Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay tại vùng ĐBSCL có 406 đoạn sạt lở. Một trong những nguyên nhân chính được các bộ, ngành chuyên môn nhận định ban đầu là do các đập thượng nguồn Mekong giữ lại bùn cát, nên dòng chảy hạ lưu bị đói bùn cát, để cân bằng năng lượng dư thừa buộc dòng nước phải bào xói bờ. Tình trạng sạt lở bờ sông, đê biển đang đe dọa sự tồn tại và phát triển của vùng đất trù phú nhất khu vực Đông Nam Á.
Sạt lở ở mức báo động
Trong 406 đoạn sạt lở tại ĐBSCL (trong đó có 393 đoạn bờ sông dài 581km và 13 đoạn bờ biển, chiều dài 310km) có những đoạn sạt lở đặc biệt nghiêm trọng như: sạt lở bờ sông tại sông Vàm Nao (tỉnh An Giang) với chiều dài 70m, làm sập 18 căn nhà, 91 căn nhà bị ảnh hưởng phải di dời, cắt đứt tuyến giao thông liên xã; sạt lở bờ sông Tiền tại xã Bình Thành, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) chiều dài 600m; sạt lở kè Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) làm đứt gãy dầm mũi hắt sóng 47m, diện tích kè bị mất trên 800m; sạt lở đất ở khu vực rạch Ô Rô, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau);... Theo kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, An Giang hiện có 51 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 162.550m, gây ảnh hưởng cho 20.000 hộ dân, trong đó hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp khỏi khu vực sạt lở. Trong 5 tháng đầu năm 2017, An Giang xảy ra 15 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch ở huyện An Phú, huyện Chợ mới, thị xã Tân Châu..., với chiều dài 1.224m. Tỉnh đã di dời khẩn cấp 136 căn, đồng thời phải di dời thêm các hộ dân vùng lân cận có nguy cơ tiếp tục sạt lở.
Đê quốc phòng bị sạt lở nghiêm trọng tại ấp Phát Đạt, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh.
Tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra nghiêm trọng tại Đồng Tháp. Đoạn sông Tiền chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp có chiều dài gần 123km, hằng năm lũ thượng nguồn sông Mekong đổ về dòng chảy xiết với lưu tốc >2m/s áp sát vào bờ tại các vị trí đoạn sông cong, tạo hàm ếch gây sạt lở nghiêm trọng ở nhiều vị trí như: khu vực Thường Phước, Long Thuận, Long Khánh huyện Hồng Ngự, phường An Lạc thị xã Hồng Ngự; An Long huyện Tam Nông, Bình Thành huyện Thanh Bình; phường 11, xã Hòa An thành phố Cao Lãnh; Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò; khu vực thành phố Sa Đéc, xã An Hiệp huyện Châu Thành
Từ đầu năm 2017 đến nay, Đồng Tháp xảy ra 13 vụ sạt lở tại các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, thị xã Hồng Ngự, TP Cao Lãnh, diện tích sạt lở 5.924m2... Tình trạng sạt lở bờ sông Tiền trên địa bàn tỉnh đang phức tạp, đặc biệt là đoạn sông Tiền cặp theo đường quốc lộ 30.
Tỉnh Kiên Giang có bờ biển dài khoảng 200km từ thị xã Hà Tiên đến huyện An Minh, những năm gần đây đã xảy ra tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Dân, ngụ ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, cho biết: "Từ năm 2012 đến nay, nước biển bắt đầu xâm thực, đánh sạt lở mất khoảng 1.000m đất rừng ven biển tính từ biển vào. Nếu tình trạng này kéo dài, người dân nơi đây không nuôi trồng con gì được". Theo khảo sát của ngành chức năng, tình trạng sạt lở và sạt lở nghiêm trọng hiện đã xâm thực gần 40/200km ven biển của tỉnh, một số nơi sạt lở gần đứt cả đê biển ngăn mặn. Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, một số nơi bãi bồi ven biển không ổn định, nơi lở, nơi bồi không theo quy luật nhất định, do đó làm ảnh hưởng đến rừng trồng, rừng phòng hộ và gây ra tình trạng sạt lở bờ biển.
Cần giải pháp căn cơ
Theo nhận định của các bộ ngành Trung ương, việc xử lý sạt lở hiện nay ở ĐBSCL còn mang tính tạm thời, bị động. Ngày 15-5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đoàn các bộ, ngành Trung ương có chuyến khảo sát thực tế về tình trạng sạt lở tại ĐBSCL. "Để bảo vệ tính mạng, tài sản, ổn định cuộc sống cho người dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, các ngành có liên quan phải theo dõi chặt chẽ, quan trắc môi trường và cảnh báo sớm để sơ tán người dân nhanh nhất nếu sạt lở xảy ra. Đối với khu vực phải di dời hoặc tiếp tục sạt lở, các địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân ổn định chỗ ở, việc làm, điều kiện đến trường của các cháu"- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra các công trình ven sông, ven biển để kịp thời bảo vệ công trình chống sạt lở, kiểm tra khai thác cát ven sông, ven biển. Về lâu dài các tỉnh cần rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, tái cơ cấu phát triển ngành gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Phải xây dựng các công trình bảo vệ khu vực sạt lở, xây dựng các khu tái định cư ổn định chỗ ở cho người dân, tập trung vào làm trước những công trình cấp bách. Các bộ, ngành chức năng tập trung lập quy hoạch bờ sông, bờ biển; điều tra, đánh giá những nguyên nhân và đưa ra các giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Hướng dẫn các địa phương duy tu, bảo dưỡng các công trình, trồng rừng; đánh giá hằng năm về tổng lượng bùn cát và tổng lượng khai thác ở vùng ĐBSCL; tìm nguồn vốn để thực hiện các công trình ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển...
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 5 năm (từ 2011-2015) ở vùng ĐBSCL giảm 10% diện tích đất trồng rừng (tương đương với 28.387ha)... Đây cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến tình trạng xâm thực bờ sông, bờ biển gây sạt lở ở ĐBSCL. Ngoài ra, kinh phí đầu tư các công trình phòng chống sạt lở tại ĐBSCL chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, cho biết: "ĐBSCL chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Giai đoạn 2016-2020, bộ đã trình Chính phủ danh mục các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó các tỉnh vùng ĐBSCL được đề xuất 9 dự án chuyển tiếp với tổng số vốn ngân sách trung ương hỗ trợ là 945 tỉ đồng; bổ sung 15 dự án mở mới với tổng số vốn đầu tư là 7.162 tỉ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ 3.230 tỉ đồng...". Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc lựa chọn giải pháp phù hợp phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển phụ thuộc vào điều kiện địa chất, địa hình, mực nước, tốc độ dòng chảy và tình trạng sạt lở của từng khu vực.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Vương Bình Thạnh cho biết, đề phòng chống sạt lở cũng như hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sạt lở, UBND tỉnh An Giang kiến nghị với Chính phủ ưu tiên hỗ trợ tỉnh 820 tỉ đồng để đầu tư các cụm tuyến dân cư vùng sạt lở giai đoạn 2017-2020 để di dời các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở... Tỉnh sẽ triển khai ngay hỗ trợ, tái định cư cho người dân khu vực sạt lở để sớm ổn định đời sống. Triển khai một số giải pháp mềm như: sử dụng các rọ đá phên liếp, cọc tre, cọc gỗ, bao tải cát đặt ngay phía ngoài đường bờ, dọc theo đường bờ, giúp cho đường bờ tăng khả năng chống chọi với vận tốc dòng chảy lớn và các tác động do giao thông thủy gây ra để đảm bảo an toàn cho các khu vực có nguy cơ không để việc sạt lở lan rộng vào khu dân cư, khu sản xuất kinh doanh và trường học
Một số địa phương cũng đang triển khai gia cố đê sông, đê biển chống sạt lở. Tăng cường thanh kiểm tra, quản lý chặt việc khai thác cát lòng sông; quản lý giao thông thủy; nghiên cứu xây dựng các công trình cứng như kè chống sạt lở bờ sông và các công trình nắn dòng trên cơ sở nghiên cứu, tính toán để đưa ra các thông số công trình hiệu quả. Về lâu dài, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị: "Chính phủ sớm phê duyệt danh mục các Dự án thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh hoặc cho phép triển khai trước Dự án Chống sạt lở sông Hậu". Cần khảo sát, điều tra, đánh giá một cách tổng thể, bài bản, khoa học tất cả các nguyên nhân sạt lở toàn bộ lưu vực sông Tiền, sông Hậu, đề xuất các giải pháp tổng thể, đồng bộ từ quy hoạch, xây dựng công trình,
để ứng phó.
Hoàng Lê-Phương Anh