05/10/2020 - 08:49

Sáng tạo trong tuyên truyền thực hiện quyền trẻ em 

Nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng của trẻ em trong thực hiện quyền của mình, các cấp, các ngành và đoàn thể TP Cần Thơ đã có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em. Bên cạnh các buổi tọa đàm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, các đơn vị, địa phương còn tận dụng mạng xã hội, phát động các cuộc thi tìm hiểu về quyền trẻ em...

Các tác giả “nhí” đạt giải cao cuộc thi viết “Ước mơ của em” thực hiện quyền trẻ em năm 2020, do Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức.

Các tác giả “nhí” đạt giải cao cuộc thi viết “Ước mơ của em” thực hiện quyền trẻ em năm 2020, do Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) TP Cần Thơ vừa tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Ước mơ của em” thực hiện quyền trẻ em năm 2020. Sau hơn 2 tháng triển khai (từ tháng 3 đến tháng 5-2020), Ban tổ chức đã thu được 6.671 bài dự thi, trong đó có 2.316 bài viết gửi qua bưu điện và 4.355 bài viết gửi qua thư điện tử. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích cho các tác giả nhí. Cuộc thi là sân chơi bổ ích để trẻ em nói lên những suy nghĩ, mong muốn và ước mơ của mình. Ðó là những ước mơ rất đỗi bình dị, gần gũi như: quyền được học tập, vui chơi trong môi trường an toàn, thân thiện; quyền được chăm sóc, yêu thương trong gia đình hạnh phúc, hay đơn giản là quyền được học tập những môn mà các em yêu thích.

Ðiển hình như bài viết của em Phạm Khánh Vy (tác giả đạt giải Nhì cuộc thi), học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học Bình Thủy, quận Bình Thủy, kể về Ngọc - một người bạn của em. Ngọc có cuộc sống giàu có, được ba mẹ hết mực yêu thương, nhưng nhiều lần Ngọc chia sẻ, em cảm thấy rất gò bó, áp lực bởi ba mẹ can thiệp quá sâu vào chuyện học tập của mình. Có lần Ngọc xin ba mẹ đăng ký một lớp học vẽ với ước mơ sau này trở thành họa sĩ nhưng ba mẹ cực lực phản đối. Từ trường hợp của người bạn, Vy viết bài tham gia cuộc thi với mong muốn gửi đến các phụ huynh thông điệp: Hãy cho con trẻ được làm điều mình yêu thích.

Hay như bài viết của em Nguyễn Ngọc Hải Yến (tác giả đạt giải Khuyến khích cuộc thi), học sinh lớp 9A6, Trường THCS thị trấn Phong Ðiền, huyện Phong Ðiền, trình bày ước mơ khiến nhiều người có mặt tại lễ trao giải rưng rưng xúc động. Trong bài viết, Yến “tự thú” bản thân mình có chút ganh tỵ khi cha mẹ dành sự yêu thương cho em trai của mình. “Phải chăng vì mình là con gái?”, tự hỏi như vậy và Yến  mong cha mẹ yêu thương mình như em trai.

Ông Châu Văn Tuốt, Trưởng Phòng Xã hội, Sở LÐ-TB&XH thành phố, cho biết: “Nhiều bài viết thể hiện sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng cả về nội dung và hình thức thể hiện. Do cuộc thi được phát động trong thời gian cả nước và thế giới oằn mình phòng, chống dịch COVID-19 nên nhiều em ước mơ làm nhà khoa học, bác sĩ để điều chế thuốc, điều trị cho bệnh nhân hoặc làm chú bộ đội, công an nơi tuyến đầu phòng chống dịch bệnh. Qua đó, thể hiện phần nào ước mơ, trách nhiệm của các em đối với bản thân, gia đình và xã hội”.

Cùng với cuộc thi viết này, thời gian qua, các cấp, các ngành, các đoàn thể còn chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, lồng ghép nội dung truyền thông của chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các chương trình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở các đơn vị, địa phương. Hằng năm, các địa phương còn tổ chức chiến dịch truyền thông trong “Tháng hành động vì trẻ em” nhằm thay đổi nhận thức và vận động sự tham gia của toàn xã hội ủng hộ việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Ðồng thời, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông tại cộng đồng, như: nhà văn hóa ấp, khu vực; truyền thông kiến thức và kỹ năng cho cha mẹ trẻ em; biểu dương những tấm gương điển hình về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, thành phố hiện có 196 cán bộ, công chức (tất cả đều kiêm nhiệm) làm công tác trẻ em ở 3 cấp: thành phố; quận, huyện; xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, còn có 1.909 cộng tác viên và tình nguyện viên về trẻ em. Ðội ngũ làm công tác trẻ em các cấp đều được tập huấn kiến thức chuyên môn, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần đảm bảo việc thực hiện quyền trẻ em đầy đủ, đúng quy định.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết