19/02/2014 - 22:02

Nông dân xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất - Kiên Giang

Sẽ hưởng lợi từ dự án “Cải thiện sức chống chịu vùng ven biển Đông Nam Á”

Những năm qua, do biến đổi khí hậu, tình trạng vỡ đê bao đã gây ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản cũng như cây trồng trong khu vực ven đê biển xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang). Vì vậy, việc thực hiện dự án "Cải thiện sức chống chịu vùng ven biển Đông Nam Á" do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam thí điểm tại xã Bình Sơn góp phần cải thiện sức chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân nơi đây.

Trong những năm gần đây, sự thay đổi thất thường của thời tiết do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu nên trong sản xuất nông nghiệp, bà con xã ven biển Bình Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nước mặt cũng bị tác động của xâm nhập và phèn hóa không thể phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Thêm vào đó, mưa lớn, lũ lụt, áp thấp nhiệt đới gây ra tình trạng vỡ đê bao làm thiệt hại lớn đến diện tích nuôi trồng thủy sản và cây trồng trong khu vực ven đê biển. Theo bà Đỗ Thị Kim Thu, ngụ ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, đa số bà con sinh sống ven biển này đều gặp khó khăn về điện, nước sinh hoạt. Vào mùa mưa thì có nước sử dụng, còn mùa nắng như hiện nay thì không có nước sinh hoạt do bị nhiễm phèn, mặn. Do vậy, một số người phải đi đổi nước từ các giếng bơm tay hay lấy nước dưới ao đìa lên lắng sử dụng, nên việc bị bệnh ở trẻ em và phụ nữ dường như thường xuyên xảy ra.

Ngoài ra, cũng nhìn nhận một điều là do ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao; việc sử dụng nhà vệ sinh trên sông cũng như tình trạng thải rác bừa bãi trên dòng kênh, con rạch làm nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ đã phát sinh dịch bệnh lan truyền, giảm nguồn tài nguyên thủy sản, không thể phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân mà còn làm tác động biến đổi khí hậu ở địa phương ngày càng nghiêm trọng.

Dự án làm hàng rào giữ bùn để ngăn chặn, bảo vệ rừng ngập mặn, chống xói lở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất.

Chủ tịch UBND xã Bình Sơn Lê Văn Tiễn cho biết, địa bàn xã có 7,2km bờ biển thuộc hai ấp Vàm Rầy, Thuận An ở cuối nguồn nước nên khi nước thải từ trên đầu nguồn chảy ra thì bà con ở đây lãnh đủ. Bên cạnh đó, bà con ở ven biển này đa số đời sống còn khó khăn nên không có tiền xây bồn chứa nước mưa hay xây dựng nhà vệ sinh.

Xã Bình Sơn là một trong những vùng điển hình do tác động, thay đổi, xói lở bờ biển. Để thích ứng với các điều kiện thay đổi hệ sinh thái môi trường, xây đê, kè ở những nơi bị xói lở là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng bờ kè để chống sạt lở về cơ bản chỉ mang tính đối phó ngắn hạn. Xét về mặt lâu dài, đây không phải là giải pháp bền vững. Trong điều kiện đó, việc chọn giải pháp xây dựng hàng rào giữ bùn nhằm phát triển sự ngập mặn và hạn chế gió bão, xói lở khu vực ven biển là việc làm thiết thực và sẽ mang tính thích ứng cao hơn. Trên cơ sở thực tế có thể nhìn nhận, việc tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp tại khu vực ven biển xã Bình Sơn. Trong khi đó, việc người dân hiểu về biến đổi khí hậu còn hạn chế nhất định, đặc biệt là những giải pháp chưa có hiệu quả, thiết thực để thực hiện ứng phó hay sống chung với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, người dân trong vùng ven biển luôn hứng chịu những tác động tiêu cực làm cho đời sống ngày càng khó khăn. Chị Nguyễn Thị Huệ, ngụ ấp Vàm Rầy cho biết, người dân ở đây tha thiết được dẫn điện về sinh hoạt; có nước sạch sử dụng là quá đủ rồi. Chứ sinh sống ở đây nhiều năm, bà con chịu thiệt thòi mọi thứ, sợ nhất là bệnh do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Từ thực tế này, dự án "Cải thiện sức chống chịu vùng ven biển Đông Nam Á" được thí điểm hỗ trợ cho xã Bình Sơn đã được triển khai gồm 3 tiểu dự án với kinh phí hơn 2 tỉ đồng, trong đó, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tài trợ hơn 1,4 tỉ đồng, còn lại vốn đối ứng của nhân dân và chính quyền địa phương. Theo ông Lưu Thành Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh Kiên Giang, đối với dự án này khi triển khai thì người dân được hưởng lợi rất lớn. 3 tiểu dự án bao gồm: tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu; tăng cường về vệ sinh môi trường, trong đó có hỗ trợ bồn chứa nước uống và hầm vệ sinh, thu gom rác thải; dự án làm hàng rào giữ bùn để ngăn chặn, bảo vệ rừng ngập mặn, chống xói lở.

Dự án "Cải thiện sức chống chịu vùng ven biển Đông Nam Á" sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu, vệ sinh môi trường. Cụ thể, giúp người dân có kỹ năng để thích ứng với tác động biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường trong khu vực. Đặc biệt là xây dựng tính tự giác của người dân cùng tham gia vào các hoạt động thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, làm phục hồi sinh thái trong khu vực, nâng cao chất lượng sống trong cộng đồng. Đây cũng chính là một trong những tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới.

Bài, ảnh: LÊ SEN

Chia sẻ bài viết