25/02/2008 - 22:06

Nguồn nguyên liệu và lao động cho doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản ở TP Cần Thơ

Sẽ trở thành vấn đề nan giải?

Năm 2007, những rào cản kỹ thuật chất lượng sản phẩm từ các nước nhập khẩu đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Trong khi đó, chất lượng nguồn nguyên liệu thủy sản vẫn còn nhiều bất cập. Năm 2008 diện tích nuôi cá tra và việc đầu tư xây dựng nhà máy mới tại TP Cần Thơ đang có chiều hướng gia tăng. Kế hoạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản của thành phố trong năm nay khoảng 106.000 tấn. Vì vậy, nếu không có giải pháp điều tiết hợp lý thì nguồn nguyên liệu và lao động sẽ trở thành thách thức đối với ngành công nghiệp chế biến thủy sản thành phố.

Thiếu nguyên liệu “sạch”

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp (CKCX& CN) Cần Thơ, hiện có 165 dự án còn hiệu lực đang đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) thành phố, trong đó có 20 dự án trong ngành chế biến thủy sản. Trong số dự án chế biến thủy sản này, hiện có 14 dự án đang hoạt động. Năm 2007, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã tăng kim ngạch xuất khẩu trên 24% so với năm 2006. Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, sản lượng thủy sản đông lạnh xuất khẩu năm qua khoảng 68.430 tấn, với các sản phẩm cá tra, ba sa phi lê, đông lạnh, chả cá... Thị trường xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ như EU, Úc , Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan... Trong tháng 1- 2008, thành phố tiếp tục cấp phép chứng nhận đầu tư mới cho 4 dự án chế biến thủy sản.

 Chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (South Vina).
Ảnh: THU HÀ

Sở NN&PTNT TP Cần Thơ nhận định, trong thời gian tới, diện tích và cả sản lượng cá tra của thành phố tiếp tục tăng. Năm 2007, diện tích nuôi cá tra của thành phố đạt khoảng 1.300 ha, sản lượng 260.000 tấn. Trong khi năm 2006 con số tương ứng chỉ hơn 797 ha và 131.943 tấn. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra xuất khẩu Thới An, quận Ô Môn, cho biết: “Năm 2007, tỷ lệ hao hụt khi nuôi cá tra xuất khẩu ở mức rất cao, từ 40-60%. Điều này làm nhiều người lo ngại sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng thiếu cá tra nguyên liệu cho chế biến trong năm 2008 và những năm tiếp theo”. Theo ông Hải, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, chất lượng con giống không đảm bảo, đã làm ảnh hưởng nhiều đến việc nuôi cá tra xuất khẩu không chỉ Cần Thơ mà còn nhiều tỉnh ĐBSCL.

Nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản dự đoán, cá tra nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu có thể sẽ thiếu trầm trọng trong năm 2008. Việc tăng diện tích nuôi và đầu tư xây dựng nhà máy mới đang trở nên quá “nóng”, không chỉ ở Cần Thơ mà còn tại nhiều tỉnh trong vùng, khi thị trường tiêu thụ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, việc cạnh tranh thu mua, “đẩy” giá có thể cũng trở nên khốc liệt hơn. Song, đây chỉ là phân tích cung – cầu trên mặt lý thuyết. Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, việc tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL và cả nước đã và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu, trong khi chất lượng sản phẩm cá phi lê của ta không đồng đều và thiếu ổn định. Những tháng cuối năm 2007, nhiều nhà máy chế biến cá đã phải tạm ngừng sản xuất hàng mới để tiêu thụ hết hàng tồn kho.

Hiện nay, một số doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đã quy hoạch vùng nguyên liệu cho mình theo tiêu chuẩn SQF, tuy nhiên sản lượng thu được vẫn chưa đáp ứng đủ công suất chế biến. Như Công ty CP chế biến Thủy sản Bình An, với công suất chế biến khoảng 400 tấn nguyên liệu/ngày, diện tích nuôi cá mới chỉ đáp ứng được 30%. Hay Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (South Vina) có công suất 200 tấn/ngày, nhưng vùng nguyên liệu của công ty chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu. Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty South Vina, cho biết: “Hiện tại, 2/3 nguyên liệu chế biến của nhà máy phải thu mua bên ngoài. Làm ăn với khách hàng nước ngoài thì nguyên liệu đầu vào rất quan trọng, do đó phải chọn lựa thật kỹ. Khi nguyên liệu không tốt, tỷ lệ hao hụt trong chế biến rất lớn. Doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi sản phẩm không đạt size tiêu chuẩn, nếu trữ trong kho sẽ bị chôn vốn càng khó hơn”.

Theo quy hoạch của ngành thủy sản TP Cần Thơ, đến năm 2010, diện tích nuôi thủy sản toàn thành phố khoảng 17.800 ha, sản lượng 223.150 tấn; đến năm 2015 và 2020, diện tích tăng lên 22.000- 26.000 ha, sản lượng 311.700- 418.100 tấn. Số lượng nhà máy chế biến được nâng từ 21 nhà máy (năm 2010) lên 32 nhà máy vào năm 2020. Hiện nay, giá cá tra dao động ở mức 14.000- 15.000 đồng/kg, theo tính toán của người nuôi cá tra, giá thành sản xuất có thể tăng lên 14.000 đồng/kg trong năm 2008, do giá thức ăn và chi phí nuôi tăng. Trước tình hình này, nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL chưa bán cá vội, vì còn chờ giá cá nguyên liệu tăng. Vì thế, có thể cuộc cạnh tranh trong thu mua nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ở TP Cần Thơ và nhiều tỉnh trong vùng sẽ càng căng thẳng.

