11/12/2019 - 10:29

ST25 sôi động thị trường gạo Việt 

Sau khi gạo ST25 đạt giải nhất cuộc thi gạo ngon thế giới năm 2019 (World’s Best Rice 2019) tại Philippines, cơn sốt gạo ngon cùng với nạn gạo giả ST25 làm sôi động thêm thị trường gạo nội địa và xuất khẩu.

Anh hùng Lao động - Kỹ sư Hồ Quang Cua, người đứng đầu nhóm tác giả bộ giống lúa thơm ST, nói: Cơn sốt tìm mua gạo ST25 có thể do một số người có tính hiếu kỳ. Nhưng có lẽ nguyên do chính từ hiệu ứng tên tuổi gạo ngon nhất thế giới tạo nên tiếng vang và sức hút tiêu dùng.

Kỹ sư Hồ Quang Cua và sản phẩm gạo ngon nhất thế giới ST25.

Doanh nghiệp Hồ Quang Trí do Kỹ sư Hồ Quang Cua làm cố vấn, duy nhất sản xuất ra gạo ST24 và bán qua hệ thống mạng lưới đại lý trên thị trường gạo lẻ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đến các tỉnh ĐBSCL. Gạo ST24 vừa nổi tiếng đạt giải Top 3 gạo ngon thế giới trong cuộc thi World’s Best Rice tại Macao (Trung Quốc) và là giải gạo ngon nhất Việt Nam. Sau đó giống lúa ST24 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận đặc cách và chính thức (theo Quyết định số 880/QĐ-BNN-TT ngày 18-3-2019) là giống lúa mới thuộc bộ giống quốc gia. Lúa ST24 được mở rộng vùng sản xuất ở ĐBSCL và số lượng gạo ST24 có mặt trên thị trường ngày càng nhiều. Tiếp đến sự kiện ngày 4-11-2019 tại cuộc thi gạo ngon Việt Nam lần đầu tiên do Hiệp hội Thực phẩm Việt Nam (VFA) tổ chức, gạo ST24 đạt giải nhất.

Theo Kỹ sư Hồ Quang Cua, ở vùng trồng lúa - tôm huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, đang trồng giống lúa ST25 nhưng số lượng chưa nhiều, gạo ST25 bán ra chủ yếu nhằm thăm dò thị trường và tiếp nhận ý kiến phản hồi. Còn gạo ngon ST đang bán với số lượng nhiều nhất vẫn là ST24. Trong thời gian tới giống lúa ST25 còn phải làm thủ tục trình Bộ NN&PTNT để đủ điều kiện sản xuất và bán gạo thương phẩm rộng rãi trên thị trường. Hiện tại người tiêu dùng có thể mua gạo ST24 đang có bán nhiều trên thị trường và tính chất không khác ST25 bao nhiêu. Nếu như ST24 có dạng hình hạt gạo trong, cơm thơm, để bình thường mấy ngày không bị thiu. Còn ST25 thì hạt gạo trong hơn, cơm dẻo và thơm nhẹ hơn.

Theo Doanh nghiệp Hồ Quang Trí, trên hệ thống các đại lý phân phối gạo ST bán gạo ST25 chỉ tăng thêm 1.000 đồng/kg để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất theo đúng yêu cầu diện tích khu vực hóa. Tại điểm phân phối gạo ST sỉ và lẻ chính thức là Công ty TNHH MIQUAFOOD (số 12 Rạch Bùng Binh, phường 10, quận 3, TP Hồ Chí Minh), gạo ST25 đóng túi bán lẻ 135.000 đồng/túi (5kg) và gạo ST24 bán 130.000 đồng/túi. Tính ra giá bán 26.000-27.000 đồng/kg. 

 Năm 2020, tỉnh Sóc Trăng sẽ tổ chức và bố trí lịch thời vụ sản xuất phù hợp. Đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch triển khai vùng sản xuất lúa ST, nhất là vùng sản xuất lúa hàng hóa giống lúa ST25. Trước mắt có kế hoạch sản xuất ở các huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, thị xã Ngã Năm với diện tích gieo trồng khoảng 100.000ha.

Trong chuyến công tác mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn công tác với các cơ quan chuyên ngành thuộc bộ, đi thăm đồng vụ đông xuân 2019-2020 tại các địa phương tỉnh Sóc Trăng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trao tặng bằng khen cho Anh hùng Lao động - Kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm tác giả nghiên cứu sản xuất giống lúa ST25 và đặc biệt lưu ý đến vùng sản xuất lúa - tôm đạt hiệu quả ổn định gần 20.000ha ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Nơi đây là điểm sáng giữ được môi trường sinh thái trong lành, một mô hình sản xuất tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng duy trì suốt 20 năm qua.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay ở 7 tỉnh ven biển vùng ĐBSCL có khả năng phát triển vùng trồng lúa thơm ổn định đến 150.000ha. Trong việc bảo hộ danh tiếng giống lúa thơm, gạo ngon đặc sản ST cần có giải pháp thực hiện đồng bộ, từ quy trình sản xuất lúa trên đồng đến bảo vệ chất lượng để hướng tới xây dựng thương hiệu gạo ngon đặc sản. Bộ NN&PTNT cho biết sẽ sớm xem xét thủ tục công nhận đặc cách giống lúa ST25 là giống lúa chính thức vào bộ giống lúa quốc gia. 

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết