13/09/2021 - 09:09

Số hóa dữ liệu cầu - cung, tại sao không? 

Dự kiến mỗi ngày, nhu cầu trung bình của TP Hồ Chí Minh khoảng 10.964 tấn lương thực - thực phẩm các loại; mỗi tuần cần khoảng 76.747 tấn; trong 15 ngày tới cần khoảng 164.460 tấn hàng hóa các loại. Có thể xem đây là dữ liệu để nối lại chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy?

Chương trình hỗ trợ tuyến trước “ Vòng tay Việt” đã kết nối doanh nghiệp và nông trại có nguồn cung minh bạch.

Ðốm lửa nhỏ

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương, cho biết: TP Hồ Chí Minh vẫn gặp khó khăn về việc thu mua hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mặc dù có danh sách cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, hầu hết nguồn cung không phù hợp, không sát thực tế, có đơn vị năng lực cung ứng hàng chục ngàn tấn nhưng khi liên hệ cung cấp chỉ được rất ít.

Thực ra khi nói mỗi ngày thành phố cần gạo là 1.981 tấn, lương thực chế biến (mì, bún, phở…) khoảng 660 tấn, thịt gia súc 755 tấn, thịt gia cầm 660 tấn, thực phẩm chế biến 236 tấn, trứng gia cầm 108 tấn (2,1 triệu quả), rau củ quả 4.246 tấn, đường 236 tấn, sữa 1.742 tấn (1,7 triệu lít), dầu ăn 189 tấn, muối 47 tấn, nước chấm 104 tấn (79.865 lít) và khoảng 19 triệu lít nước uống/ngày... thì vẫn còn quá nhiều việc để biến những con số thành thực tại nhiều cảm xúc trong những bữa ăn trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Hỏi các địa phương, nhiều nơi còn chưa biết đâu là nguồn cung có độ xác tín cao hỗ trợ hoạt động từ thiện và xúc tiến hữu hiệu. Với những câu hỏi rất đơn giản: Ai mua? Ở đâu? Giá nào? Ai bán? Chất lượng? Năng lực cung cấp, giao nhận và làm gì để đừng gãy đổ hợp đồng giữa chừng?… luôn là sự thách thức tính chân thực.

Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang phối hợp các địa phương vừa giúp đỡ người dân các tỉnh phía Nam tiêu thụ nông sản bị dồn ứ do ảnh hưởng dịch COVID-19, vừa tìm nguồn cung về thành phố. Ngày 26-8, Chương trình nông sản combo 10kg/túi, giá 100.000 đồng ở TP Hồ Chí Minh đã chốt xong đơn hàng với khối lượng gần 1.000 tấn rau, củ, quả và thực phẩm các loại. Số đơn hàng người dân đặt qua website: http:www.htx.cooplink.com.vn đạt doanh số trên 1 tỉ đồng.

TS Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Kinh tế đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác (CCD) - đơn vị quản lý website này, cho biết: Combo nông sản 10 kg/túi giá bình dân là 100.000 đồng, gồm: khoai lang, khoai môn nhỏ, củ sắn, khóm, chanh, củ cải trắng, và dưa leo. Tổ công tác đã xây dựng thêm combo theo túi 10 kg/túi loại 150.000 đồng gồm: rau củ quả ăn lá và trứng; 200.000 đồng gồm rau, củ quả ăn lá kết hợp với hải sản, thịt heo, trứng… để người tiêu dùng ở các phân khúc khác nhau có nhiều lựa chọn hơn. Nếu việc vận chuyển thuận lợi, 1.250 đơn vị đầu mối ở các địa phương sẽ nâng công suất cung cấp khoảng 120.000-130.000 túi/ngày (tương đương với 1.200-1.300 tấn nông sản/ngày), mức giá từ 100.000-150.000 đồng/túi.

Khi vận hành chương trình này, ngày 26-8, tổng giá trị các đơn hàng của người dân đặt qua website (qua tin nhắn và zalo lớn gấp 2 lần website) 1 tỉ đồng chưa giao được. Nếu tính bình quân 100.000 đồng/combo thì lượng combo chưa giao là 10.600 combo; nếu tính theo tấn là 106 tấn hàng chưa giao; nếu tính kênh zalo chỉ 2 lần và kênh nhắn tin qua website  thì 106 + (106 x2) + 106 = 424 tấn đặt hàng qua Tổ 970 chưa giao được. 30 đơn vị, địa phương xác nhận tiêu thụ được nông sản qua kết nối từ trang website này, nhưng khối lượng đơn hàng đặt lẻ quá lớn khiến khâu phân loại, xử lý, giao nhận trong điều kiện giãn cách rất khó khăn.

Lực bất tòng tâm

Hiện nay, trung bình mỗi ngày khoảng 44.000 người truy cập vào website, lúc cao điểm trên 53.000 người trong khi thiết kế chỉ khoảng trên 5.000 người truy cập cùng lúc. Website rơi vào quá tải, nghẽn mạng. TS Hải thừa nhận khó khăn do trước đây www.htx.cooplink.com.vn “chạy” để chăm sóc 160 HTX, tới khi thấy tình hình cầu - cung hàng hóa căng thẳng, nóng ruột nên làm chương trình này - may mắn là trúng vô mối quan tâm của cộng đồng - nhưng làm sao tránh chuyện nghẽn mạch, quá tải.

Vẫn còn nhiều khó khăn khi nâng cấp toàn hệ thống, nhưng từ thực tế chương trình này, CCD mừng vì số người có lòng tin vào việc kết nối thông tin, bằng chứng thuận lợi hóa cung - cầu khi làm nhật ký sản xuất, mã vùng trồng, kết nối người mua - mọi thứ đang đúng hướng. Mọi việc sẽ tốt hơn nếu các tỉnh ý thức làm bản đồ vùng trồng, nghiên cứu nông hoa thổ nhưỡng vùng chuyển đổi, làm chuỗi minh bạch… giờ này gắn vô combo thì có thể kết nối lâu dài, không chỉ tiêu dùng nội địa mà còn có thể cung ứng cho các đơn vị xuất khẩu. Cách làm này có nhiều cái lợi, dễ thấy nhất là căn cứ nhu cầu đặt hàng, tùy số lượng, khoảng cách mà tính phương tiện nào có lợi nhất. Nếu các địa phương định vị, tổ chức các trung tâm giao nhận, các HTX xây dựng liên minh tham gia các trung tâm giao nhận thì các tài xế luồng xanh, các shipper công nghệ làm việc thuận lợi biết chừng nào.

Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long đã chào hàng combo thấp nhất với 10kg gồm các loại rau củ như mướp hương, dưa leo, đậu bắp, khoai lang chỉ có giá 75.000 đồng sau khi kết nối nguồn cung trên sàn giao dịch nông sản. Kiên Giang, một doanh nghiệp chào giá combo 5 loại: củ cải, khoai lang, dưa leo, khổ qua và dưa lê giá chỉ 100.000 đồng, năng lực cung cấp khối lượng trên 50 tấn/tuần.

Minh bạch hóa nguồn cung là yêu cầu của thị trường dù dịch bệnh hay lúc bình thường.

Hiện nay, CCD giúp các HTX  khai thuế, hệ thống website kết hợp nhân viên IT với 58  kho, cách làm này giúp các IT không chỉ làm kỹ thuật, cài đặt phần mềm mà gắn sáng kiến của họ với những người bán hàng giỏi, nhu cầu linh hoạt; về lâu dài là yêu cầu chuẩn hóa và minh bạch chuỗi cung ứng. Theo TS Hải, 1.307 đơn vị đăng ký sử dụng, mỗi ngày, trang web kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng với sản lượng 200-400 tấn, chủ yếu là nông sản, thủy sản. Khi nhiều người tham gia thì bên mua sẽ trả phí để hệ thống mở rộng băng thông đáp ứng yêu cầu truy cập, giao dịch, mua bán.

Số hóa - nói và làm?

