trình, phải được kiểm định trước khi lắp đặt. Đồng thời, đối với các thiết bị báo cháy nên khuyến khích trang bị hệ thống báo cháy tại chỗ như hệ thống phun nước tự động, cung cấp oxy... để giảm thiểu thiệt hại về người. Bên cạnh đó, ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu thêm các giải pháp phòng cháy chữa cháy như kinh nghiệm của các nước tiên tiến để học tập, ứng dụng cho phù hợp với Việt Nam...

Chia sẻ bài viết