07/03/2010 - 10:46

Sóc Trăng: Lúa chín rực đồng vẫn chưa thu hoạch vì giá công cắt lúa tăng cao

* KIÊN GIANG: Gần 5.000ha lúa đông xuân mất trắng, vì hạn hán và mặn xâm nhập

Sóc Trăng đã thu hoạch được 110.000/139.000 ha lúa đông xuân. Do đang vào thời điểm thu hoạch rộ nên nhân công thu hoạch lúa thiếu trầm trọng đã đẩy giá công thu hoạch lúa tăng mạnh. Nhiều cánh đồng lúa ở Thạnh Trị, Mỹ Tú đã chín rực đồng nhưng vẫn chưa kịp thu hoạch. Một nông dân ở xã Phú Mỹ huyện Mỹ Tú cho biết: Giá công bao trọn gói thu hoạch lúa (từ cắt, gom, suốt và vận chuyển ra đường chính hoặc cặp kênh mương cho chủ ruộng) ở mức từ 280-320 ngàn đồng/công (0,1 ha), cao hơn từ 50-80 ngàn đồng/công so với những vụ lúa trước đây. Giá cao kỷ lục nhưng kiếm được người cắt lúa cũng rất khó. Nhân công thiếu là do sau Tết, nhiều người đã lên thành phố làm ăn hoặc xin vào các công ty xí nghiệp ở các khu công nghiệp trong tỉnh và tỉnh khác để làm việc.

Trong khi giá công cắt lúa được đẩy lên cao thì giá lúa bán của nông dân lại giảm mạnh. Từ sau Tết, giá lúa đã giảm mạnh, hiện giá lúa thu hoạch tại ruộng được thương lái mua ở mức từ 3.900 đồng đến 4.200 đồng/kg, giảm từ 800 đến 1.100 đồng/kg so với thời điểm trước Tết nhưng vẫn khó bán. Nhiều hộ dân ở Sóc Trăng đã đối phó với giá lúa thấp bằng cách trữ lại lúa khô để chờ giá tăng trở lại do có tin Chính phủ chỉ đạo sẽ mua lúa trong dân để bình ổn giá lúa đang giảm, tăng thu nhập và lợi nhuận cho người trồng lúa...

Việc cơ giới hóa khâu thu hoạch ở Sóc Trăng hiện vẫn còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng dưới 15% diện tích lúa hàng năm.

* Vụ đông xuân 2009-2010, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang gieo cấy gần 20.000ha và đây là vụ lúa có diện tích khá cao so với nhiều vụ đã qua, bởi một số vụ đông xuân gần đây luôn trúng mùa, trúng giá đã kích thích nông dân đầu tư trồng lúa. Tuy nhiên, đây cũng là vụ đông xuân người nông dân chịu nhiều tổn thất nhất do mất mùa vì hạn hán và nước mặn xâm nhập trên diện rộng. Cho đến nay, An Biên đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, trong đó có 4.800ha bị mất trắng, số diện tích còn lại thì năng suất đạt rất thấp. Thiệt hại nặng nhất là xã Đông Yên, trong 4.431ha lúa được gieo trồng đã có 1.631 ha bị mất trắng, kế đến là thị trấn Thứ Ba, tuy diện tích chỉ 1.130 ha nhưng đã có gần 50% diện tích lúa bị mất trắng. Theo tính toán của nông dân, chi phí sản xuất một ha lúa đông xuân trong mùa này tiêu tốn khoảng 16 triệu đồng và như vậy chỉ riêng gần 5.000ha lúa bị mất trắng thì một bộ phận khá lớn nông dân của huyện này bị tổn thất trên 75 tỉ đồng. Đó là chưa tính đến khoảng công lao động trực tiếp của nông dân bỏ ra khi chăm sóc ruộng lúa của mình. Do thất mùa, hiện nay đã có hàng trăm hộ nông dân ở đây đã lâm vào cảnh nợ nần, chủ yếu là nợ vay của ngân hàng và nợ trả chậm mua vật tư, phân bón phục vụ sản xuất.

Theo Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện An Biên, vụ lúa đông xuân năm nay, nông dân đồng loạt xuống giống vào đầu tháng 11 (nhằm tháng 10 âm lịch). Ngay trong tháng đầu sau khi xuống giống lúa phát triển khá tốt nhờ nguồn nước tưới còn đảm bảo, nhưng do mùa mưa dứt sớm, nắng hạn kéo dài, cộng thêm nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng trong toàn khu vực, hầu hết diện tích lúa đông xuân của An Biên bị cắt nguồn nước tưới, ruộng bị khô hạn kéo dài và dẫn đến mất mùa trên phần lớn diện tích.

TRUNG HIẾU - HOÀNG VÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết