26/03/2019 - 12:28

Sự đổi mới của phim truyền hình Việt hóa 

Khoảng 2 năm nay, màn ảnh nhỏ nở rộ phim truyền hình Việt hóa, lan tỏa mạnh trên các diễn đàn xã hội và nhận được sự quan tâm của khán giả. Phim truyền hình Việt hóa không phải là xu hướng mới, nhưng đã có sự sàng lọc khắt khe hơn từ các nhà làm phim lẫn thị hiếu của khán giả.

Mặc dù “Mối tình đầu của tôi” đang gây nhiều tranh cãi nhưng vẫn có sức hút với nhiều người xem.

Mặc dù “Mối tình đầu của tôi” đang gây nhiều tranh cãi nhưng vẫn có sức hút với nhiều người xem.

Việc mua kịch bản ăn khách của xứ người về làm lại là chuyện không mới trong lĩnh vực truyền hình ở Việt Nam, cũng như nhiều nước trên thế giới. Điều quan trọng của xu hướng này là phải giữ được tinh thần bản gốc trong khi vẫn thể hiện bản sắc văn hóa bản xứ. Cách đây hơn 10 năm, Việt Nam cũng từng có giai đoạn bùng nổ phim truyền hình Việt hóa, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Những bài học kinh nghiệm đó và sự đòi hỏi khắt khe từ thị trường buộc phim truyền hình Việt hóa phải thay đổi với chất lượng ngày càng cao.

Trong vòng hơn 2 năm gần đây, hàng loạt kịch bản ngoại của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel, Columbia… được Việt hóa thành công: “Người phán xử”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Mẹ ơi, bố đâu rồi?”, “Ngày ấy mình đã yêu”, “Gia đình là số 1”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Cả một đời ân oán”, “Ngôi sao khoai tây”, “Mối tình đầu của tôi”… Sự thành công này đến từ việc đổi mới từ khâu chọn kịch bản, diễn viên, bối cảnh, khung hình, âm nhạc. Trong đó chuyển biến mạnh mẽ nhất là cách xử lý kịch bản với cách dẫn dắt kịch tính. Không ít tác phẩm Việt hóa vẫn giữ được tinh thần của bản gốc, lại có những sửa đổi phù hợp với cuộc sống và văn hóa của người Việt - điều mà trước đây các phim Việt hóa thường bị gượng ép. “Người phán xử” đã thay đổi đến 50% câu chuyện, đan xen vào đó là lối sống, cách ứng xử đậm chất Việt. Hay “Gạo nếp gạo tẻ” phản ánh thực tế và sắc nét đời sống của gia đình Việt đương đại, là phim Việt duy nhất nằm trong Tab Trending (tập hợp những video đang được quan tâm nhiều nhất) của YouTube Việt Nam, với trung bình 5 triệu lượt xem/tập, đoạt Giải Vàng thể loại phim truyền hình tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2018.

Lựa chọn diễn viên cũng là bước đột phá để phim Việt hóa thành công. Nếu “Gạo nếp gạo tẻ” có dàn diễn viên cứng tay như NSND Hồng Vân, Lê Phương, Hoàng Anh, Trung Dũng, Thúy Ngân…; thì “Ngày ấy mình đã yêu” có dàn diễn trẻ bắt mắt, thực lực: Nhan Phúc Vinh, Lương Thế Thành, Bảo Thanh, Nhã Phương, Chí Thiện. “Mối tình đầu của tôi” - tác phẩm đang gây chú ý trên VTV3 cũng sở hữu dàn diễn viên có sức hút: Ninh Dương Lan Ngọc, Chi Pu, Bình An, B Trần…

Với phim truyền hình Việt hóa hiện nay, hình ảnh rất được chăm chút đầu tư. Những thước phim lung linh, lãng mạn trong “Cả một đời ân oán”, “Ngày ấy mình đã yêu”, “Mối tình đầu của tôi”… khiến người xem hài lòng. Hiện nay, phim truyền hình Việt hóa vẫn không ngừng đổi mới, như tạo câu chuyện với những nút thắt kịch tính hơn và rút ngắn thời gian, như “Mối tình đầu của tôi” chỉ khoảng 20 phút/tập, thay vì 45 phút/tập như trước kia.

BẢO LAM

Chia sẻ bài viết