Cạnh tranh về lao động!

Hiện nay, tổng số lao động đang làm việc tại các KCN của thành phố là 26.098 người, trong đó ngành thủy sản chiếm trên 75%, hầu hết là lao động phổ thông. Phần lớn các doanh nghiệp tự tuyển lao động và đào tạo theo yêu cầu đơn vị, bởi việc đào tạo nghề cho người lao động hiện chưa gắn kết với nhu cầu của đơn vị tuyển dụng, năng lực đào tạo hạn chế, trang thiết bị lạc hậu. Theo dự đoán của Ban Quản lý CKCX&CN Cần Thơ, đến năm 2010 nếu các KCN đều lắp đầy diện tích sẽ cần khoảng 30.000 lao động làm việc. Còn nếu tính bình quân 1 ha đất công nghiệp sẽ giải quyết việc làm cho 800 lao động, thì đến năm 2020 các KCN cần trên 600.000 lao động. Mức lương bình quân của một lao động đang làm việc trong KCN khoảng 1,8 triệu đồng/tháng.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý CKCX&CN Cần Thơ, cho biết: “Trong năm 2008, dự kiến giải quyết việc làm mới từ 10.000 đến 15.000 lao động tại các KCN. Chỉ tính riêng quí I-2008, các doanh nghiệp trong KCN cần tuyển khoảng 4.000 lao động làm việc. Nhưng hiện tại con số tuyển dụng được còn khá khiêm tốn. Nhiều nhà máy chuẩn bị khánh thành và đi vào hoạt động trong quí I-2008 than phiền không tuyển được lao động ở Cần Thơ và ĐBSCL. Do đó, họ phải chạy ra tận miền Trung, miền Bắc để tìm nguồn lao động”.

Còn ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh Niên TP Cần Thơ, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Trung tâm nhận 40 đơn đặt hàng với 5.000 lao động phổ thông, nhưng chỉ cung ứng được 5%. Tình trạng thiếu lao động phổ thông đang là vấn đề báo động của không riêng gì Cần Thơ mà còn các tỉnh khác trong khu vực”. Theo ông Vững, có một doanh nghiệp ở KCN Trà Nóc II đặt hàng tuyển 100 lao động trong ngành chế biến thủy sản cả tháng nay, nhưng trung tâm vẫn chưa nhận được hồ sơ đăng ký nào của người lao động. Khoảng 6 tháng nay, trung tâm đã từ chối nhận đơn đặt hàng tuyển dụng của các doanh nghiệp trong ngành may mặc và chế biến thủy sản.

Tình trạng khan hiếm lao động phổ thông đã trở nên phổ biến ở ngành chế biến thủy sản và may mặc, do nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều lao động băn khoăn về vấn đề tăng ca và chính sách xã hội cho họ còn nhiều bất cập. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã chủ động giữ chân người lao động cùng với nhiều chính sách đãi ngộ khá hấp dẫn. Như Công ty cổ phần chế biến thủy sản Bình An, trong năm 2007 đã trao tặng 200 căn nhà tình thương (10 triệu đồng/căn) cho cán bộ, công nhân viên nhà máy có hoàn cảnh khó khăn. Hiện lực lượng lao động đang làm việc tại công ty gần 3.000 người, dự kiến con số này sẽ nâng lên 5.000 khi xưởng 2 đi vào hoạt động trong tháng 2-2008.

Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty South Vina, cho biết: “Chúng tôi đã có bước chuẩn bị nguồn lao động ngay từ khi thành lập. Công ty đã gởi lao động đi đào tạo ở các doanh nghiệp cùng ngành, lực lượng này sẽ chịu trách nhiệm đào tạo lại cho số công nhân mới. Mức thưởng Tết cho công nhân vừa qua thấp nhất là 1,5 triệu đồng, cao nhất là 10 triệu đồng tùy theo thâm niên làm việc”. Hàng tháng, South Vina còn tổ chức khen thưởng Top 10 (10 người có sản phẩm nhiều nhất trong tháng, đạt lương cao nhất), với mức được thưởng thêm 500.000 đồng/người.

Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý CKCX&CN Cần Thơ, trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ làm việc với các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng, cũng như thuận lợi và khó khăn nhằm cùng nhau tháo gỡ. Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng bắt đầu đầu tư quy hoạch, mở rộng vùng nguyên liệu. Như Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam có kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu ở Bến Tre, Vĩnh Long và Sóc Trăng để đáp ứng 80% công suất của nhà máy, số còn lại sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân thông qua ngân hàng. Người nuôi sẽ được công ty cấp vốn qua hợp đồng với ngân hàng và được công ty hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá để đạt tiêu chuẩn chế biến, nhằm giảm tỷ lệ hao hụt. Còn Công ty CP chế biến Thủy sản Bình An cũng đang đầu tư mở rộng diện tích nuôi từ 30 ha lên 60 ha. Mặc dù các doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị nguồn nguyên liệu, nhưng diễn biến thời tiết, cùng với giá thức ăn tăng đột biến sẽ tác động rất lớn đến người nuôi. Do vậy, ổn định sản xuất, chế biến theo quy hoạch là một việc làm cần được cân nhắc kỹ trong giai đoạn hiện nay.

Gia Bảo - Hà Triều

Chia sẻ bài viết