Khi những thuật toán được ứng dụng ở tầng cao, quy mô chưa tương thích và thực tế trong việc “đi chợ hộ” phát sinh nhiều chuyện bi hài thì CCD tìm cách tiếp cận khác để giải quyết vấn đề cốt lõi của chuỗi cung ứng. Ðiều này có ý nghĩa, không chỉ cho chuỗi cầu - cung ở  TP Hồ Chí Minh mà còn là Ðồng Nai, Bình Dương và các tỉnh trong vùng.

Theo các tính toán ban đầu, Ðồng Nai cần khoảng 550 tấn gạo/ngày, rau 775 tấn/ngày, khoảng 470 tấn trái cây/ngày, khoảng 370 tấn thịt cá các loại/ngày, khoảng 1,55 triệu quả trứng/ngày. Ðịa phương có thể tự cân đối được nhu cầu những loại lương thực thực phẩm cơ bản và sẽ cung cấp cho các tỉnh thành và xuất khẩu 180.000 tấn thịt, 370 triệu quả trứng gia cầm, 150.000 tấn trái cây. Bình Dương cũng cần khoảng 540 tấn gạo, 670 tấn rau, 400 tấn trái cây, 294 tấn thịt, 930.000 quả trứng mỗi ngày. Tổng nhu cầu của 3 tỉnh, thành phố này:  92.540 tấn gạo/tháng, trong đó TP Hồ Chí Minh là 59.400 tấn/tháng, Ðồng Nai 16.740 tấn/tháng, Bình Dương 16.200 tấn/tháng. Tổng nhu cầu rau của TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai là 169.350 tấn/tháng, 67.900 tấn thịt/tháng, trong khi tổng sản lượng cung ứng thịt của các tỉnh Nam Bộ là 200.000 tấn/tháng.

Các tỉnh ở ÐBSCL áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg “ai ở đâu ở đấy”, những thương nhân “tép riu” chào bán hành hẹ, gừng, thịt, trứng, chanh, dâu, nhãn… nhưng kiểu mua bán “tài tử” này cũng cho thấy giữa bên mua - bán cần có lòng tin vào những dữ liệu và ứng dụng công nghệ IoT cho phép họ đối chiếu dữ liệu.

Mô hình Combo của Tổ 970 thông qua cách tiếp cận website của CCD thực ra cũng là quy mô nhỏ. Thật nghịch lý khi chương trình hành động số hóa nền kinh tế rất lớn nhưng không được bàn thảo trong lúc này. Các tỉnh luôn nói về các bước số hóa, nhưng tại sao không thể số hóa thông tin vùng trồng, nguồn cung minh bạch hóa! Có phải phát triển cấu trúc hữu dụng cho việc số hóa nguồn cung ở từng địa phương, phát triển bản đồ số để kết nối cầu- cung cả khu vực là việc quá khó, vượt ra khỏi nguồn lực địa phương? Vậy tại sao không dành giải thưởng lớn cho những phát kiến ứng dụng AI, IoT, Cloud, Big data... cho những thuật toán giải quyết điểm nghẽn từ những quy mô nhỏ, liên kết giải pháp tháo gỡ ách tắc nguồn lực cầu - cung đang là chuyện bức bách ở vùng kinh tế trọng điểm này?

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói rằng, cần tạo điều kiện thông suốt thị trường, địa phương cần nắm chắc tình hình, đi xuống địa bàn, vùng nguyên liệu lớn để nắm thông tin, xử lý thông tin, kết nối thông tin cung cầu hàng hóa. Tương tự, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, diễn biến dịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đang rất phức tạp, có thể nghiêm trọng hơn. Do đó, cần khẩn trương đánh giá, dự báo tình hình, khảo sát và nắm bắt đúng nhu cầu hàng hóa thiết yếu từng địa bàn. Từ đó đưa ra cân đối cung cầu tại chỗ, biết địa phương có cái gì, cái gì cần mua, cái gì cần bán, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với các ngành giao thông, y tế, công an, quân đội làm tốt việc lưu thông phân phối, điều tiết hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt một cách kịp thời.

COVID-19 thật đáng ghét, nhưng nó cũng chỉ ra những lỗ hổng, sự tàn phá của nó đang thách thức năng lực và cách hành xử của con người, thách thức độ xác tín giữa nói và làm về số hóa nền kinh tế.

Bài, ảnh: CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết