04/03/2008 - 22:13

Bệnh cao huyết áp

"Sát thủ" thầm lặng

Theo các bác sĩ khoa Tim mạch-Nội lão học, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cao huyết áp (tăng huyết áp) là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất hiện nay. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể gây biến chứng tàn phế và tử vong cho bệnh nhân.

Bệnh lý phổ biến ở người 40 tuổi trở lên

Bác sĩ Nguyễn Khắc Minh Trường, khoa Tim mạch - Nội lão học, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ ước tính: đa số các bệnh nhân đến điều trị ở bệnh viện đều ở độ tuổi trên 40. Số lượng bệnh nhân nam và nữ mắc bệnh cao huyết áp gần như ngang nhau. Tuy là một bệnh lý phổ biến nhưng do bệnh nhân ít quan tâm khám sức khỏe thường xuyên nên chỉ đến bệnh viện khi có các biểu hiện: nôn, nhức đầu, chóng mặt. Bà Võ Thị Kiếm, 81 tuổi ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn cho biết: “Khoảng 1 tháng nay tôi có cảm giác nhức đầu, chóng mặt, tê tay chân, bị ói. Khi vào bệnh viện bác sĩ nói là bị cao huyết áp”. Theo các bác sĩ, khi bệnh nhân đến bệnh viện với các biểu hiện rõ ràng, bệnh cao huyết áp ít nhiều ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, gan, thận, mắt. Thậm chí có bệnh nhân đến khám, bác sĩ cho toa, hẹn tái khám, nhưng bệnh nhân uống thuốc thấy bớt bệnh thế là không đến tái khám nữa. Hoặc khi bệnh tái phát họ sử dụng toa thuốc cũ để tiếp tục uống. Điều này rất nguy hiểm vì tùy theo chỉ số huyết áp, cơ địa, tình trạng sức khỏe, tuổi... của bệnh nhân bác sĩ mới kê toa các loại thuốc phù hợp.

Tại sao bị tăng huyết áp? Theo các bác sĩ chuyên khoa nhận định: Khoảng trên 90% trường hợp tăng huyết áp chưa biết được nguyên nhân. Loại tăng huyết áp này là tăng huyết áp nguyên phát, còn lại 10% là tăng huyết áp thứ phát, tức là có nguyên nhân. Với tăng huyết áp thứ phát nếu tìm được nguyên nhân và điều trị triệt để nguyên nhân thì có thể bệnh tăng huyết áp khỏi hẳn. Còn tăng huyết áp nguyên phát không tìm ra nguyên nhân nhưng có nhiều yếu tố phối hợp với nhau để làm tăng huyết áp chẳng hạn lối sống ít vận động, hoạt động trí não nhiều. Ảnh hưởng các yếu tố gia đình như: ăn mặn, nhiều chất béo, tinh bột, dầu mỡ, lười tập thể dục, hút thuốc, uống rượu, béo phì... cũng là các tác nhân mang nguy cơ cao.

Vợ bệnh nhân Huỳnh Văn Thành liên tục xoa bóp tay, chân cho chồng mau khỏi bệnh. 

Biểu hiện ban đầu của bệnh là ban đêm thường đi tiểu nhiều, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, tê tay chân. Khi có các biểu hiện này bệnh nhân phải nhanh chóng đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị. Nếu mức huyết áp của bệnh nhân không cao quá, bác sĩ khuyên bệnh nhân điều chỉnh lối sống (tăng cường vận động, sinh hoạt điều độ), ăn uống dinh dưỡng hợp lý hạn chế chất béo, tinh bột, đường, ăn lạt... bỏ thuốc lá, rượu, bia. Trong thời gian ba tháng nếu huyết áp không trở lại mức mong muốn, bác sĩ dùng thuốc để điều trị. Bệnh nhân cần kiên nhẫn vì việc điều trị, dùng thuốc sẽ kéo dài.

“Sát thủ” thầm lặng

Bệnh nhân Huỳnh Văn Thành, 52 tuổi, phường Long Hòa, quận Bình Thủy bị cao huyết áp 3-4 năm nay. Tuy biết mình bị cao huyết áp nhưng do chủ quan nên ông Thành không thực hiện chế độ ăn uống kiêng khem, thường xuyên uống rượu, bia. Mấy ngày Tết, vui bạn bè ông Thành uống khá nhiều rượu và hậu quả ngày mùng 4 Tết phải nhập viện vì tai biến mạch máu não, yếu nửa người bên phải. Vợ ông ngồi xoa bóp chân tay cho chồng, buồn bã than: “Bây giờ tui tăng cường xoa bóp tay, chân phải cho ổng mau hết bệnh. Trước đây, tui mua sẵn thuốc để ở nhà cho ổng. Khi nào nhức đầu, chóng mặt thì uống vô cho huyết áp hạ xuống. Tui với ổng cũng chủ quan, đâu dè bị nặng như vầy”. Bây giờ ông Thành nằm một chỗ, muốn ngồi dậy cũng phải có người đỡ, ông không đi lại được, hai người cháu phải bồng ông vô nhà vệ sinh, rất bất tiện. Theo các bác sĩ, sau khi xuất viện về nhà ông Thành phải thực hiện chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ, tập vật lý trị liệu trong một thời gian lâu mới có thể đi lại được.

Không chỉ có người dân bình thường chủ quan với bệnh lý cao huyết áp, cả những nhân viên y tế cũng chủ quan. Các bác sĩ cũng kể trường hợp một đồng nghiệp do chủ quan, không kiểm tra sức khỏe định kỳ, bị cao huyết áp mà không hề hay biết. Đến lúc phát hiện, thì người này đã bị suy thận. Bây giờ người đồng nghiệp này phải đi lọc thận thường xuyên để duy trì sự sống.

Cao huyết áp tiềm ẩn trong cơ thể bệnh nhân. Do cơ thể bệnh nhân thích nghi được nên không biểu hiện ra bên ngoài. Đến lúc mức huyết áp tăng quá cao gây tai biến hoặc những biến chứng ở tim (chẳng hạn như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quị), não (tai biến mạch máu não, xuất huyết não, nhũn não, sa sút trí tuệ), thận (suy thận), mắt (phù nề võng mạc) thì rất nguy hiểm. Bác sĩ Nguyễn Khắc Minh Trường nói: “Các biến chứng của cao huyết áp đều nặng nề, cần thời gian điều trị lâu dài, tốn kém ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, kinh tế của bệnh nhân và gia đình. Bệnh này tỷ lệ tử vong khá cao, chính vì thế người ta gọi cao huyết áp là “sát thủ” thầm lặng. Chính vì thế có những người rất khỏe mạnh, đang sinh hoạt bình thường bỗng nhiên bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận...

Bác sĩ Phạm Thị Kim Hoa, Trưởng khoa Tim mạch-Nội lão học nhấn mạnh: “Chiếm 2/3 số bệnh nhân trong khoa bị cao huyết áp. Theo dự báo, bệnh này có xu hướng ngày càng tăng vì môi trường sống, thói quen sinh hoạt trong thời hiện đại ít vận động, stress, tuổi thọ ngày càng tăng... Đây là những yếu tố mang nhiều nguy cơ cho bệnh tăng huyết áp phát triển. Chính vì thế muốn phòng bệnh này trước hết mỗi người khám sức khỏe định kỳ để biết chỉ số huyết áp của mình. Đặc biệt, trong gia đình có người bị cao huyết áp thì phải quan tâm phòng ngừa trước, dù chưa có biểu hiện của bệnh”.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết