14/01/2022 - 13:36

Sinh viên Cần Thơ và những câu chuyện đẹp 

Hội Sinh viên (SV) TP Cần Thơ vừa tuyên dương 58 SV đạt danh hiệu “SV Cần Thơ - Những câu chuyện đẹp”. Ðây là những tấm gương vượt khó học tập, xung kích đi đầu trong các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng. Mỗi bạn trẻ là một câu chuyện đẹp, lan tỏa...

Vượt khó đến trường

Những bạn trẻ tiêu biểu được tuyên dương bởi họ không chỉ là tấm gương về tinh thần vượt khó, mà còn vì những đóng góp đối với cộng đồng xã hội. Ðiển hình như Nguyễn Văn Trường, SV năm thứ nhất, ngành Y khoa, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ. Dù gia cảnh khó khăn, nhưng Trường luôn nỗ lực, phấn đấu học tập. Quê Trường ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Gia đình không có ruộng đất canh tác, cha mẹ Trường làm thuê nên thu nhập bấp bênh. Hơn 3 năm qua, sức khỏe Trường yếu hơn vì liên tục điều trị khối u trong hàm răng. Dù vậy, chưa bao giờ Trường bi quan, từ bỏ giấc mơ được đến trường. Suốt 3 năm học THPT, bạn bè đều nể phục bởi năm học nào, Trường cũng xếp loại Giỏi. Một học kỳ lên Cần Thơ nhập học, dù khó khăn, nhưng Trường luôn sống tự lập, kiếm việc làm thêm để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Ngoài giờ học, Trường làm nhân viên phục vụ cho một quán ăn, với thu nhập 1 triệu đồng/tháng. Trường chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi ước mơ trở thành bác sĩ. Vì vậy, dù cuộc sống khó khăn, tôi sẽ luôn nỗ lực học tập, rèn luyện và làm thêm để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, có điều kiện học tốt hơn”.

Trần Như Nguyện, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Văn Trường (từ trái sang phải) là những SV đạt danh hiệu “SV Cần Thơ - Những câu chuyện đẹp”.

Hoàn cảnh của Trần Như Nguyện, SV ngành Chăn nuôi, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, gặp nhiều khó khăn. Nguyện mồ côi mẹ từ nhỏ, cha qua đời cách đây 5 năm vì bệnh hiểm nghèo, từ đó Nguyện sống chung với gia đình người chú và sớm có ý thức sống tự lập. Ðể trang trải chi phí học tập, gần 2 năm qua, Nguyện đi làm thêm nhiều nghề. Hiện, Nguyện đang là nhân viên bán hàng thời vụ cho một công ty sữa, với thu nhập 3 triệu đồng mỗi tháng. Công việc tuy khá vất vả, nhất là những lúc tiếp thị sản phẩm lưu động, nhưng bù lại Nguyện có nguồn thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống ổn định, an tâm học tập. Bận rộn là vậy, song Nguyện không sao nhãng việc học, tích cực học nhóm, tìm thêm tài liệu bổ sung kiến thức. Năm học 2020-2021, kết quả học tập của Nguyện đạt loại Giỏi và nhận học bổng khuyến khích học tập của nhà trường.

Gương sáng tình nguyện

Bên cạnh những tấm gương vượt khó học tập, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều SV tình nguyện xông pha vào tâm dịch, để lại ấn tượng đẹp. Ở hầu hết các đội hình, từ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cộng đồng, hỗ trợ F0 tại nhà, đến trực tại bệnh viện dã chiến đều có lực lượng SV tình nguyện. Ðiển hình như Ðặng Quang Phú, SV ngành Xét nghiệm y học, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ, là tình nguyện viên chăm sóc F0 tại Bệnh viện dã chiến số 1 (đặt tại Trường Chính trị TP Cần Thơ), từ ngày 12-9 đến hết tháng 12-2021. Gần 4 tháng “tiếp sức” với F0, mỗi ngày, từ 5 giờ sáng, Phú đã thức giấc để chuẩn bị vật tư y tế, đến 6 giờ 30 phút thì lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân, sau đó, hỗ trợ nhân viên y tế vận chuyển các mẫu xét nghiệm đến Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ. Ca làm việc buổi sáng của Phú kết thúc vào lúc 9 giờ 30; buổi chiều, Phú bắt đầu công việc tương tự từ 14 giờ và hoàn thành lúc 16 giờ. Làm việc trong môi trường nguy cơ nhiễm bệnh cao, song, Phú cho rằng chăm sóc sức khỏe nhân dân là nguyện ước khi theo học trường y. Phú bộc bạch: “Chứng kiến đội ngũ y, bác sĩ căng mình chống dịch, tôi càng tự hào về ngành nghề mình đang theo học. Tôi còn trẻ, làm việc gì giúp ích cho bà con, tôi sẵn sàng”. Theo Phú, chuỗi ngày trực tại Bệnh viện dã chiến số 1 còn bài học bổ ích giúp trau dồi kiến thức và kỹ năng thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Từ đầu tháng 12-2021 đến nay, Nguyễn Thanh Bình, SV ngành Xét nghiệm, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, tình nguyện tham gia Ðội y tế lưu động ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều. Ðể đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Bình “dọn” vào ở Nhà thông tin khu vực 1. Hàng ngày, Bình hỗ trợ nhân viên y tế cấp phát và tư vấn cách sử dụng thuốc cho các F0 đang cách ly, điều trị tại nhà; theo dõi diễn biến sức khỏe các F0... Ban đầu, còn gặp khó khăn khi chưa nắm rõ địa bàn được phân công, nhưng Bình luôn cố gắng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, với phương châm “không để F0, F1 nào bị bỏ lại phía sau”.

58 bạn trẻ được tuyên dương là những câu chuyện đẹp, việc làm ý nghĩa, không chỉ đối với gia đình, mà còn hướng tới lợi ích cộng đồng. Họ đã và đang góp phần tô đẹp thêm hình ảnh người trẻ đối với cộng đồng, xã hội.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết